Aa

Trăn trở về phòng cháy chữa cháy

Thứ Bảy, 23/03/2019 - 06:01

Thời gian gần đây, “giặc hỏa” quấy nhiễu ghê quá. Mở TV ra là thấy các thảm cảnh cháy nổ ở khắp nơi. Khi lực lượng cứu hỏa đến nơi, vật lộn, chiến đấu, hy sinh, khống chế, dập tắt được đám cháy thì không còn gì nữa. Thiệt hại về tính mạng, tài sản của nhân dân và lực lượng cứu hỏa là khôn cùng.

Nỗi lo phòng chống “giặc hỏa” đã và đang làm nóng mặt báo và nghị trường Quốc hội. Mới đây, được biết Quốc hội đã tổ chức 5 đoàn khảo sát, giám sát công tác PCCC tại các địa phương.

Tự cho mình là một người trong cuộc, có vài bài học kinh nghiệm thực tiễn về PCCC, người viết bài này muốn gửi đến các đoàn giám sát của Quốc hội vài trăn trở, mong góp phần cải thiện được phần nào công tác nóng bỏng này.

Theo phong cách “nói có sách, mách có chứng”, trước khi đưa ra những ý kiến đề xuất, tôi kể vài câu chuyện có thật, đã từng chứng kiến trong các giai đoạn cụ thể của quá trình công tác.

Chuyện thứ nhất, tôi nhớ về công tác phòng cháy, chống cháy tại Nhà máy đường liên doanh Nghệ An Tate & Lyle của những ông Tây đến từ Vương quốc Anh từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước. Ngày ấy, cháy chưa nhiều, Luật phòng cháy, chống cháy chưa ra đời và cảnh sát PCCC cũng chưa hùng hậu như bây giờ. Khi tôi lên nhận chức Phó Tổng Giám đốc thứ nhất, hệ thống phòng chống cháy đã xây dựng xong. Đọc hồ sơ và ký thanh toán các hợp đồng thi công hệ thống PCCC, tôi hơi cảm thấy xót của. Trong lòng cứ thắc mắc: “Các ông Tây sao mà lãng phí thế?”.

Thời ấy, các ông Tây này đã dám bỏ ra hơn 150.000USD để trang bị hệ thống phòng cháy cho nhà máy, chưa kể các chi phí để thuê chuyên gia về đào tạo, hướng dẫn sử dụng thiết bị, tổ chức diễn tập thường xuyên cho toàn bộ cán bộ công nhân. Nhờ vậy đến nay, sau hơn hai mươi năm hoạt động, nhà máy đường Nghệ An Tate & Lyle, nay là Công ty mía đường NASUCO chưa xảy ra một vụ hỏa hoạn nào.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Chuyện thứ hai, tôi kể về “ta” trong những năm gần đây, khi công tác tại Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam. Tôi là Phó Ban lớn, được giao nhiệm vụ Trưởng một số Ban nhỏ, trong đó có Trưởng Ban Phòng cháy, chống cháy. Đây là chức vụ làm cho tôi lo và “sợ” nhất. Ngày nhận quyết định, một đồng chí cấp dưới, thì thầm: “Bác cẩn thận, chức này lành ít dữ nhiều, đã có không ít Trưởng Ban Phòng cháy, chống cháy các cơ quan ở Hà Nội “nhập kho” rồi đấy”.

Lo nhưng không thể từ chối. Tôi gần như tập trung hết thời gian và sức lực cho công tác này. Biết lợi thế của mình là quan hệ, tôi lên kế hoạch tìm hiểu và kết bạn với lực lượng cảnh sát PCCC TP. Hà Nội. Nhờ đó, tôi được hướng dẫn đầy đủ, chi tiết để hoàn tất các bộ hồ sơ PCCC, theo Luật PCCC, đẹp như tranh vẽ. Đoàn kiểm tra nào đến cũng gật gù.

Nhờ tư vấn của các bạn công an, tôi tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, diễn tập thực hành PCCC cho cán bộ nhân viên như những gì nhìn thấy tại Công ty liên doanh Nghệ An T & L. Chỉ điều lạ là hình như “Tây khác, ta khác”. Tây bỏ tiền ra và giám sát kiểm tra rất chặt việc dạy và học của thầy và trò. Các ông Tây thường theo sát các lớp học, các kỳ diễn tập diễn ra rất nghiêm túc bài bản.

