Aa

Tủa Sín Chải, về nơi nhà không khóa cửa

Thứ Năm, 07/05/2020 - 13:45

Trong sự bình yên của núi rừng, không có một hàng rào barie nào ngăn cách giữa vật chất và con người. Những ngôi nhà một tầng mái tôn, bếp lửa đốt bập bùng và khói bay lên, họ thật hạnh phúc...

Ở Hà Nội nhiều năm, mỗi khi đến thăm bạn, tôi thường phải chạm mắt tới hai, ba lần khóa cửa. Nhà chung cư gặp khóa cửa hành lang, đến căn hộ thì đợi mở chốt khóa cửa sắt, rồi mới đến khóa cửa phòng. Tiếng chìa tra ổ khóa lạch cạch mãi, chờ đến khi nhìn thấy mặt nhau, chiếc khóa vô tình đã khóa đi bao nhiêu cảm xúc phút giây chào hỏi ân cần. Có lần, vì chờ mở khóa quá lâu mà lòng tôi như bị ai đó đánh thó mất niềm vui dung dị khi được gặp bạn. Cảm giác này trái ngược hoàn toàn với niềm hân hoan khi tôi đến nơi xa thẳm Tủa Sín Chải, nhìn những ngôi nhà chẳng bao giờ khóa cửa, tìm mãi không ra then cài.

Lần này, tôi lên TP. Lai Châu (tỉnh Lai Châu), đi hơn 60km mới chạm đến cột cây số không ở huyện Sìn Hồ, rồi phải đi thêm gần 40km nữa mới đến nơi cao nhất miền núi huyện lỵ. Ở nơi đó, chỉ giơ tay ra là có thể chạm vào mây miền Tủa Sín Chải. Xe vượt qua chặng đường chất ngất núi, thênh thang không đèn đỏ đèn vàng. Một bên là núi Pơ Mu và một bên là núi Khỉ, những ngọn núi thẫm chiều của Sìn Hồ, nơi mà xưa kia chỉ có khỉ mới leo tới hái hoa quả. Và tôi đã tới được nơi đây, thấy ý nghĩ của mình, hồn mình trong vắt mùi lá, mùi hoa dại.

Bản Tủa Sín Chải, huyện Sìn Hồ, Lai Châu. (Ảnh: HVH)

Tôi đi tới một vùng đầm lầy có loài tê giác trắng sinh sống từ thuở xa xưa. Thời gian làm hóa thạch cả cây rừng, khi lũ tràn qua đã xóa sạch cả đàn tê giác đông đúc, giờ mắt chỉ còn thấy duy nhất hai cây tê giác. Nghe nói hai cây tê giác này linh thiêng lắm mà thôi. 

Rừng Pơ Mu xưa ở khu vực núi Pơ Mu nay cũng không còn. Mấy năm tuyết rơi, mưa đá khiến cây cối ở vùng núi Tủa Sín Chải khô và héo úa, bản làng nom tiêu điều xác xơ. Còn trên những cung đường nơi ngọn núi Khỉ, trời vừa nắng xong đã chợt tắt, thoắt cái mù sương, lại mờ mờ ảo ảo. Xe leo qua những dốc đứng thắt tim này, mới đủ thấm nông nỗi của hai chữ "vùng sâu". Vùng sâu, suối trong, vách đứng. Đi mãi mới thấy những túp lều, những căn nhà mái tôn xen mái fibro xi măng, mới thấy ánh nắng hắt ở triền núi và mây lững đững phủ lên mái nhà, khói bếp và đàn trâu đeo chuông đã thư thả về đến ngõ.

Chân dung em bé ở bản Tủa Sín Chải. (Ảnh: HVH)

Đi gần 40km đường núi từ Sìn Hồ lên Tủa Sín Chải, xe chạy chậm hẳn lại, thời gian tiêu dao gấp ba lần so với xe chạy trên đường bằng. Càng không có tốc độ ở đường núi ngày mưa. Bạn phải thật can đảm mới dám nhìn xuống mé vực hun hút chẳng thấy đáy ở đâu, lại nhìn thấy mây là là ngang mặt. Thời tiết lạ lùng, dù đang sáng rỡ đấy lại bất chợt mưa, tối sầm ngay, đó là đất trời Sìn Hồ.

