TP.HCM: Chủ đầu tư dự án chống ngập 10.000 tỷ lên tiếng về việc bị tố dùng thép Trung Quốc?

Mới đây, sau khi bị đơn vị tư vấn giám sát tố việc dùng thép Trung Quốc thay cho thép Nhật Bản, Trung Nam Group, chủ đầu tư dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu – Giai đoạn 1” đã có buổi gặp gỡ các cơ quan báo chí tại TP.HCM.

03:30 15/09/2018

Đại diện Tập đoàn Trung Nam

Đại diện Tập đoàn Trung Nam "trần tình" trước báo giới chiều tối 13/9.

Ông Nguyễn Tâm Tiến - Chủ tịch tập đoàn Trung Nam cho biết những ngày qua có thông tin Tập đoàn Trung Nam dùng thép Trung Quốc thay thế cho thép G7 khi thi công các cửa van cống ngăn triều. Việc này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến dự án, hình ảnh doanh nghiệp và gây hoang mang dư luận.

Vị đại diện Trung Nam cho biết, trong buổi giải trình hôm nay có mời Công ty TNHH tư vấn xây dựng Meinhardt, thuộc Liên danh tư vấn giám sát hợp đồng (TVGSHĐ) - đơn vị báo cáo UBND TP.HCM thông tin trên, nhưng công ty này không cử đại diện tham dự.

Thép Trung Quốc tốt, đắt hơn thép Nhật Bản

Theo đại diện Trung Nam Group, thép SUS323L (từ Trung Quốc) tuy đắt nhưng tốt hơn có cơ tính và giới hạn chảy cao hơn loại thép SUS 304 (từ Nhật Bản).

Theo đại diện Trung Nam Group, thép SUS323L (từ Trung Quốc) đắt nhưng tốt hơn có cơ tính và giới hạn chảy cao hơn loại thép SUS 304 (từ Nhật Bản).

Về việc bị tố dùng thép Trung Quốc thay cho thép Nhật Bản, Trung Nam Group lý giải, theo yêu cầu kiến trúc cho không gian xung quanh của cống Bến Nghé, phải thiết kế loại cửa van cung xoay chìm vĩnh viễn trong nước, đòi hỏi phải dùng loại cửa van không rỉ sét và cứng. Đơn vị thiết kế đã tính toán và tối ưu hóa thiết kế cơ sở FS (TKCS) trong bước thiết kế bản vẽ thi công (TKBVTC) bằng cách thay loại thép SUS304 (từ Nhật Bản) bằng loại thép SUS323L (từ Trung Quốc) tốt hơn, có cơ tính và giới hạn chảy cao hơn.

Nếu làm bằng thép SUS304 thì cần 375 tấn và dùng loại thép SUS323L thì cần 315 tấn. Tổng chi phí (bao gồm cả Vật tư + Nhân công + Ca máy) nếu dùng SUS304 là 53,72 tỷ đồng và dùng SUS323L là 60,55 tỷ đồng, chỉ tăng 12,69 tỷ đồng nhưng độ an toàn, độ bền và tuổi thọ công trình cao hơn nhiều. TVGSHĐ viện dẫn đơn giá loại thép SUS304 rẻ hơn loại thép SUS323L nhưng không xét đến lượng thép SUS323L dùng ít hơn, cũng như giảm chi phí nhân công ca máy.

“Nhập thép Trung Quốc về xây dựng, người dân hay có tâm lý lo lắng thép này kém chất lượng. Trước khi nhập thép về, chúng tôi đã thí nghiệm, kiểm tra, và đạt được chất lượng mới mua. Trong hợp đồng, chúng tôi bảo hành thép Trung Quốc trong vòng 3 năm”, ông Nguyễn Tâm Tiến khẳng định.

