Aa

Từ 15/3, Ngân hàng Nhà nước chốt lãi suất cho vay theo quy chế mới

Thứ Sáu, 10/02/2017 - 01:35

Ngân hàng Nhà nước mới đây đã đưa ra Thông tư số 39/2016/TT-NHNN (gọi tắt là Thông tư 39) thay thế cho Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng kèm theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 và một số văn bản khác liên quan đến hoạt động cho vay.

Thông tư 39 sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 15/3/2017, thay thế cho Quy chế cho vay 1627 sau 16 năm thực thi để phù hợp với thông lệ quốc tế.

Theo đó, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bắt đầu thực hiện quy chế cho vay mới, bao gồm các quy định cụ thể liên quan đến phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, nguyên tắc cho vay, lãi suất cho vay, vay vốn, điều kiện vay vốn, phí liên quan đến khoản vay, bảo đảm tiền vay, cơ cấu thời hạn trả nợ,

Tại Thông tư 39, tổ chức tín dụng và khách hàng được thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng, trừ trường hợp Ngân hàng Nhà nước có quy định về lãi suất cho vay tối đa. Theo đó, không có trần lãi suất cho vay cụ thể.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ngoài ra, tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam nhưng không vượt quá mức lãi suất cho vay tối đa do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định trong từng thời kỳ nhằm đáp ứng một số nhu cầu vốn thuộc các lĩnh vực cụ thể như phát triển nông nghiệp nông thôn; thực hiện phương án kinh doanh hàng xuất khẩu theo quy định tại Luật thương mại và các văn bản hướng dẫn Luật thương mại; phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ theo quy định của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ; phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định tại Luật công nghệ cao và các văn bản hướng dẫn Luật công nghệ cao.

Thông tư 39 cũng quy định về nội dung thỏa thuận lãi suất cho vay bao gồm mức lãi suất cho vay và phương pháp tính lãi đối với khoản vay. Trường hợp mức lãi suất cho vay không quy đổi theo tỷ lệ %/năm và/hoặc không áp dụng phương pháp tính lãi theo số dư nợ cho vay thực tế, thời gian duy trì số dư nợ gốc thực tế đó, thì trong thỏa thuận cho vay phải có nội dung về mức lãi suất quy đổi theo tỷ lệ %/năm (một năm 365 ngày) tính theo số dư nợ cho vay thực tế và thời gian duy trì số dư nợ cho vay thực tế đó.

Khi đến hạn thanh toán mà khách hàng không trả hoặc trả không đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay theo thỏa thuận, thì khách hàng phải trả lãi tiền vay như sau: lãi trên nợ gốc theo lãi suất cho vay đã thỏa thuận tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp khách hàng không trả đúng hạn tiền lãi theo quy định trên, thì phải trả lãi chậm trả theo mức lãi suất do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận nhưng không vượt quá 10%/năm tính trên số dư lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả; trường hợp khoản nợ vay bị chuyển nợ quá hạn, thì khách hàng phải trả lãi trên dư nợ gốc bị quá hạn tương ứng với thời gian chậm trả, lãi suất áp dụng không vượt quá 150% lãi suất cho vay trong hạn tại thời điểm chuyển nợ quá hạn.

Trường hợp áp dụng lãi suất cho vay điều chỉnh, tổ chức tín dụng và khách hàng phải thỏa thuận nguyên tắc và các yếu tố để xác định lãi suất điều chỉnh, thời điểm điều chỉnh lãi suất cho vay. Trường hợp căn cứ các yếu tố để xác định lãi suất điều chỉnh dẫn đến có nhiều mức lãi suất cho vay khác, thì tổ chức tín dụng áp dụng mức lãi suất cho vay thấp nhất.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top