Aa

Tranh cãi quanh đề xuất trao quyền cho cơ quan thuế thu bảo hiểm, điều tra, khởi tố

Thứ Năm, 07/12/2017 - 06:01

Phương án cơ quan thuế sẽ thực hiện đồng thời thu thuế và thu tiền Bảo hiểm xã hội bắt buộc của chủ sử dụng lao động đã nhận được nhiều ý kiến của các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp tại Hội thảo lấy ý kiến về Đề cương xây dựng Luật Quản lý thuế (sửa đổi) diễn ra mới đây.

Cơ quan thuế được quyền thu bảo hiểm, điều tra, khởi tố?

Theo đó, tại hội thảo, ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế đưa ra đề xuất cơ quan thuế thực hiện thu các khoản bảo hiểm mang tính bắt buộc, chuyển từ phương thức quản lý thuế thủ công sang phương thức điện tử, đề nghị bổ sung chức năng điều tra cho cơ quan thuế...

Ông Huy cho biết đây là vấn đề còn nhiều ý kiến trái chiều, nếu đưa nhiệm vụ thu bảo hiểm về cơ quan thuế thì cũng là cải cách thủ tục hành chính nên ban soạn thảo dự án luật mạnh dạn đưa ra.

Cũng theo ông Huy, Bộ Tài chính vừa công khai lấy ý kiến về đề nghị xây dựng Luật Quản lý thuế sửa đổi, với mục tiêu quản lý thuế theo hướng đơn giản, rõ ràng, công khai, thuận tiện, thống nhất, đảm bảo phù hợp với chuẩn mực quốc tế và quản lý thuế điện tử. 

Tại dự thảo tờ trình đề nghị xây dựng Luật Quản lý thuế (sửa đổi), Bộ Tài chính giải thích: Theo quy định hiện hành, phạm vi điều chỉnh chỉ quy định quản lý và thu các khoản thuộc ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, thực tiễn phát sinh đòi hỏi ngoài các khoản phải thu ngân sách Nhà nước thì còn phải thu các khoản khác ngoài ngân sách nhà nước. Một trong các khoản đó là các khoản bảo hiểm mang tính chất bắt buộc đối với đơn vị sử dụng lao động.

Ông Lưu Đức Huy trình bày tại Hội thảo.

Ông Lưu Đức Huy trình bày tại Hội thảo.

Bộ Tài chính cho rằng, trước yêu cầu của xã hội là phải cải cách thủ tục hành chính một cách mạnh mẽ, đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế thì cơ quan thuế tiến hành quản lý thu thuế và bảo hiểm xã hội là phù hợp với xu thế hiện nay trên thế giới. Một số quốc gia ở Châu Âu đã và đang thực hiện mô hình này trong đó có Macedonia đã chuyển đổi thành công mô hình cơ quan thuế thu cả bảo hiểm xã hội. Do đó, phạm vi theo quy định hiện hành không còn phù hợp với tình hình mới.

Quy định việc quản lý thu các khoản khác không thuộc ngân sách nhà nước trong đó có các khoản bảo hiểm mang tính chất bắt buộc đối với đơn vị sử dụng lao động là phù hợp, Bộ Tài chính khẳng định.

Trong khi đó, bà Hà Thị Trường Vy, Trưởng ban Quản lý hành nghề kế toán, Tổng Thư ký Chi hội Kế toán hành nghề Việt Nam chưa đồng tình và cho rằng, các khoản bảo hiểm bắt buộc đang được cơ quan bảo hiểm theo dõi và thông báo đối chiếu với doanh nghiệp hàng tháng. Ngoài việc thu nộp, cơ quan bảo hiểm còn phải thanh toán cho doanh nghiệp các khoản trợ cấp ốm đau, thai sản,... Vì vậy, việc theo dõi đúng hoặc không đúng số phải nộp, đã nộp bảo hiểm của doanh nghiệp còn ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Hai việc này có tính chất hoàn toàn khác nhau.

Bà Hà Thị Trường Vy cho hay: "Nên tách hai đơn vị này ra thu riêng. Cơ quan bảo hiểm xã hội phải thực hiện đúng chức năng quản lý, thanh kiểm tra để đảm bảo nguồn thu, còn cơ quan thuế thực hiện tốt nhiệm vụ thu thuế. Ban soạn thảo có ý là muốn tiết kiệm chi phí cho xã hội, nhưng hiện nay phần nợ thuế cũng rất lớn và vấn đề xác định đúng nghĩa vụ thuế và nợ thuế cho từng đối tượng cũng chưa tốt. Vì vậy, nếu kiêm cả việc thu bảo hiểm thì bộ máy liệu có đảm bảo hay không? Chưa kể phải tính đến cả việc tranh chấp sử dụng nguồn thu”.

Vì thế, theo bà trong vài ba năm tới cơ quan thuế chưa làm được việc thu cả bảo hiểm như đề xuất sửa đổi lần này.

Ngoài việc đề xuất cho cơ quan thuế thực hiện thu các khoản bảo hiểm mang tính bắt buộc, nội dung đáng chú ý khác cũng được ông Huy đề xuất là bổ sung chức năng điều tra cho cơ quan thuế. Chức năng này đã đề xuất bổ sung từ nhiều năm nay nhưng đến nay vẫn chưa thành công, ông Huy cho biết thêm.

