Aa

TS. Nguyễn Minh Phong: "Có rất nhiều biểu hiện của lợi ích nhóm trong thực hiện các dự án BT"

Thứ Ba, 06/06/2017 - 06:01

"Tình trạng lợi ích nhóm trong quá trình thực hiện dự án BT là có nhưng vẫn chưa được nhận diện đầy đủ và có giải pháp để giảm thiểu. Vì vậy, gần đây các dự án kiểu này đã không được khuyến khích nữa, nhất là đối với các dự án của nhà đầu tư nước ngoài" - TS. Nguyễn Minh Phong trao đổi với Reatimes.

PV: Thưa TS. Nguyễn Minh Phong, khoảng 4-5 năm trở lại đây, tại các thành phố, khi cần xây dựng hạ tầng giao thông, chính quyền địa phương lại giao cho các đơn vị xây dựng theo hình thức BT (đổi đất lấy hạ tầng). Quan điểm của ông về việc này thế nào?

TS. Nguyễn Minh Phong: Hình thức đổi đất lấy hạ tầng là một hình thức huy động vốn, đặc biệt là các công trình cơ sở lớn của Việt Nam đã thực hiện trong thời gian qua. Hiện nay, chưa có tổng kết cuối cùng. Tuy nhiên, quá trình triển khai vừa qua có thể thấy 2 vấn đề:

Thứ nhất, việc thực hiện dự án theo hình thức này mang lại một số hiệu quả, giúp cho công trình được thực hiện nhanh và đáp ứng được tiến độ, Nhà nước lại không phải bỏ tiền. Ví dụ như Đại lộ Thăng Long – Hà Nội và một vài công trình khác chẳng hạn.

Thứ hai, giúp giảm bớt chi ngân sách và nợ công...

Ts. Nguyễn Minh Phong.

Ts. Nguyễn Minh Phong.

Tuy nhiên, trên thực tế quá trình thực hiện dự án cũng tạo ra vấn đề cho đến nay vẫn chưa có cơ chế đánh giá một cách tốt hơn.

Thứ nhất là hiện tượng không hiệu quả, nếu xét về mặt tổng thể chung. Vì những công trình như vậy, đất phải đổi cho chủ đầu tư rất nhiều nhưng chất lượng lại thấp, đòi hỏi chi phí bảo dưỡng về sau lớn. Cuối cùng, vẫn làm tăng khoản chi của ngân sách nhà nước cho hoạt động này. Trong khi đó, thiếu chế tài để kiểm soát chất lượng của nhà đầu tư.

Thứ hai, việc định giá, đấu giá dự án không được minh bạch, hiệu quả. Do đó, giá đưa ra thấp, gây ra tình trạng thất thoát tài sản công lớn.

 

Thứ ba, một số khoản nghĩa vụ ngân sách của các nhà đầu tư đối với dự án cũng không được thực hiện đầy đủ, dẫn đến hụt khoản thu trong dự án.

Cuối cùng, tình trạng “lợi ích nhóm” trong quá trình thực hiện dự án loại này là có nhưng vẫn chưa được nhận diện đầy đủ và có giải pháp để giảm thiểu. Vì vậy, gần đây các dự án kiểu này đã không được khuyến khích nữa, nhất là đối với các dự án của nhà đầu tư nước ngoài.

PV: Ông vừa cho rằng, việc thực hiện các dự án BT thường xảy ra tình trạng “lợi ích nhóm”. Ông có thể nói rõ về việc này?

TS. Nguyễn Minh Phong: Có rất nhiều biểu hiện của “lợi ích nhóm” trong việc thực hiện các dự án đổi đất lấy hạ tầng.

Thứ nhất, các quy hoạch không được phổ biến rộng rãi mà chỉ giới hạn trong một số người đấu thầu hẹp, thậm chí đấu thầu theo kiểu “quân xanh quân đỏ”. Với cơ chế như vậy sẽ khiến cho kết quả đấu thầu không khách quan.

Thứ hai, việc hạch toán, quyết toán các dự án này giá trị chưa được kiểm toán chặt chẽ, thành ra chất lượng dự án được xây dựng và để quyết toán sẽ gây ra sự thiệt thòi về tài sản công, gây thất thoát và rơi vào túi một số người nào đó có liên quan.

Thứ ba, quá trình kiểm tra chất lượng thực hiện dự án, nhiều khi chủ đầu tư dùng phương án vận động, lobby, tặng quà... khiến cho việc thẩm định, nghiệm thu rất hời hợt. Công trình vừa nghiệm thu xong đã hỏng. Đó chính là biểu hiện của lợi ích nhóm, gắn người làm với kiểm tra, nghiệm thu.

Đường Lê Đức Thọ kéo dài - một tuyến đường được thực hiện theo hình thức BT ở Hà Nội. Ảnh: Kháng Trần

Đường Lê Đức Thọ kéo dài - một tuyến đường được thực hiện theo hình thức BT ở Hà Nội. Ảnh: Kháng Trần

 PV: Thưa TS, xung quanh việc thực hiện các dự án BT này, một lãnh đạo công ty địa ốc ở TP.HCM cho biết, việc thực hiện các tuyến đường theo hình thức BT sẽ khiến giá trị đất bị hạ xuống từ 2-4 lần; trong khi đó, giá trị tuyến đường lại bị tăng lên từ 2-4 lần. Quan điểm của ông về việc này thế nào?

TS. Nguyễn Minh Phong: Cái đó thì khó khẳng định nhưng chắc chắn với kẽ hở cơ chế như hiện nay thì sẽ tạo ra tình huống giá đất giảm, giá công trình tăng.

Hiện nay, phương án thực hiện các dự án chưa được thẩm định, kiểm toán cho nên giá đất thường được tính rất thấp, trong khi giá công trình đội lên rất cao, tạo ra sự thất thoát tài sản công, ở đây là đất.

Thứ hai, lúc quyết toán công trình chất lượng kém, nhà nước lại phải tăng phí bảo dưỡng, bảo trì lên.

PV: Vậy với những bất cập như trên, theo ông thời gian tới chúng ta có nên tiếp tục thực hiện các công trình xây dựng theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng?

TS. Nguyễn Minh Phong: Việc này hiện nay chưa có đánh giá tổng kết, tới đây nhà nước phải tổng kết, đánh giá kỹ lại việc thực hiện các dự án này. Chỉ ra những lỗ hổng, để bổ khuyết bằng luật, bằng các giải pháp để cho chặt chẽ. Khi nào làm tốt thì triển khai nhưng không làm một cách ồ ạt mà làm kỹ từng cái một. Hơn nữa, phải đưa kiểm toán vào ngay từ đầu và phải công khai đấu thầu, đấu giá rõ ràng.

Mặt khác, phải yêu cầu các đơn vị tham gia thực hiện dự án đặt cọc có hoàn trả, tức là phải bảo hiểm, bảo hành công trình chứ không được làm xong thì bỏ đấy.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top