Chính sách

Thủ tướng muốn mỗi người dân Việt Nam là một "đại sứ du lịch"

Chính sách - 23:30, 17/02/2019 G2T+7 - Theo An Bình/Vietnamfinance

Trong bài phát biểu tại Hội nghị "Phát triển Du lịch miền Trung và Tây Nguyên" được tổ chức tại Thừa Thiên – Huế ngày 16/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói ông mong muốn mỗi người dân Việt Nam phải là một "đại sứ du lịch".

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận, miền Trung - Tây Nguyên hiện là nơi hội tụ và đại diện cho hầu hết các loại tài nguyên du lịch vốn có của Việt Nam như tài nguyên biển đảo, tài nguyên văn hóa lịch sử, tài nguyên sinh thái, tài nguyên núi rừng, hang động,... Đặc biệt là có 11 Di sản Văn hóa Thế giới ở trên dải đất có gần 2.000km bờ biển tốt nhất, đẹp nhất nước ta về bãi tắm, về nghỉ dưỡng.

Theo Thủ tướng, tính chất giàu tài nguyên và di sản nơi đây cho thấy hội tụ đầy đủ các linh khí trời đất, là vùng đất thiêng liêng nơi giao hòa giữa tự nhiên và con người. Đây chính là nền tảng quan trọng để phát triển du lịch vùng đi đầu trong ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Tài nguyên du lịch nơi đây nhìn chung như một "viên ngọc thô chưa được mài dũa hoặc chưa tìm được người thợ giỏi xứng đáng".

Tuy vậy, việc nhiều tài nguyên du lịch đôi khi cũng là một bất lợi khiến chúng ta khó tìm được bản sắc, sự nhận diện thương hiệu, lưỡng lự ưu tiên đầu tư trong điều kiện nguồn lực có giới hạn. Nhiều tài nguyên đôi khi còn là cái bẫy dẫn đến sự thiếu quan tâm, chắt chiu đúng mực trong quản lý, phân bổ, khai thác, sử dụng, khiến cho tài nguyên dễ bị lãng phí, không hiệu quả, bởi tài nguyên dẫu có vô tận nhưng nếu không biết khai thác thì cũng bị cạn kiệt, suy thoái. Thủ tướng lấy ví dụ, khu vực miền Trung biển rất nhiều, rất đẹp nhưng môi trường biển bị xâm hại nghiêm trọng, rác thải nhựa và chất thải rắn vô số có thể làm mất đi tài nguyên vô giá này.

"Chúng ta cần tư duy phát triển du lịch theo nguyên lý lấy cụm ngành làm trung tâm chứ không lấy tài nguyên du lịch làm trung tâm", Thủ tướng nhấn mạnh.

Để phát triển du lịch của vùng, Thủ tướng đã đặt ra 5 câu hỏi. Thứ nhất, làm thế nào để du khách tìm đến Việt Nam đông hơn. Thứ hai, làm thế nào du khách ở lại lâu hơn thay vì đòi đi sớm hơn. Thứ ba, làm thế nào để du khách tiêu tiền nhiều hơn thay vì không có gì để chi tiêu. Thứ tư, làm thế nào để khách kể lại câu chuyện du lịch thú vị với người thân, với bạn bè một cách đầy hứng khởi, thay vì chê bai, kể một cái xấu gì đó ở Việt Nam. Thứ năm, làm thế nào du khách quay trở lại sớm nhất có thể chứ không phải một đi không trở lại.

Nhìn một cách tổng thể, Thủ tướng cho rằng nhiều năm qua ngành du lịch đã trả lời được một số câu hỏi. Tuy nhiên, nhìn từ thực tế cho thấy các câu trả lời vẫn chưa thực sự xuất sắc lắm và ngành du lịch Việt Nam nói chung, khu vực miền Trung – Tây Nguyên còn nhiều việc phải làm.

Thủ tướng cũng nhắn nhủ các công ty du lịch Việt Nam lưu ý cần có sự tự hào, tính tự tôn dân tộc trong kinh doanh du lịch chứ không phải kinh doanh du lịch với bất cứ giá nào. Phải làm sâu sắc hơn hình ảnh quê hương, đất nước trước du khách, không thể hời hợt mà bán rẻ giá trị du lịch Việt Nam với thế giới.

Về phía Chính phủ, Thủ tướng khẳng định, tiếp tục giữ gìn môi trường hòa bình, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội để mọi người dân, du khách yên tâm; đồng thời cho biết, vừa ban hành văn bản chỉ đạo về việc một Việt kiều về nước bị kẻ xấu tấn công, yêu cầu truy tìm, xử lý nghiêm tội phạm.

Bạn đang đọc bài viết Thủ tướng muốn mỗi người dân Việt Nam là một "đại sứ du lịch" tại chuyên mục Chính sách của Đô thị mới. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận
Cùng chuyên mục