Theo Vụ trưởng Vụ Chính sách của Tổng cục thuế thì hiện tại cơ quan thuế đang thực hiện chức năng thanh tra và kiểm tra nhưng hai chức năng này chưa mạnh bằng chức năng điều tra.

Tại dự thảo tờ trình, Bộ Tài chính thuyết minh rằng, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nhiều nước đã giao chức năng điều tra thuế cho cơ quan quản lý thuế như điều tra tố tụng hình sự. Khi có dấu hiệu tội phạm đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, cơ quan quản lý thuế căn cứ vào kết quả điều tra để áp dụng các biện pháp truy thu tối đa số thuế đã trốn, đã gian lận, đồng thời chuyển hồ sơ cho cơ quan chức năng để điều tra theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Một số nước tổ chức lực lượng cảnh sát thuế, toà án thuế (như Mỹ, Nga...).

Theo quy định của Luật Quản lý thuế, ở Việt Nam cơ quan quản lý thuế bao gồm cả cơ quan thuế và cơ quan hải quan. Tuy nhiên, ngoài các cơ quan bảo vệ pháp luật như an ninh, quốc phòng, thì cơ quan hải quan cũng được giao chức năng thực hiện công tác điều tra phục vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực phụ trách. Trong khi đó, cơ quan thuế chưa được giao chức năng này.

Cơ quan soạn thảo cho rằng, việc bổ sung chức năng điều tra sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện chiến lược cải cách hệ thống thuế, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế. Các quy định này sẽ mang tính răn đe, ngăn chặn các hành vi trốn thuế, gian lận thuế của một bộ phận tổ chức, cá nhân móc nối với nhau có tính tổ chức với thủ đoạn rất tinh vi.

Liên quan đến đề nghị bổ sung chức năng điều tra, bà Phạm Thị Thu Trang, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam cho rằng nếu bổ sung chức năng này và trao cả quyền khởi tố thì cơ quan thuế có quyền hạn rất lớn, có thể tạo sức ép lên người nộp thuế. “Hơn nữa là vẫn cùng bộ máy thì có đảm bảo độc lập và minh bạch hay không?”, bà Trang băn khoăn.

Toàn cảnh hội thảo.

Tại hội thảo, một số ý kiến khác cũng thể hiên sự băn khoăn với đề xuất sửa đổi để cơ quan thuế thu bảo hiểm và được điều tra, khởi tố.

Một lần thanh tra thuế không nên quá 30 ngày

Tại Hội thảo, đại diện các doanh nghiệp đề xuất xem lại quy định về hồ sơ khai thuế tạm tính theo quý và xem xét, sửa đổi quy định về thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế như: Thời hạn nộp tờ khai quyết toán thuế năm thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ là 90 ngày kể từ sau thời hạn nộp Báo cáo tài chính của doanh nghiệp; Thời hạn nộp thông tin, hồ sơ giao dịch liên kết sẽ là 180 ngày (hoặc 1 năm) kể từ sau thời hạn nộp Báo cáo tài chính doanh nghiệp.

Bà Phạm Thu Trang, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam kiến nghị, thời hạn một lần thanh tra thuế không nên quá 30 ngày, kể từ ngày công bố quyết định thanh tra. Trong trường hợp cần thiết, người ra quyết định thanh tra thuế gia hạn thời hạn thanh tra thuế, cũng không vượt quá 30 ngày. Bởi trong thời gian 30 ngày, doanh nghiệp đã mất nhiều thời gian, nhân lực để hỗ trợ thực hiện thanh tra, kiểm tra.

Bà Trang cho hay: "Nếu kéo dài thời hạn thanh tra thuế thì chưa phù hợp vì 30 ngày không phải ít. Trên thực tế một đoàn thuế đi kiểm tra, đến doanh nghiệp thì họ cũng không ngồi hết ở doanh nghiệp 30 ngày đầy đủ. Ngoài ra, một đoàn cũng có thể thực hiện nhiều cuộc thanh tra cùng một lúc, nên chưa thể tận dụng hết đối với một đoàn thuế. Bây giờ kéo dài thêm 45 ngày cũng làm cho tinh thần khẩn trương của cán bộ thuế kém đi. Thế nên vẫn nên giữ lại 30 ngày, chỉ trong tình huống đặc thù thì mới cần thêm thời gian”.

Theo Tổng Cục Thuế, dự thảo Luật Quản lý thuế sẽ được sửa đổi về các quy định quản lý các loại thuế (khai, thu, nộp, hoàn, miễn, giảm thuế; giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế; thanh tra, kiểm tra…), mối quan hệ giữa thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách Nhà nước (bảo hiểm xã hội, phí, lệ phí). Văn bản này sẽ có tác động toàn diện và ảnh hưởng lớn tới các hoạt động liên quan đến lĩnh vực thuế của các doanh nghiệp trong tất cả các ngành nghề sản xuất đầu tư kinh doanh.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top