Điểm nóng thị trường

Từ bộ gậy 5 triệu đồng đến học bổng 32 nghìn USD

Điểm nóng thị trường - 23:30, 12/02/2019 G2T+7 - Minh Phương

Là nhân tố nổi bật của làng golf Việt Nam vài năm trở lại đây, cô gái trẻ Nguyễn Thảo My hứa hẹn sẽ còn tiến xa trong sự nghiệp thể thao của mình. Bạn hãy cùng Reatimes tìm hiểu cơ duyên nào đưa My đến với golf và khiến cô muốn gắn bó lâu dài với bộ môn này trong bối cảnh nền golf trong nước vẫn còn non trẻ.

Cú “swing” bất ngờ từ tennis sang golf

Mới 20 tuổi nhưng cô gái được mệnh danh “Nữ hoàng làng golf Việt Nam” - Nguyễn Thảo My đã có tới 10 năm chơi và thi đấu golf. Có lẽ cuộc đời của My sẽ giống như bao bạn trẻ cùng trang lứa khác, học phổ thông rồi lên đại học, đi làm… nếu như bố của cô, ông Nguyễn Huy Tiến, không được giao cho vị trí quản lý bộ môn golf của một trung tâm thể dục thể thao ở Hà Nội.

“Điều khiến tôi tự hào nhất về My là nỗ lực và ý chí thi đấu. Dù tôi có làm caddie thì My cũng không bị phân tâm và có thể tập trung 100% tinh thần vào trận đấu. Hơn thế, con bé cũng rất ngoan và tự lập, không bao giờ phải khiến bố mẹ ở xa lo lắng” – ông Nguyễn Huy Tiến chia sẻ.

Là một người đam mê thể thao, ông Tiến đã chơi khá nhiều môn, trong đó có tennis. Ông cũng dạy luôn tennis cho con trai và con gái của mình để rèn luyện sức khỏe. Năm 2009, khi đang đảm nhiệm vai trò trưởng bộ môn tennis thì một ngày, ông Tiến được lãnh đạo giao cho nhiệm vụ bất ngờ: dẫn dắt bộ môn golf vừa thành lập. Thời ấy, golf còn là một khái niệm lạ lẫm. Ngoại trừ người nước ngoài, còn người Việt Nam chơi golf hầu hết là những người giàu có.

Nhưng bố chuyển sang golf rồi thì ai sẽ dạy con tập tennis tiếp? Ông Tiến quyết định “mạo hiểm” cho 2 đứa con theo bước cha, chuyển sang chơi golf. Cô bé Thảo My khi đó mới 10 tuổi đã bắt đầu biết đến cây gậy golf như thế.

Bộ gậy golf đầu tiên trong đời

Không lâu sau khi theo bố và anh trai đến sân tập golf, My đã sớm bộc lộ những tố chất “vàng” của một người chơi golf giỏi, đó là thể hình và thể lực tốt, tâm lý vững vàng và sự khéo léo trong những cú phát bóng. Nhận thấy con gái có tiềm năng, ông Tiến bàn với vợ cho Thảo My đi theo đuổi con đường thể thao chuyên nghiệp. Nhưng ngay cả vợ ông cũng lưỡng lự, khó quyết theo chồng. Golf vẫn là môn thể thao quá lạ lẫm ở Việt Nam, chơi phong trào đã khó huống chi trở thành golf thủ chuyên nghiệp. Ông Tiến hỏi ý kiến con gái để cho con quyết định và ngay lập tức, Thảo My đã nói mong muốn được theo nghiệp chơi golf.

Họ tên: Nguyễn Thảo My

Năm sinh: 1998

Thành viên đội tuyển Seahawks, Trường ĐH North Carolina Wilmington (UNCW), Mỹ (NCAA - Division 1)

Thành tích:

- Huy chương Bạc giải Trẻ năm 2013

- Huy chương Vàng giải Nữ Quốc gia mở rộng năm 2014, 2015.

- Huy chương Vàng tại Đại hội Thể dục thể thao năm 2014

- Hai lần trong Top 10 giải The Optimist IJGC

Số lần dự ASIAD: 1

Số lần dự SEA Games: 2

Là nhân viên nhà nước làm công ăn lương, ông Tiến không dư dả gì để có thể đầu tư cho con những bộ gậy hay trang phục đắt tiền. Khi ông tiết lộ về giá tiền của bộ gậy đầu tiên mua cho My, không ít người cảm thấy khó tin. Năm triệu đồng – đó là giá cho bộ gậy XXIO full set mà ông may mắn mua lại được từ một người phụ nữ Nhật Bản khi bà rời Việt Nam về nước. Bộ gậy này đã đồng hành cùng Thảo My suốt ba bốn năm liền cho tới tận khi cô được một nhãn hàng kí hợp đồng tài trợ.

"Nữ hoàng làng golf Việt Nam" - Nguyễn Thảo My.

Không phụ lòng tin của cha, My đã nhanh chóng đạt được những thành tích khó tin khi tuổi đời còn rất trẻ. Chỉ sau thời gian ngắn tập luyện, cô đã 2 năm liền giành vị trí quán quân giải Nữ Quốc gia mở rộng vào các năm 2014, 2015, cũng đồng thời lập kỷ lục nữ quán quân quốc gia trẻ nhất lịch sử.

Nhờ thành tích xuất sắc này, My được đặc cách gọi vào đội hình chính thức thi đấu tại ASIAD 2014 dù chưa có lấy một ngày tập huấn ở đội tuyển quốc gia. Đây là điều chưa từng có. Năm sau đó, Thảo My tiếp tục đại diện cho Việt Nam dự giải trẻ thế giới 2015 và đến SEA Games 28, cô đã mang về thành tích tốt nhất cho golf Việt Nam sau 6 kỳ tham dự với vị trí thứ 11.

