Aa

TP.HCM: Thu hút hơn 26.000 tỷ đồng cho các dự án PPP

Thứ Sáu, 25/08/2017 - 19:20

Ngày 24/8, tại hội nghị kết nối nhà đầu tư với ngân hàng tham gia thực hiện các dự án thuộc 7 chương trình đột phá của TPHCM, đã diễn ra lễ ký kết biên bản thỏa thuận cho vay vốn của 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) giữa nhà đầu tư và ngân hàng, tổ chức tín dụng, với tổng mức cho vay 26.000 tỷ đồng.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, hiện nay nhu cầu đầu tư cho các công trình, dự án thuộc 7 chương trình đột phá của TP giai đoạn 2016 - 2020 là rất lớn, ước tính khoảng 850 nghìn tỷ đồng, trong đó lĩnh vực hạ tầng giao thông, môi trường, chống ngập chiếm tỷ lệ khoảng 60%.

Tuy nhiên, khả năng ngân sách TP hiện chỉ đáp ứng khoảng 20% tổng nhu cầu vốn đầu tư, đó là thách thức lớn đối với Thành phố trong thời gian tới.

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, trong điều kiện nguồn vốn ngân sách còn hạn hẹp, việc tăng cường thu hút đầu tư các nguồn lực trong và ngoài nước được xem là giải pháp hữu hiệu, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững nền kinh tế TP.

Thành phố sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin từ TP đến cơ sở; tháo bỏ những điểm nghẽn về cải cách hành chính; đưa đấu giá, đấu thầu thành phương thức chủ yếu phân bổ các nguồn lực nhằm minh bạch và tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế có cơ hội đầu tư trên địa bàn.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Theo báo cáo tại hội nghị, đến thời điểm hiện nay, đã có 23 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư hoàn tất ký kết hợp đồng với tổng vốn đầu tư đạt khoảng 71.127 tỷ đồng, tương đương khoảng 3 tỷ đô la Mỹ; đang tiếp tục triển khai thực hiện 130 dự án khác với tổng mức đầu tư dự kiến là 395.847 tỷ đồng, tương đương khoảng 17 tỷ đô la Mỹ. Về thu hút đầu tư nước ngoài, tính đến hết ngày 31/7/2017, Thành phố có 7.065 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 42,07 tỷ đô la Mỹ.

Ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, cho biết, Sở đang triển khai nhiều giải pháp để thu hút các nguồn vốn đầu tư tư nhân.

Cụ thể, đẩy mạnh thu hút, kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) trên tất cả các lĩnh vực xây dựng: trụ sở cơ quan nhà nước, nhà ở xã hội - tái định cư, công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật (giao thông, giảm ngập, môi trường, cấp nước sạch, cấp điện), hạ tầng xã hội (giáo dục, y tế, văn hóa - xã hội), thương mại, khoa học và công nghệ, khí tượng thủy văn, hạ tầng khu công nghiệp, khu nông nghiệp, khu công nghệ cao, hạ tầng công nghệ thông tin…, các dịch vụ khác có tiềm năng thu hút đầu tư.

Thực hiện linh hoạt và đa dạng hóa các hình thức chi trả cho nhà đầu tư theo mô hình đầu tư theo hình thức đối tác công tư mới như Hợp đồng BTL, BLT, Hợp đồng BOO, Hợp đồng O&M…, để bù đắp việc hạn chế của hình thức Hợp đồng BT trong bối cảnh quỹ đất thành phố còn hạn hẹp. Đặc biệt chú trọng, nghiên cứu, đề xuất cơ chế phối kết hợp trong rà soát, tìm kiếm các cách để tạo nguồn vốn thanh toán cho nhà đầu tư các dự án theo hình thức PPP.

Đẩy mạnh, tăng cường hợp tác 3 bên giữa cơ quan quản lý nhà nước, nhà đầu tư và các ngân hàng, tổ chức tín dụng; đảm bảo sự đồng hành của các ngân hàng, tổ chức tín dụng và các nhà đầu tư trong hỗ trợ cho vay vốn triển khai thực hiện dự án đúng tiến độ, phù hợp quy định pháp luật, góp phần tăng cuờng năng lực thực hiện các dự án thuộc 7 chương trình đột phá của TP.

Xây dựng chính sách phù hợp, khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào 9 ngành dịch vụ chủ yếu (Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; Thương mại; Du lịch; Dịch vụ vận tải, cảng và kho bãi; Bưu chính, viễn thông, thông tin và truyền thông; Kinh doanh tài sản, BĐS; Dịch vụ tư vấn, khoa học, công nghệ; Y tế; Giáo dục, đào tạo), 4 ngành công nghiệp trọng yếu (Cơ khí; Điện tử - công nghệ thông tin; Hóa dược - cao su; Chế biến tinh lương thực, thực phẩm).

Tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP bằng các biện pháp như: thường xuyên nghiên cứu, đề xuất các cơ chế chính sách phù hợp đảm bảo lợi ích, thu hút nhà đầu tư, phù hợp theo thông lệ và xu thế quốc tế nhưng vẫn đảm bảo phù hợp cơ sở pháp lý; đẩy mạnh công tác cải cách về thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin.

Cũng tại hội nghị, đã diễn ra lễ ký kết Thỏa thuận phối hợp, hợp tác giữa Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) trong công tác hỗ trợ và cho vay đối với doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn TP với mục đích nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng với chi phí sử dụng vốn cạnh tranh, tiết giảm thủ tục cho vay vốn; đồng thời, diễn ra lễ ký kết Biên bản thỏa thuận cho vay vốn của 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 26.000 tỷ đồng giữa các nhà đầu tư và các ngân hàng.

HFIC tiếp tục phát huy vai trò nhà đầu tư chiến lược, tiên phong, kêu gọi các thành phần kinh tế và huy động mọi nguồn lực của xã hội tham gia đầu tư vào các dự án hạ tầng trọng điểm, thông qua việc ký kết Biên bản ghi nhớ cho vay vốn và Biên bản ghi nhớ nhận tài trợ vốn đối với 2 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP.

Cụ thể: Dự án đầu tư xây dựng Khu Dịch vụ số 1 – Bệnh viện Nhi Đồng 1, quy mô vốn đầu tư 800 tỷ đồng, ký kết với Ngân hàng Vietcombank và Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Y tế Quận 7, quy mô vốn đầu tư 99 tỷ đồng, ký kết với Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng An Gia Hưng./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top