Aa

TTCK ngày 28/2: “Ăn mừng” tiếp với cổ phiếu ngân hàng

Thứ Năm, 01/03/2018 - 15:00

Sau Tết Nguyên đán, TTCK khởi sắc liên tục qua nhiều phiên. Đúng như dự đoán của giới phân tích, cổ phiếu ngành ngân hàng sẽ thống lĩnh và tiếp tục ghi điểm.

TTCK đang chứng minh nhận định về sự bùng nổ trong năm 2018 có thể xảy ra. Ảnh minh họa

TTCK đang chứng minh nhận định về sự bùng nổ trong năm 2018 là có thể xảy ra. Ảnh minh họa

Kết thúc phiên giao dịch ngày 28/2, VN-Index tăng 1,93 điểm (0,17%) lên 1.121,54 điểm. Toàn sàn có 124 mã tăng, 147 mã giảm và 66 mã đứng giá. HNX-Index tăng 0,76 điểm (0,6%) lên 128.05 điểm. Toàn sàn có 84 mã tăng, 70 mã giảm và 203 mã đứng giá.

TTCK trải qua phiên tăng điểm thứ 4 liên tiếp, tuy nhiên đà tăng đã có phần suy yếu về cuối phiên. Nhóm cổ phiếu ngân hàng và dầu khí như CTG, BID, MBB, PVD... đóng vai trò dẫn dắt, lan tỏa tâm lý tích cực sang các cổ phiếu còn lại. Mặc dù vậy, vẫn có không ít các cổ phiếu vốn hóa lớn khác điều chỉnh khá mạnh như VNM, BVH, MSN... Trong rổ Vn30, số mã giảm điểm chiếm ưu thế với 17 mã (so với 11 mã tăng điểm). Khối lượng giao dịch duy trì ở mức trung bình với 270 triệu cổ phiếu trên cả hai sàn.

Vùng sáng nhất phiên giao dịch vẫn tiếp tục thuộc về phía các cổ phiếu ngân hàng, CTG tăng 1.500 đồng (4,67%) lên 33.600 đồng/CP và khớp lệnh lên đến hơn 18,7 triệu cổ phiếu. BID tăng 850 đồng (2,23%) lên 39.000 đồng/CP và khớp lệnh 4,5 triệu cổ phiếu. MBB tăng 1.600 đồng (4,88%) lên 34.400 đồng/CP và bùng nổ giao dịch khi khớp lệnh lên đến 12 triệu cổ phiếu.

Bên cạnh nhóm cổ phiếu ngân hàng, thị trường còn đón nhận nhiều giao dịch tích cực đến từ nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán. Các mã như SSI, HCM, VND… đều tăng giá mạnh. SSI tăng 1.600 đồng (4,53%) lên 36.900 đồng/CP và khớp lệnh hơn 9,3 triệu cổ phiếu.

Khối ngoại trên thị trường vẫn giao dịch theo chiều hướng tiêu cực. Trong phiên, khối này mua vào hơn 21,68 triệu cổ phiếu, trị giá 1.412 tỷ đồng, trong khi bán ra hơn 34,6 triệu cổ phiếu, trị giá 1.880,7 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng đạt 12,9 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng là 468,66 tỷ đồng.

Thị trường ngày 28/2 cũng khá nhiều thông tin kinh tế mới. Chỉ số CPI tháng 2 tăng 0,73% so với tháng trước. Tổng cục Thống kê vừa có báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI), theo đó chỉ số CPI tháng 2 tăng 0,73% so với tháng trước và tăng 3,15% so với cùng kỳ năm trước. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có 9 nhóm hàng tăng giá, điển hình là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (tăng 1,53%); nhóm giao thông (tăng 0,79%); nhóm đồ uống và thuốc lá (tăng 0,75%).