Hành trình tới các giải NCCA

Khi Thảo My chuẩn bị bước vào cấp 3, bố cô đã phải cân nhắc việc chọn trường cho con. Mặc dù con gái có học lực rất tốt, nhưng nếu để con vào học một trường bình thường, My sẽ không có thời gian tập luyện. Do đó, ông đã khuyên My thi vào trường Năng khiếu thể thao với số điểm đầu vào 54,5 điểm.

Khác biệt lớn giữa việc chơi golf ở Mỹ và Việt Nam là số lượng golfer trẻ chơi trong các giải đấu và chất lượng sân chơi. Khi thi đấu ở Mỹ, mình được thi đấu và cọ xát với những golfer đồng lứa tuổi cũng như trình độ chơi golf của các bạn khá hơn mình nhiều. Được thi đấu và cọ xát với người chơi tốt hơn mình khiến mình tiến bộ rất nhanh hơn nhiều. Điều mình mong chờ nhất ở nền golf  nước nhà là sự phát triển của golf trẻ Việt Nam.

Môn thể thao này rất đặc biệt, nó giúp cho mình trở nên điềm đạm hơn, cũng là môn thách thức bản thân. Nếu các bạn thực sự đam mê thì hãy theo đuổi golf, đừng cảm thấy áp lực vì golf thực sự rất vui và đem lại nhiều lợi ích.

Mỗi khi mệt mỏi, mình thích được giải tỏa bằng việc dành thời gian bên bạn bè, làm những công việc mình thích, làm bản thân trở nên bận rộn với những niềm vui xung quanh. Cùng với đó là được nói chuyện với gia đình cũng như bạn trai.

Hiện tại bạn trai mình không hề biết chơi golf và mình cũng đã thử hướng dẫn anh ấy. Tuy không chơi golf nhưng anh vẫn rất ủng hộ và luôn động viên mình. Anh ấy còn sẵn sàng đi bộ 36 hố chỉ để xem mình thi đấu, và đó cũng là lần đầu tiên anh đi xem golf.

Còn về kế hoạch trước mắt, mình tập trung để thi đấu tốt những giải đấu sắp tới trong năm và hoàn thành việc học một các xuất sắc nhất. Mình muốn tốt nghiệp với số điểm tốt, đồng thời cũng đạt được nhiều thành tích tốt trong thi đấu. Mục tiêu xa hơn của mình là quay trở lại Việt Nam, có thể góp sức vào việc phát triển ngành golf nước nhà.

- Nguyễn Thảo My

 

Nhưng bố cô lại nghĩ tới việc cho con ra nước ngoài học để có cơ hội học hỏi, cọ xát và trường The American School of Bangkok là phù hợp nhất vì có chương trình đào tạo golf, sử dụng tiếng Anh mà lại không quá xa Việt Nam. Hơn thế, Thái Lan có nền golf chuyên nghiệp. Nhờ người bạn là golf thủ nổi tiếng Tăng Thị Nhung làm cầu nối, ông Tiến đã tìm được một suất học bổng bán phần cho My.

Kết thúc học kỳ 1 lớp 10 ở Hà Nội, My khăn gói sang Thái Lan học tập. Đây cũng là bước đệm quan trọng để cô nâng cao trình độ và sớm gặt hái được thành tích tại các giải quốc gia sau đó, cũng như giúp My có cơ hội tham dự giải trẻ The Optimist IJGC năm 2014 - một trong những giải đấu uy tín nhất của Mỹ và thế giới. Năm đó, My lọt vào top 10 vận động viên xuất sắc nhất giải, giành tiếp 1 suất chơi tại giải năm tiếp theo, đồng thời cũng là tiền đề để bà Cindy Ho – huấn luyện viên chính đội nữ Seahawks (trường ĐH North Carolina Wilmington - UNCW) chọn cô vào đội tuyển trường này.

Thảo My thi đấu trong màu áo đội tuyển Bắc Carolina.

Thảo My thi đấu trong màu áo đội tuyển Bắc Carolina.

Bằng sự nhạy bén và tự tin của mình, My đã tăng cơ hội học bổng từ 85% - mức trường UNCW đề xuất ban đầu – lên mức toàn phần trị giá 32 nghìn đô la Mỹ (chưa kể chi phí tập luyện golf và đi đấu giải), giúp cô hoàn toàn không phải lo nghĩ về chi phí và có thể yên tâm học tập, thi đấu. Tốt nghiệp trung học phổ thông, Thảo My rời Thái Lan sang Mỹ theo học ngành tài chính, đồng thời cũng chính thức bước chân vào những giải golf tầm cỡ. Ngay trong năm đầu tiên, My đã vươn lên vị trí thứ 2 trong đội tuyển trường và liên tục có mặt trong đội hình thi đấu của đội Seahawks từ giải nhỏ tới giải lớn. My cũng là một trong số rất ít golf thủ Việt Nam có cơ hội tham dự các giải NCCA danh giá. Chắc chắn đây sẽ là bàn đạp quan trọng giúp Thảo My theo đuổi được sự nghiệp golf và hiện thực hóa giấc mơ trở thành golfer chuyên nghiệp của cô.

Bạn đang đọc bài viết Từ bộ gậy 5 triệu đồng đến học bổng 32 nghìn USD tại chuyên mục Điểm nóng thị trường của Đô thị mới. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận
Cùng chuyên mục