Núi Khỉ dốc đứng bậc nhất, tôi phải đứng ngay chân núi để thở, chỉ mong ngực ta được thở mà thôi. Rồi cuối cùng, tôi cũng tới Tủa Sín Chải cao chất ngất. Đợi hơi thở chùng xuống, tôi lại xuống hang động. Hang Rêu đầy nhũ đá rêu phong, mê hoặc, bỏ quên lâu ngày, không có ai đặt chân nên càng nhiều rêu xanh. Thiên nhiên đã ban tặng cho người dân bản địa nơi đây rừng núi, hang động và suối trong. Cuộc sống con người thật chẳng còn mong gì hơn môi trường sống trong trẻo, tinh khiết ấy. Núi rừng cho bạn hơi thở sâu đủ để an nhiên với cuộc đời. Không khí không hề ô nhiễm, không có xăng xe, không có đèn đỏ đèn vàng, càng không có người đứng chôn chân như bầy kiến ở phố thị. Tủa Sín Chải quả là nơi mộng mơ với dân thành phố, những ngôi nhà không có khóa cửa.

Nhìn thấy tất thảy bản làng Tủa Sín Chải, mỗi ngôi nhà dân nơi đây đi làm nương đều không khóa cửa. Xe máy cũng  không khóa. Ở chợ lại càng không bán khóa. Tạp hóa bán lẻ cũng vậy. Họ đi ra khỏi nhà chỉ "khóa cửa" theo cách thức đơn giản nhất là đánh dấu bằng năm khúc củi khô dựng trước cửa. Vậy thôi. Khóa cửa theo cách này thì chỉ có ở Tủa Sín Chải. Đàn chó và đàn lợn đều thả rông. Thả rông tất cả gà cùng ngan vịt, tối chúng tự tìm về chuồng.

Ôi, có ai bảo miền Tây Bắc Việt Nam không đẹp và thú vị kia chứ? Nơi có những mái nhà không dùng khóa cửa. Nơi con người chưa phải cảnh giác, đề phòng nhau. Từ trên ngọn núi nhìn xuống, dòng sông Đà như một chiếc khăn màu xám vắt dưới chân núi Khỉ cùng bạt ngàn cây hồi, cây quế đang trổ hoa. Ngay cả chợ huyện Sìn Hồ cũng không thấy hàng bán khóa. 

Nhà không khóa cửa. (Ảnh: HVH)

Trong sự bình yên của núi rừng, không có một hàng rào barie nào ngăn cách giữa vật chất và con người. Những ngôi nhà một tầng mái tôn, bếp lửa đốt bập bùng và khói bay lên, họ thật hạnh phúc. Những căn bếp chất cao củi dự trữ cho mùa thu và cả mùa đông. Mùa thu trên núi đã lạnh lắm rồi. Chị Giàng Thị Sùng, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã địu con đi cùng tôi xuống hang Rêu. Chị chỉ ước mơ 14 bản của xã Sìn Hồ sẽ có điện lưới phủ khắp, để cho trẻ con có ánh sáng học bài, cho phụ nữ có ngọn đèn xay ngô tối tối. Làm lụng gì có ánh sáng cũng đỡ khổ hơn biết bao, để họ không phải thắp đèn dầu hay đèn hạt cải nữa.

Hiện xã Tủa Sín Chải chỉ có 3 bản có điện lưới sinh hoạt. Có bản cách xã Tủa Sín Chải 18 cây số, xã này có đường thì chỉ đủ cho “chó chạy”, xe máy không thể đi, nên khó khăn chồng khó khăn. Không biết bao giờ mới có điện đến được nơi đó. Ước mơ thật xa vời trên dọc triền núi cao. 

Lớp học của xã liêu xiêu vách núi, liêu xiêu cả cái chữ, mà người Mông nói thế này: “Cái chữ nó biết tôi, mà tôi đâu biết nó à?”. Đâu phải ngày giáp hạt mà người Mông trên núi cao phải chịu cái bụng lép kẹp. Có năm thì tuyết, năm nay mưa đá, có đận gần 3 tháng bà con trên núi thiếu thốn gạo, ngô để ăn. Vậy mà có em vẫn vượt 18km đến trường. 