“Ta” lên kế hoạch rất hoành tráng, kinh phí đề xuất rất cao nhưng khi tổ chức thực hiện lại “phiên phiến”, theo hướng “đơn giản hóa”, dành nhiều thời gian cho “liên hoan, tổng kết, rút kinh nghiệm”. Ai cũng thích. Tôi cũng đành miễn cưỡng vui vẻ đồng ý, vui vẻ phát biểu và vui vẻ trao giấy chứng nhận cho các học viên, cùng nâng cốc chúc mừng các đợt học tập đã “thành công tốt đẹp”. Và sau đó, tất nhiên đã có chuyện xảy ra, thiệt hại và rắc rối không nhỏ.

Từ những cơ sở thực tiễn tôi đã trải qua, xin đề xuất với Quốc hội, Chính phủ một số việc như sau:

Trước hết, cần phát động trở lại phong trào “Toàn dân tham gia PCCC”, trong đó “phòng” là chính như trước đây. Ngày trước, làng quê tôi toàn nhà tranh vách nứa, gió lào cuồn cuộn mà rất ít thảm họa cháy nhà khủng khiếp xảy ra. Mọi đám cháy đều được khống chế, dập tắt rất nhanh sau khi tiếng hô truyền tiếp báo cháy và tiếng kẻng báo động liên hồi. Lớn bé, già trẻ trong làng, mỗi người cầm một trang thiết bị PCCC bắt buộc, được chuẩn bị trước của nhà mình lao vào đám cháy cùng dập lửa. Ngày nay thì sao? Phát hiện ra đám cháy, gọi cứu hỏa xong là hàng xóm lấy điện thoại ra quay video và phát lên facebook câu like. Họ chờ lực lượng cứu hỏa chuyên nghiệp đến. Đôi khi mải quay clip mà quên cả nhường đường cho xe cứu hỏa. Xe cứu hỏa đến, khống chế được ngọn lửa thì mọi việc đã “xong” rồi.

Tôi ủng hộ việc nhập trở lại lực lượng Cảnh sát PCCC vào hệ thống Công an và tăng cường trang thiết bị PCCC cho các cấp từ phường, xã và khu vực. Đồng thời, giao việc chỉ đạo PCCC cho chính quyền các cấp đảm nhiệm.

Lực lượng Công an, cảnh sát PCCC, tất nhiên là nòng cốt trong việc giúp UBND các cấp trong việc xây dựng, kiểm tra, giám sát các hoạt động PCCC của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Mục tiêu là để chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác phòng cháy. Đồng thời, khẩn trương, nghiêm túc huy động được sức mạnh của toàn dân trong việc chữa cháy tại chỗ, kịp thời, khi đám cháy còn nhỏ, không ngồi chờ các xe cứu hỏa đến.

Đề xuất thứ hai là các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm về PCCC, không chỉ đối với các tổ chức, cá nhân mà còn đối với các đơn vị quản lý nhà nước. Ngăn chặn và đẩy lùi tệ nạn “phạt cho tồn tại” hay nhắm mắt làm ngơ, đưa nhau đến tình trạng dở khóc dở cười như nhiều người đã biết. Đặc biệt, lưu ý đến công tác tập huấn, diễn tập chữa cháy một cách bài bản thực chất các tình huống cháy. Hướng dẫn cách sử dụng trang thiết bị PCCC để ứng phó kịp thời đến từng người dân, từng cơ sở sản xuất kinh doanh.

Cuối cùng là đề xuất về xử lý hậu quả hỏa hoạn. Các cơ quan chức năng cần hết sức khách quan, công bằng khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can trong các vụ cháy nổ. Đừng để những người tốt, trung thực nhưng không biết “quan hệ”, không “chạy kịp” phải chịu oan khuất, vướng vào vòng lao lý. Bởi vì, bản thân họ và gia đình, không bao giờ muốn hỏa hoạn xảy ra. Việc bắt họ phải “chịu trách nhiệm” về những thiệt hại do hỏa hoạn gây ra là điều “thấu lý” nhưng theo tôi là chưa “đạt tình” trong nhiều trường hợp.

Kết thúc bài viết này, người viết xin gửi đến bạn đọc một thông điệp có từ thời Bác Hồ đang sống, đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Đó là: “Công tác PCCC là của toàn Đảng, toàn dân và Phòng cháy ngàn lần hơn chữa cháy”.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top