Aa

Tồn kho BĐS tiếp tục giảm, sao còn lo?

Thứ Tư, 21/06/2017 - 02:00

Thống kê từ Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho thấy, đến cuối tháng 5/2017, tổng giá trị tồn kho BĐS trên toàn quốc còn khoảng 27.894 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn cung được dự báo sẽ gia tăng mạnh mẽ trong thời gian tới thì việc tồn kho BĐS tiếp tục giảm đều vẫn chưa đủ để "trấn an" thị trường khỏi những lo ngại.

Theo Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS, so với thời điểm kết thúc năm 2015, 2016 và gần nhất là tháng 4/2017 thì tổng giá trị tồn kho BĐS đã giảm lần lượt 22.995 tỷ đồng (trên 45%), 3.129 tỷ đồng (khoảng 10,09%) và 474 tỷ đồng.

Trong số này, giá trị tồn kho cao nhất tập trung ở phân khúc đất nền với 13.203 tỷ đồng - tương đương 3.375.871m2. Tiếp đến là tồn kho nhà thấp tầng với 3.492 căn, tương đương 7.379 tỷ đồng; 3.325 căn hộ chung cư với giá trị 4.832 tỷ đồng; đất nền thương mại 648.139 m2 với 2.480 tỷ đồng.

So sánh giữa hai đô thị lớn, tổng số tồn kho BĐS trên địa bàn Hà Nội vẫn cao hơn TP.HCM. Giá trị tồn kho địa ốc tại Hà Nội tính đến cuối tháng 5/2017 còn khoảng 5.451 tỷ đồng, chỉ giảm được 23 tỷ đồng so với tháng trước đó. Tại TP.HCM, lượng hàng còn tồn kho khoảng 5.183 tỷ đồng, giảm 100 tỷ đồng so với tháng 4/2017.

Tuy nhiên, theo Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS, mặc dù tồn kho BĐS tiếp tục giảm, nhưng tốc độ đã chậm lại. Lượng tồn kho chủ yếu là đất nền tại các dự án xa trung tâm chưa có hạ tầng đầy đủ. Nhiều chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp BĐS vẫn nặng mối lo con số tồn kho có thể tăng lên bất cứ lúc nào khi mà nguồn cung trong thời gian tới được dự báo sẽ gia tăng tăng mạnh mẽ.

con số này có thể tăng lên bất cứ lúc nào khi mà nguồn cung trong thời gian tới được dự báo sẽ tăng mạnh mẽ.

Con số tồn kho có thể tăng lên bất cứ lúc nào khi mà nguồn cung trong thời gian tới được dự báo sẽ tăng mạnh mẽ.

Giới kinh doanh địa ốc cho rằng, tín hiệu cung - cầu thời điểm hiện tại có thể lại tạo ra một cơn bội thực mới, bởi hiện nay các dự án căn hộ cao cấp đang được cho là dư thừa nguồn cung, trong đó các căn hộ tồn kho hiện được cho rằng phần lớn nằm ở phân khúc cao cấp. 

Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, ông Nguyễn Trần Nam nhận định: "Hiện tỷ trọng tín dụng chung dành cho BĐS vẫn an toàn nhưng lại chỉ tập trung vào một số doanh nghiệp lớn. Như vậy, xem ra lại không an toàn. Do đó, dòng vốn cho vay giữa các phân khúc cũng cần điều chỉnh để phân tán độ rủi ro”.

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Trần Nam, bên cạnh tín dụng từ các ngân hàng, nhiều quốc gia phát triển đã huy động vốn cho BĐS thông qua các quỹ đầu tư. Việc các quỹ này chỉ có 10% được đầu tư vào dự án đang triển khai, còn 90% là đầu tư vào dự án đã hình thành để cho thuê, sinh lời cũng là yếu tố đảm bảo an toàn. Đây là kênh dẫn vốn rất tốt và nên được tính toán kỹ lưỡng để áp dụng tại Việt Nam. 

Một yếu tố khác đang rình rập con số tồn kho BĐS Việt Nam hiện nay là giá vật liệu xây dựng. Mức giá này hiện đang tăng khá cao cũng có thể trở thành nguy cơ khiến giá thành sản phẩm BĐS bị đẩy lên cao làm giảm sức mua của thị trường. Do đó, khi dự án tái khởi động, chủ đầu tư buộc phải tính toán giá bán cao để vừa có tiền trả ngân hàng, vừa phải đảm bảo chi phí khi phát triển dự án.

Theo GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong tổng số hàng tồn kho thì còn nhiều “hàng” khó có thể giải quyết được. Bởi còn một lượng lớn hàng tồn kho dù “cho không cũng không ở được” vì ở giữa “đồng không mông quạnh” hay thiếu những điều kiện thiết yếu tối thiểu cho cuộc sống của cư dân như: cơ sở hạ tầng, tiện ích, môi trường, không đảm bảo… Những loại hàng tồn kho này, theo ông Võ sẽ nằm “chết” rất lâu trên thị trường.

Chính vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo rằng, doanh nghiệp địa ốc nên coi những số liệu báo cáo của các cơ quan chức năng, hiệp hội, hay những Công ty tư vấn BĐS… là những con số tham khảo để đề ra những chiến lược đầu tư kinh doanh đúng đắn, hiệu quả; tránh tình trạng nhìn vào những “con số đẹp” để “thổi giá”, “găm hàng”, bởi một khi quá kỳ vọng sẽ thu được lợi nhuận “khủng” thì sẽ rất dễ gặp phải rủi ro khi thị trường chưa thực sự phát triển bền vững.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top