Aa

Tỷ phú đô la

Thứ Sáu, 09/03/2018 - 14:22

Công bố của Tạp chí Forbes (Mỹ) về danh sách tỷ phú USD của thế giới năm 2018, trong đó Việt Nam có 4 gương mặt đại diện gây một sự hào hứng không hề nhẹ trên truyền thông.

Trong thực tế, Việt Nam chắc chắn có nhiều tỷ phú USD hơn thế, nhưng chỉ với 4 nhân vật này cũng ít nhiều cho thấy sự thay đổi về “chất” của người giàu Việt Nam nói chung.

Lâu nay ở Việt Nam, dư luận thường cho rằng người giàu tập trung phần lớn trong lĩnh vực bất động sản, chứng khoán chứ không phải sản xuất hàng công nghiệp. Trong khi đó, theo GS Trần Văn Thọ, một nước chỉ có thể thành công trong quá trình công nghiệp hóa, khi ngày càng có nhiều những nhà doanh nghiệp giàu lên nhờ sản xuất hàng công nghiệp.

Lần này, ngoài chân dung quen thuộc của Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, các nhân vật còn lại thì có hai người là đại gia sản xuất hàng công nghiệp.

Ông Trần Đình Long thành lập Hòa Phát năm 1992 tại Hà Nội. Tập đoàn này hiện sản xuất thiết bị văn phòng, thép ống, thép xây dựng và được coi là nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam.

Ông Trần Bá Dương thành lập Công ty Ôtô Trường Hải (Thaco) năm 1997. Ban đầu, họ bán xe, sau đó dần lắp ráp xe cho các thương hiệu nước ngoài, như Kia, Mazda và Peugeot. Năm 2016, Thaco trở thành hãng ôtô lớn nhất Việt Nam, với 32% thị phần. Ngoài ra, Thaco còn sản xuất xe bus thương hiệu Việt và xe tải.

Gương mặt nữ duy nhất trong số 4 tỷ phú USD, bà Nguyễn Thị Phương Thảo là CEO VietJet Air và đóng góp của thương hiệu này với công nghiệp vận tải hàng không Việt Nam cho đến nay là không thể phủ nhận.

Nói như trên không hàm nghĩa về bước tiến của công nghiệp Việt Nam, vì đường còn dài và gian nan, câu chuyện ở đây là trong 90 triệu dân đã có ít nhất hai tỷ phú USD đứng trong lĩnh vực sản xuất, gồm hai ông họ Trần.

Đó là một tin vui.

Nhìn rộng ra, lực lượng doanh nghiệp tư nhân đang hiện diện và đóng góp quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam.

Năm ngoái, sự kiện đối ngoại nào quan trọng nhất? Tất nhiên là APEC 2017. Cung Ariyana - nơi tổ chức hầu hết các hoạt động quan trọng nhất của APEC không xây bằng ngân sách Nhà nước, nó thuộc sở hữu của một tập đoàn tư nhân.

Nhà ga quốc tế mới tại sân bay Đà Nẵng, được thi công để kịp đưa vào phục vụ APEC cũng có đóng góp từ khu vực kinh tế tư nhân.

Không lâu nữa, ở miền Bắc, Cảng hàng không quốc tế Quảng Ninh – sân bay tư nhân đầu tiên do doanh nghiệp làm cả nhà ga và hạ tầng khu bay, sẽ đón Boeing, Airbus.

Được xây dựng trên huyện đảo Vân Đồn, mục đích chính của Cảng hàng không quốc tế Quảng Ninh là phục vụ phát triển đặc khu kinh tế nơi đây. Nhà đầu tư chiến lược của vùng đất hiện còn hoang sơ này đã đổ xuống đất mỏ hàng chục nghìn tỷ đồng tiền tươi thóc thật cho các dự án động lực như sân bay, đường cao tốc, khu phức hợp giải trí…

Có thể nói mà không sợ quá rằng sự thành bại của tham vọng xây dựng đặc khu kinh tế ở Vân Đồn – một trong ba nơi được chọn làm đặc khu trên toàn cõi Việt Nam, cùng với Phú Quốc và Bắc Vân Phong, trước hết phụ thuộc vào bản lĩnh và nguồn tiền của doanh nghiệp tư nhân nêu trên.

Ngoài ra, còn rất nhiều sự hiện diện khác của kinh tế tư nhân (ở quy mô doanh nghiệp lớn) đã trở nên quen thuộc với người Việt Nam. Từ chiếc thẻ ATM trong ví, hộp sữa tươi trên tay, con cá con tôm xuất khẩu, cho đến các dự án bất động sản ở vị trí đất vàng đô thị và gần đây là tham vọng ôtô thương hiệu Việt.

Có một điều chắc chắn, nói như nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt, quá trình phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam là cuộc cải cách xã hội khổng lồ.

"Trong quá khứ, đã có lúc đất nước chúng ta sai lầm trong việc nhìn nhận về kinh tế tư nhân, nhưng rất may là chúng ta đã nhận ra và hiện đang trong quá trình đúng dần lên của các quan điểm kinh tế", ông Bạt nói như vậy trong cuộc trả lời phỏng vấn của tôi thời điểm Trung ương ra nghị quyết về kinh tế tư nhân, tháng 5/2017.

Nhưng, nếu chỉ nhìn vào đóng góp thì mới thấy được một mặt của tấm huy chương. Còn mặt trái của nó nữa.

Cũng theo ông Nguyễn Trần Bạt, không phải hễ cứ thuộc về khu vực tư nhân là tích cực và là động lực.

Những con rồng, con hổ ở châu Á bằng nội lực của dân tộc và tầm cao trong quản trị đất nước, đã dựng xây được khu vực tư nhân giúp toả sáng quốc gia. Ngược lại, nơi nào để các tập đoàn tư nhân hình thành không rõ ràng, nó sẽ trở thành sự trộn lẫn giữa quyền lực chính trị và các lợi ích kinh tế không lành mạnh. Những tập đoàn tư nhân theo kiểu ấy dần dần sẽ biến xã hội thành chỗ kiếm tiền bất chính chứ không phải xã hội là đối tượng phục vụ của nó.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top