Có 2 nhóm hàng giảm giá là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,09% và bưu chính viễn thông giảm 0,07%. Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến việc chỉ số CPI tăng mạnh trong tháng 2 là do nhu cầu mua sắm tăng cao dịp Tết Nguyên Đán, đặc biệt là nhóm hàng thực phẩm và đồ uống. Điển hình như các mặt hàng thịt lợn, thịt bò, hải sản tươi sống có mức tăng từ 1% đến 8%, theo đó nhóm thực phẩm tăng tới 1,71%, đóng góp 0,39% vào mức tăng CPI chung. Với kết quả này, CPI bình quân hai tháng đầu năm 2018 đã tăng 2,9% so với cùng kỳ. Mức tăng này chưa phải quá cao và vẫn có khả năng lạm phát sẽ hạ nhiệt trở lại trong tháng 3. Tuy vậy, diễn biến này vẫn cần được theo dõi sát sao vì trong trường hợp CPI tăng nhanh hơn kỳ vọng (trên 4%), NHNN có thể sẽ phải xem xét lại các mục tiêu liên quan đến tăng trưởng tín dụng và M2.

Theo tờ Bloomberg, TTCK Việt Nam giành lại "ngôi vương" tăng trưởng tại châu Á khi nhà đầu tư trở lại. Thị trường chứng khoán Việt Nam thu hút dòng tiền quay trở lại khi nền kinh tế đang có tốc độ tăng trưởng thuộc hàng nhanh nhất thế giới. Bên cạnh đó tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp vẫn ổn định mặc cho thị trường thế giới biến động thời gian gần đây.

Trong khi đó, theo chân thị trường Mỹ, chứng khoán châu Á giảm sau bình luận tích cực của Chủ tịch Fed. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong xuống 1,3%. Chỉ số Hang Seng China Enterprises của các công ty Trung Quốc niêm yết tại đây mất 1,5% và CSI 300 của các công ty Thâm Quyến và Thượng Hải có cùng mức giảm. Đợt lao dốc này xuất hiện sau khi chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Trung Quốc xuống mức thấp nhất 20 tháng, một phần do đợt nghỉ Tết dài. PMI tháng 2 là 50,3, thấp hơn tháng trước một điểm, sự sụt giảm lớn nhất trong hơn 6 năm.

Các thị trường khác trong khu vực cũng bị ảnh hưởng khi chứng khoán Mỹ "đỏ lửa" vì lo ngại rằng Ủy ban Thị trường Mở Liên bang sẽ có 4 lần tăng lãi suất trong năm nay, một triển vọng giúp đồng USD và lợi tức trái phiếu tăng cao hơn. Tại Mỹ, chỉ số S&P 500 đóng cửa giảm 1,3% trong khi chỉ số Dow Jones và Nasdaq giảm 1,2%. Topix của Nhật Bản mất 0,4%, thu hẹp đợt tăng 3 ngày. Nikkei 225 giảm 0,5%. Chỉ số S&P/ASX 200 của Australia mất 0,4% do các chỉ số tài chính giảm 0,3% trong khi giá nguyên vật liệu giảm 0,9%. Kospi của Hàn Quốc giảm 0,3%.

Dự báo về những phiên sắp tới của TTCK trong nước, Công ty chứng khoán Bảo Việt cho rằng, khả năng tiếp cận trở lại vùng đỉnh cũ vẫn đang mở ra đối với chỉ số VnIndex. Tuy vậy, diễn biến phân hóa sẽ khiến đà đi lên của chỉ số không dễ dàng. Nhiều khả năng VnIndex sẽ tiếp tục giằng co quanh vùng đỉnh cũ thêm một vài phiên nữa.

Chỉ số có thể hình thành các nhịp rung lắc, điều chỉnh ngắn đan xen trong quá trình đi lên. Trên khung thời gian intraday, đường giá có thể sẽ vấp phải áp lực điều chỉnh về lại vùng 1.110 - 1.120 điểm trong nửa đầu phiên kế tiếp. Thị trường được kỳ vọng sẽ tăng điểm trở lại khi lùi về vùng hỗ trợ này. Vùng kháng cự gần của chỉ số nằm tại 1.130 - 1.140 điểm và 1.180 - 1.190 điểm. Vùng hỗ trợ gần của chỉ số nằm tại quanh 1.092 điểm và 1.060 - 1.070 điểm.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top