Aa

Tổng Kiểm toán Nhà nước yêu cầu xử lý nghiêm cán bộ, công chức “vòi vĩnh”, “chung chi”

Thứ Năm, 20/06/2019 - 02:01

Tổng Kiểm toán Nhà nước yêu cầu rà soát những cán bộ có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng, vòi vĩnh, chung chi, gây khó khăn phiền hà cho đơn vị được kiểm toán để có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định.

Ngày 18/6, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đã ký ban hành Công điện gửi Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Kiểm toán Nhà nước về việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện nhiệm vụ và tăng cường các biện pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động kiểm toán.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc

Theo đó, Tổng Kiểm toán Nhà nước yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước (KTNN) quán triệt, thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về phòng, chống tham nhũng; tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc KTNN cần tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và kiểm soát chất lượng kiểm toán đối với các Đoàn Kiểm toán, Tổ Kiểm toán và Kiểm toán viên nhà nước, đặc biệt là các lĩnh vực kiểm toán, như: Đất đai, tài nguyên khoáng sản, đầu tư xây dựng cơ bản, kiểm toán thuế… trong việc chấp hành những quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước;

Bên cạnh đó, cần lựa chọn bố trí cán bộ, công chức, Kiểm toán viên có đủ phẩm chất, đạo đức, năng lực chuyên môn nghiệp vụ để đảm nhiệm các vị trí kiểm toán, nhất là đối với các Trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán.

Ông Hồ Đức Phớc chỉ đạo rà soát, đánh giá và báo cáo kịp thời nếu phát hiện những cán bộ, công chức, viên chức, Kiểm toán viên không đủ phẩm chất đạo đức, có dấu hiệu hoặc có dư luận về tiêu cực, tham nhũng, sách nhiễu, “vòi vĩnh”, “chung chi”, gây khó khăn, phiền hà cho đơn vị được kiểm toán, lợi dụng nhiệm vụ để vụ lợi, phục vụ động cơ cá nhân, hoặc bỏ sót, cố tình làm sai lệch hoặc giảm bớt kết quả kiểm toán… để kiên quyết đưa ra khỏi ngành và có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Thanh tra KTNN, Vụ Chế độ và kiểm soát chất lượng kiểm toán chủ trì, phối hợp với các đơn vị trong toàn ngành rà soát, tham mưu kịp thời Tổng Kiểm toán Nhà nước các quy trình, quy chế hoạt động các Đoàn kiểm toán, Đoàn thanh tra nhằm đảm bảo công khai, minh bạch, chặt chẽ, không để sơ hở tạo điều kiện thực hiện các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong quá trình hoạt động của KTNN.

Trong mọi hoạt động của đơn vị, nhất là hoạt động kiểm toán, cần ứng dụng công nghệ thông tin và siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện nhiệm vụ; tăng cường trách nhiệm của Thủ trưởng các đơn vị trong việc quản lý, lãnh đạo đội ngũ công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành KTNN;

Tổng Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh: “Cần tăng cường đấu tranh phòng, chống tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán. Khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật phải báo cáo ngay Tổng Kiểm toán Nhà nước và lập thủ tục chuyển cho cơ quan điều tra, không được có hành vi che giấu vi phạm”.

Kiểm toán trưởng, Trưởng Đoàn kiểm toán và Tổ trưởng Tổ kiểm toán có trách nhiệm quản lý hoạt động kiểm toán của Kiểm toán viên, nếu xảy ra sai phạm phải chịu trách nhiệm kỷ luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Trước đó, ngày 17/6, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã có công văn về việc rà soát, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng sau khi vụ việc cán bộ thanh tra của Bộ Xây dựng có hành vi “vòi tiền” trong quá trình thanh tra tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Để chấn chỉnh, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng này, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng yêu cầu rà soát, đánh giá, kịp thời chấn chỉnh, thay thế, loại bỏ những cán bộ không đủ phẩm chất, đạo đức, có nhiều dư luận về tiêu cực, tham nhũng trong các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng;

Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng, thực hiện nghiêm chỉ đạo “chống tham nhũng chính ngay trong các cơ quan chống tham nhũng”.

Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ, Ban cán sự đảng Kiểm toán Nhà nước chỉ đạo rà soát, bổ sung, hoàn thiện các Quy trình, quy chế hoạt động của các Đoàn thanh tra, kiểm toán đảm bảo công khai, minh bạch, chặt chẽ, không để sơ hở để thực hiện các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong quá trình thanh tra, kiểm toán./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top