Aa

Tổng giá trị chuyển nhượng BĐS "cán mốc" 800 triệu USD và ẩn số cuối năm

Thứ Tư, 04/10/2017 - 06:01

Tính lũy kế 9 tháng đầu năm 2017, trên cả nước có gần 30 giao dịch chuyển nhượng các dự án về thương mại, khu phức hợp, nhà ở, với tổng giá trị giao dịch khoảng 800 triệu USD. Theo nhận định của chuyên gia, nếu những vướng mắc về chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với việc chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án sau khi đã có giấy chứng nhận được giải quyết, thì thị trường M&A dự án BĐS sẽ còn nhộn nhịp hơn nữa trong quý cuối năm.

Những thương vụ nổi bật của Vinaland

Theo đánh giá của CBRE, trong số các giao dịch chuyển nhượng BĐS 9 tháng năm 2017, Vinaland là đơn vị sở hữu các thương vụ nổi bật nhất, đến từ các giao dịch thoái vốn trong quý III.

Cụ thể, Quỹ VinaLand Limited (thuộc VinaCapital) đã công bố bán toàn bộ vốn tại dự án khu phức hợp Vina Square (TP.HCM) có diện tích 3ha cho Trí Đức Real Estate. Sau thương vụ này, VinaLand thu về khoản tiền 41,2 triệu USD, đạt tỷ suất sinh lời nội bộ (IRR) là 3,3%.

Vinaland cũng liên tục có các thương vụ chuyển nhượng thành công tại Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Trong đó có chuyển nhượng thành công 50% cổ phần tại dự án Mỹ Gia Towership, diện tích 6ha, cho một công ty phát triển BĐS của Việt Nam và nhận về 5,9 triệu USD tiền mặt, cao hơn 0,7% giá trị tài sản ròng trước kiểm toán tại ngày 30/6. Được biết, Dự án khu đô thị Mỹ Gia (Mỹ Gia Towership) được triển khai tại thành phố Nha Trang, Khánh Hòa, và được VinaLand mua lại vào năm 2008.

Một thương vụ chuyển nhượng dự án khác tại Nha Trang, Khánh Hòa là khách sạn Otis Hotel, diện tích 4.000m2 cũng được một chủ đầu tư chuyển nhượng cho P.H Group, doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc). Sau khi mua lại khách sạn Otis, P.H Group sẽ "biến" nơi đây thành Tổ hợp căn hộ khách sạn 5 sao Otis No 02 cao 40 tầng.

Câu chuyện chuyển nhượng BĐS được các chuyên gia nhận định sẽ có nhiều điểm đặc biệt vào quý cuối năm.

Câu chuyện chuyển nhượng BĐS được các chuyên gia nhận định sẽ có nhiều điểm đặc biệt vào quý cuối năm.

Dự án "hồi sinh" nhờ chuyển nhượng và ẩn số cuối năm

Thương vụ chuyển nhượng BĐS không kém phần nổi bật là khu đất dự án Protrade Singapore Tech Park (diện tích 3.500m2), nằm trong Khu kỹ nghệ công nghiệp Ascendas - Protrade (AP Singapore Tech Park) tại Bình Dương, được Ascendas – Singbride chuyển nhượng cho Koan Hao Technology (Đài Loan).

Khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, toàn khu AP Singapore Tech Park có diện tích 500ha, dự kiến tổng chi phí khoảng 100 triệu USD, xây dựng theo mô hình hiện đại của nước ngoài, bao gồm cả khu liên hợp giải trí và dân cư.

Trước đó, vào thời điểm 6 tháng đầu năm 2017 cũng đã có hàng loạt thương vụ chuyển nhượng, sáp nhập thành công. Đơn cử, tại Đại hội đồng cổ đông của Công ty CP Phát triển BĐS Phát Đạt (PDR), đại diện doanh nghiệp này cho biết, đang muốn bán quỹ đất lớn mà doanh nghiệp này từng lập dự án The EverRich 3, nằm tại quận 7, TP.HCM. Ngay sau khi thông tin chào bán dự án này được công bố, đã có khá nhiều doanh nghiệp muốn mua lại và tháng 5 vừa qua, khu đất này đã được chuyển nhượng.

Thực tế ghi nhận đã có nhiều dự án "chết lâm sàng" được "hồi sinh" sau các thương vụ chuyển nhượng trong bối cảnh cuộc đua săn tìm quỹ đất diễn ra ngày một khốc liệt. Nổi bật giữa tháng 3/2017, Công ty CP Đầu tư và Phát triển BĐS An Gia (An Gia Investment) cùng với Quỹ đầu tư Creed Group (Nhật Bản) đã hoàn tất việc mua lại 7 block thuộc dự án khu dân cư phức hợp Lacasa (quận 7, TP.HCM) từ Tập đoàn Vạn Phát Hưng (VPH).

Hay như Tập đoàn BĐS Đất Xanh cũng tiến hành nhiều thương vụ thu gom quỹ đất, sau đó phát triển thành các dự án như: Opal Garden, Opal Skyview (quận Thủ Đức, TP.HCM)…

Theo Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu, trong năm 2017, hoạt động chuyển nhượng, sáp nhập BĐS phát triển mạnh hơn trước đây. Trong đó, BĐS là một trong hai lĩnh vực có mức độ chuyển nhượng sôi động nhất, bên cạnh ngành bán lẻ, bởi cơ hội và điều kiện cho các thương vụ này rất lớn.

Câu chuyện chuyển nhượng BĐS được nhiều chuyên gia đánh giá sẽ có nhiều diễn biến đặc biệt trong quý cuối năm. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc chuyển nhượng sẽ còn gặp nhiều khó khăn, bởi theo pháp luật hiện hành, để có đủ điều kiện chuyển nhượng, dự án phải giải phóng mặt bằng và phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Trong khi đó, hiện có nhiều dự án đang được thế chấp ngân hàng, nhiều trường hợp là tài sản bảo đảm cho các khoản nợ xấu ngân hàng… Đặc biệt, đề xuất bỏ quy định "chuyển quyền sử dụng đất không chịu VAT" sang mức thuế suất thông thường 10% gần đây của Bộ Tài chính cũng đang khiến nhiều doanh nghiệp, cá nhân hoang mang.

Theo luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP.HCM, nếu những vướng mắc về chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với việc chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án sau khi đã có giấy chứng nhận được giải quyết, thì thị trường M&A dự án BĐS sẽ còn nhộn nhịp hơn nữa./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top