Đại diện Trung Nam cũng cho biết, việc thi công luôn tuân thủ TKBVTC đã được thẩm định phê duyệt và được Hội Đồng Kiểm tra Nghiệm Thu của Bộ NN&PTNT kiểm tra nhiều lần đánh giá công trình chất lượng. Hơn nữa, tại hợp đồng BT (Điều 10) UBND TP.HCM ký với Nhà đầu tư không có điều khoản hay ràng buộc nào là thép sử dụng cửa van phải là thép G7, Châu Âu, Thép Mỹ, Thép Nhật hay thép Trung Quốc. Việc chọn lựa thép phôi tấm để gia công chế tạo cửa van có thể dùng bất cứ loại thép nào đạt chuẩn kỹ thuật.

Nhà đầu tư mua thép xuất xứ từ nước nào thì khai báo giá vật tư đầu vào là thép của nước ấy chứ không mua thép nước này khai báo giá thép nước kia.

"Tại nhiều văn bản, chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.HCM và hướng dẫn của Bộ Xây dựng đã nêu rất rõ là các bên tham gia dự án phải tuân thủ theo kết quả thẩm định của Sở NN&PTNT. Căn cứ nội dung các văn bản trên thì TVGSHĐ đã không tuân thủ chỉ đạo của UBND TP.HCM và hướng dẫn của các bộ ngành liên quan", ông Nguyễn Tâm Tiến cho hay.

Có mặt tại buổi giải trình, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng- Phó giám đốc Trung tâm chống ngập TP.HCM cũng nhìn nhận đối với các dự án từ ngân sách thì không được áp đặt, chỉ định nhà sản xuất dùng thép loại nào.

"Đối với thép dùng thi công công trình thì phải đảm bảo đúng chỉ tiêu công trình, đủ chỉ tiêu cơ lý phù hợp với các yêu cầu trong bảng hồ sơ thiết kế", ông Dũng nhấn mạnh.

Chủ đầu tư tố ngược đơn vị tư vấn giám sát

Cống kiểm soát triều Tân Thuận - 1 trong 6 cống kiểm soát triều thuộc dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng.

Cống kiểm soát triều Tân Thuận - 1 trong 6 cống kiểm soát triều thuộc dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng.

Đại diện Trung Nam Group cho biết dự án "Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu – Giai đoạn 1" đã hoàn thành 72% khối lượng và tạm dừng thi công từ ngày 27/4 cho đến nay.

Nguyên nhân tạm dừng là bởi Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) – chi nhánh Nam Sài Gòn đã dừng giải ngân cho dự án do UBND TP.HCM chưa ký xác nhận báo cáo thanh toán giải ngân của dự án theo biểu Phụ lục 02A tại Quyết định số 2240/QĐ-NHNN để thực hiện thủ tục tái cấp vốn.

Việc dừng giải ngân là do TVGSHĐ của dự án tuy ký xác nhận giá trị hoàn thành nhưng trong văn bản xác nhận thường kèm theo các ý kiến và khuyến cáo thiếu cơ sở. Tại văn bản số 2903/STC-ĐTSC ngày 14/5 của Sở Tài chính TP.HCM nêu rõ TVGSHĐ không thực hiện đúng chỉ đạo của UBND TP.HCM nên Sở không thể ký xác nhận.

Sau đó, TVGSHĐ đã ký lại tổng hợp các đợt tại văn bản HTFC-SCFC/LO-18-041 vào ngày 27/6 nhưng BIDV không chấp nhận vì việc ký xác nhận của TVGSHĐ không theo biểu mẫu 02A để Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn cho dự án.

Theo lý giải của lãnh đạo Trung Nam Group, TVGSHD không xác nhận thanh toán với lý do: Tiêu chuẩn thép không có trong tiêu chuẩn UBND TP.HCM duyệt; Chỉ dẫn kỹ thuật: S355 xuất xứ G7, cơ tính và hóa tính tương đương S355. Trên thực tế, trong hồ sơ thiết kế, bản Chỉ dẫn kỹ thuật do tư vấn thiết kế lập ban đầu có nội dung này.

