Aa

Trăng mật

Thứ Sáu, 23/11/2018 - 06:00

Thời chúng tôi, kinh tế khó khăn, thiếu thốn đủ thứ, sau lễ cưới là bao nhiêu công việc bề bộn phải giải quyết, nhất là bài toán ngân sách dành cho sự khởi đầu một cuộc sống chung, nên hầu như không có tuần trăng mật. Lo được đám hỏi, đám cưới theo truyền thống, đã phờ phạc mọi nhẽ. Cưới xong là hối hả thu xếp chỗ ăn, chỗ nghỉ rồi sắm sanh đồ đạc. Một chỗ ở riêng tư, rồi giường rồi tủ, trăm thứ bà rằn cho một cuộc sống chung. Lo được ngần ấy thứ đủ tướt bơ, còn hơi sức đâu nữa mà lo trăng mật...

Là tôi muốn nói đến “tuần trăng mật”, khoảng thời gian của những cặp vợ chồng sau lễ cưới dành cho nhau. Những ngày này thật sự là những kỷ niệm khó quên của đời sống chồng vợ. Đây có lẽ là thời điểm vợ chồng dành cho nhau những gì ngọt ngào nhất để kết thúc chặng đường yêu đương với bao nhiêu thử thách và vật cản để tiến tới cuộc sống chung chồng vợ.

Theo nghĩa thông thường “tuần trăng mật”, đôi vợ chồng trẻ sẽ chọn một địa điểm hợp lý dành thời gian phù hợp với cả hai người để nghỉ ngơi, yêu thương nhau. Các bạn trẻ bây giờ có nhiều điều kiện về kinh tế, công việc, thời gian nên họ dành cho “tuần trăng mật” một chuyến đi du lịch dài ngày. Có thể là một “cuốc” đi xa đến một vùng nổi tiếng ở nước ngoài. Ít điều kiện hơn thì tìm đến một thắng cảnh trong nước ở trong những resort, khách sạn có sao để tận hưởng hạnh phúc. Tùy theo tính cách, sở nguyện, mỗi cặp vợ chồng tìm ra những kiểu trăng mật phù hợp. Ở những vùng nông thôn, “tuần trăng mật” bây giờ cũng được chú trọng với nhiều hình thức.

Tôi đã chứng kiến nhiều kiểu trăng mật rất đặc biệt khác người nhưng không kém phần thi vị. Một nữ họa sĩ trẻ cùng vị hôn phu chinh phục một đỉnh núi cao làm lễ cưới trên đó rồi cùng nhau hạ trại nơi sơn cùng cốc thẳm hưởng những ngày trăng mật cùng thiên nhiên. Lại có đôi bạn, sau lễ cưới gia đình, ba lô khăn gói lên xe máy đi “phượt” toàn bộ vùng núi phía bắc. Trăng mật của họ là yên xe, là rừng núi, là những cung đường ngoạn mục... Rất đặc biệt, có đôi bạn sống ở nước ngoài về gia đình trong nước làm lễ cưới. Họ có điều kiện nên dành toàn bộ tiền mừng để vợ chồng tìm đến một điểm trường miền núi chọn trước, tài trợ cho các em nhỏ. Thật ý nghĩa cho “tuần trăng mật” của họ.

Nhiều lắm, trăm người, trăm vẻ, nhưng tựu trung thì ý nghĩa của “tuần trăng mật” là ngọt ngào bên nhau, dù ở tại gia hay bất cứ địa điểm nào. Và ý nghĩa những ngày này mới là tiên quyết. Nói không quá, những ngày trăng mật có ảnh hưởng lớn đến đoạn đời chồng vợ về sau.

"Trăng mật" của đôi lứa thời nay.

Thời chúng tôi, kinh tế khó khăn, thiếu thốn đủ thứ, sau lễ cưới là bao nhiêu công việc bề bộn phải giải quyết, nhất là bài toán ngân sách dành cho sự khởi đầu một cuộc sống chung, nên hầu như không có tuần trăng mật. Tôi nhớ đám cưới của tôi năm 1987. Thời điểm ấy đất nước và mọi gia đình sống trong bao cấp thiếu thốn đủ bề. Lo được đám hỏi, đám cưới theo truyền thống, đã phờ phạc mọi nhẽ. Cưới xong là hối hả thu xếp chỗ ăn, chỗ nghỉ rồi sắm sanh đồ đạc. Một chỗ ở riêng tư, rồi giường rồi tủ, trăm thứ bà rằn cho một cuộc sống chung. Lo được ngần ấy thứ đủ tướt bơ còn hơi sức đâu nữa mà lo trăng mật. Nháo nhào, gấp gáp đã bay mất kỳ nghỉ phép dành cho đám cưới để rồi tiếp tục đến nhiệm sở làm việc. “Tuần trăng mật” dạo ấy thực sự chỉ có ở trong mơ.

Cuộc sống luôn có nhiều thay đổi. Có không ít cặp vợ chồng dù khởi đầu là một “tuần trăng mật” đủ đầy nhưng rồi đường đời khúc khuỷu không giữ được tay lái nên chia lìa đôi ngả. Những cặp vợ chồng còn bền bỉ bên nhau được, vượt qua mọi thử thách luôn trân quý cái “tuần trăng mật” thuở đầu kia. Có thể là đôi chút hối tiếc dạo trẻ không thật sự có một “tuần trăng mật” đúng nghĩa.

Hôn nhân là một cái gì đó dễ hiểu, tưởng chẳng phải bàn đến, nhưng kỳ thực nó lạ lùng và rất khó cắt nghĩa. Với “tuần trăng mật” cũng vậy. Lấy từ trường hợp gia đình tôi là một dẫn chứng sinh động. Đã nói lúc cưới không có “tuần trăng mật” nên khi cả vợ lẫn chồng đã xong việc xã hội về hưu bèn tổ chức một chuyến dã ngoại xuyên Việt. Nói là dã ngoại chỉ đôi, ba tuần lễ nhưng đây thực sự là lần duy nhất vợ chồng bên nhau nhiều thời gian đến thế. Và dĩ nhiên sự liên tục bên nhau 24/24 mới bộc lộ ra nhiều vấn đề mà trước đấy dù sống chung trong một mái nhà, một chiếc giường vẫn không thể phát hiện. Coi chuyến đi là “tuần trăng mật” bù cho trăng mật tuổi trẻ không sai. Nhưng cái “tuần trăng mật” làm lại này lại khiến cả vợ lẫn chồng giật mình nhiều thứ về người bạn đời. Đến mức sau chuyến đi tôi đã phải thốt lên thật may là không có “tuần trăng mật” dạo trẻ bởi nếu có một cú đi như chuyến trăng mật xuyên Việt này thì đảm bảo chúng tôi mỗi người một ngả.

“Tuần trăng mật”, ngoài ý nghĩa thương yêu, dứt khoát còn là những thử thách ban đầu của sự gò hai cá tính vào một tổ ấm. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top