Trường phổ thông dân tộc bán trú học tập trung, ở 15 em một phòng, trong đó có những em không còn bố mẹ, phải sống với ông bà. Tường thì thưng bằng ván, mái lợp tôn. Hơi ấm của em gái người Mông là được đến lớp học và cái chữ cho em niềm hạnh phúc. Học đi em để xua tan dốt nát, đói nghèo. Học đi em để lau khô nước mắt, rồi tự mình đứng trên đôi chân của mình. Đôi chân của người đi núi, lặng lẽ an nhiên cả ngày. 

Hai mẹ con người H'Mông. (Ảnh: HVH)

Nó khác xa với người ở phố, đương thời cách ly Covid. Cuộc sống vật chất người đô thị vốn đầy đủ hơn nhiều so với người ở miền núi, nhưng mới chỉ cách ly xã hội ít ngày mà không ít kẻ đã mắc bệnh “kêu” quá to, cao giọng quá nhiều. Có bao kẻ đi xe máy hạng sang vẫn xếp hàng nhận trợ cấp gạo, trong khi đó còn biết bao người cùng khổ chạy ăn từng bữa mà không biết có nơi cứu trợ gạo để đi nhận. Cái nghèo đã khiến họ nghèo cả thông tin. Nào ai hay, đèn làm sao rạng hết mọi góc tối ở ngõ phố Hà Nội?

Nếu ta thử nhìn ngang vai chân trời ở núi mà xem, đã có bao nhiêu người ở nơi đó thiếu thốn trăm bề, người dân vẫn lặng lẽ sống? Khi gặp gỡ các em đang tuổi đến trường, hỏi các em có mơ ước sau này làm gì không, có em đáp: “Em chỉ ước trở thành cô giáo dạy chữ cho trẻ em, học làm thuốc dùng cây lá để chữa bệnh cho người nghèo”.

Hai bà cháu ven đường núi. (Ảnh: Ngọc Phước)

Anh Giàng Xuân Hương ở xã Tủa Sín Chải cho hay: “Người dân ở đây khó khăn nhất là việc đi lại, xe ô tô xuống huyện một ngày có một chuyến, vách núi dựng đứng cheo leo, mùa mưa khó đi lắm, mọi thứ đồ dùng gia dụng đắt hơn chợ huyện Sìn Hồ. Đồng tiền vốn đã eo hẹp, mưa tuyết đầu mùa lại còn lấy đi bao thứ của bà con. Hoa quả cây cối, ngô lúa lụi cả. Nghèo lại càng nghèo”. 

Năm nay, không chạy dịch Covid mà chạy bốn trận mưa đá ở vùng Phong Thổ cũng ảnh hưởng khá gần đến mùa hè ở Tủa Sín Chải. Đổi lại, bà con chịu khó đi nương hơn. Dịp tháng 5 và tháng 6, bà con đi nương hết, nhà cửa bỏ đó. Không khóa, họ đi từ sớm đến tối mới về. Sự nhẫn nại và cần cù để đổi lấy ngô lúa sắn khoai. Tất cả vì ấm no và hạnh phúc.

Rời Tủa Sín Chải, rời đường núi về thành phố mà tâm trí tôi cứ luôn ám ảnh bởi mây trên núi Khỉ, núi Tủa Sín Chải ngang mặt, ngang vai. Gương mặt các em bé người Mông đẹp ngơ ngác như thiên thần ở núi. Suối trong, đèo cao, dốc đứng vẫn vẫy gọi tôi trở lại Tủa Sín Chải, chỉ để nhìn những ngôi nhà không khóa cửa, con người không bị dây rợ buộc trói, màu khói loang trong bếp, cho tôi những ngày thanh thản, tinh khôi, nơi cõi người ở núi, hình như không bị ràng buộc vật chất gì nhiều? Tôi đã tìm thấy một giá trị khác của hạnh phúc, khi dừng chân ở nơi đây.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top