Tuy nhiên, theo chủ đầu tư, quy định như vậy là trái với Luật Xây dựng (Điểm đ, Khoản 2, Điều 86), đó là "Không được chỉ định nhà sản xuất cung cấp vật liệu, vật tư và thiết bị xây dựng trong nội dung thiết kế xây dựng của công trình sử dụng vốn nhà nước". Để phù hợp với các quy định của pháp luật, đơn vị tư vấn thiết kế cũng đã đính chính lại nội dung chỉ dẫn kỹ thuật: "Vật tư chính chế tạo cửa van là thép S355 hoặc tương đương".

Về kỹ thuật chuyên ngành thì bản vẽ là quan trọng nhất trong hồ sơ thiết kế, làm căn cứ để triển khai thi công. TVGSHĐ không thể căn cứ vào một điều khoản trái quy định pháp luật để không xác nhận thanh toán.

Theo ông Tiến, quá trình triển khai dự án, việc thi công hoàn toàn tuân thủ TKBVTC và chỉ có sự thay đổi giữa TKCS và TKBVTC. Bản vẽ TKBVTC được duyệt yêu cầu sử dụng vật liệu chế tạo cửa van là thép S355 JO theo tiêu chuẩn DIN (hoặc loại tương đương SM490A-B theo JIS, Q345B theo GB 700-88, A572 Gr.50 theo ASTM,...). Nhà thầu đã thi công đúng theo TKBVTC.

Từ những phân tích trên, ông Tiến cho biết thêm đơn vị này sẽ kiến nghị TP.HCM thay đổi một trong những TVGSHĐ vì những thiệt hại nêu trên. Dự án không thiếu vốn. Nhà đầu tư không có lỗi trong việc dự án tạm dừng. Nguồn vốn dành cho dự án đầy đủ và luôn có sẵn để giải ngân theo QĐ 2240 của Ngân hàng Nhà nước.

Ngoài ra, Trung Nam Group cho biết trong phân công ngành dọc của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được quản lý về thủy lợi. Tại văn bản 1947, Thủ tướng Chính phủ ký năm 2015 chấp thuận cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng ý cho TP.HCM thẩm định thiết kế cơ sở, bản vẽ thi công và dự toán.

Sau đó, TP.HCM đã ủy quyền và giao nhiệm vụ lại cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định dự án. Như vậy, Trung Nam Group phải trình mọi thiết kế và vấn đề phát sinh dự án qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đúng theo phân công chức năng của Chính phủ, văn bản pháp lý và hợp đồng. Trung Nam Group nói việc Liên danh tư vấn giám sát hợp đồng cho rằng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không có thẩm quyền trong các quyết định thay đổi vật tư là thiếu cơ sở.

Trước đó, trong báo cáo gửi UBND TP.HCM, Công ty TNHH Tư vấn Xây dựng Meinhardt Việt Nam (liên doanh được chọn làm tư vấn giám sát dự án) cho biết, chủ đầu đã sử dụng vật liệu thi công cửa van thép không thống nhất với khâu thiết kế (dùng thép có nguồn gốc Trung Quốc chứ không phải của các nước thuộc khối G7). Việc này chưa được chính quyền thành phố chấp thuận, có khả năng khiến chi phí duy tu bảo dưỡng cao hơn.

Ngay sau đó, UBND TP.HCM đã lập Đoàn thanh tra, đánh giá dự án về các vấn đề: tạm ứng cho nhà thầu, thay đổi tiêu chuẩn vật liệu thép cho hạng mục cơ khí cửa van, thay đổi thiết kế cống kiểm soát triều Mương Chuối, đề nghị giảm chi phí lưu kho của Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 (đơn vị thi công dự án)...

Minh Đức

Bạn đang đọc bài viết TP.HCM: Chủ đầu tư dự án chống ngập 10.000 tỷ lên tiếng về việc bị tố dùng thép Trung Quốc? tại chuyên mục THÀNH PHỐ HCM của Địa ốc Phương Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận