Aa

Việt Nam: Con rồng đang trỗi dậy

Thứ Sáu, 16/08/2019 - 13:30

Qua ba thập kỷ kể từ khi Chính phủ tiến hành các cuộc cải cách kinh tế toàn diện hướng tới tăng trưởng, có thể dễ dàng nhận thấy người dân Việt Nam hiện nay có cuộc sống đầy đủ hơn, sung túc hơn và được tiếp cận những dịch vụ giáo dục tốt hơn.

Thật khó để tin rằng vào năm 1990, Việt Nam đã là một trong những nước có tỷ lệ nghèo cao nhất thế giới. Giờ đây, đất nước này lại là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất, với lực lượng lao động trẻ và năng động cùng tầng lớp trung lưu đang gia tăng. Những cải cách kinh tế bắt đầu từ công cuộc đổi mới 1986 đã thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ và biến đổi hoàn toàn diện mạo của đất nước. Tình trạng nghèo cùng cực hầu như đã được xóa bỏ, từ 53% dân số năm 1993 xuống chỉ còn 2% vào năm 2016.

Tổng Giám đốc Điều hành IFC Philippe Le Houérou

Tại châu Á, Việt Nam hiện nay được biết đến như vùng đất của một con rồng đang trỗi dậy. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng ổn định, Việt Nam có thể tự hào với thành tích phát triển vượt bậc trong 30 năm qua.

Nhóm Ngân hàng Thế giới, trong đó có Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), đã có cơ hội được đồng hành cùng Việt Nam trên hành trình phát triển ấn tượng này. Là tổ chức phát triển lớn nhất thế giới tập trung hỗ trợ khu vực tư nhân tại các thị trường mới nổi, IFC bắt đầu hoạt động tại Việt Nam năm 1992, thời điểm Chính phủ khuyến khích nguồn vốn và chuyên môn từ nước ngoài nhằm chuyển đổi nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tháng 6/1994, IFC phê duyệt khoản đầu tư đầu tiên tại Việt Nam. Khoản đầu tư nhằm nâng cấp và mở rộng khách sạn mang nhiều ý nghĩa lịch sử Metropole ở Hà Nội, khi mà khách sạn đang trong tình trạng xuống cấp trầm trọng vì thời gian và không được tu sửa thường xuyên.

Dự án khách sạn Metropole là dự án đầu tư nước ngoài thứ 13 được cấp phép tại Việt Nam sau đổi mới. Những công trình như Metropole ngày nay trở thành những điểm đến hấp dẫn đối với du khách, góp phần thúc đẩy ngành du lịch và tạo thêm nhiều việc làm.

Kể từ đó, IFC đã đồng hành cùng Việt Nam tạo nên nhiều dấu mốc "đầu tiên" trong hành trình phát triển kinh tế, như dự án cảng tư nhân đầu tiên, dự án điện theo hình thức xây dựng – vận hành – chuyển giao (BOT) đầu tiên, công ty cho thuê tài chính tư nhân đầu tiên, quỹ đầu tư cổ phần đầu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trường đại học quốc tế đầu tiên và nhà máy điện mặt trời tư nhân nối lưới đầu tiên. Ngoài ra, một ngân hàng thương mại được IFC hỗ trợ đã trở thành ngân hàng tư nhân đầu tiên niêm yết trên sàn chứng khoán Hồ Chí Minh.

Sáng kiến thành lập "Diễn đàn Khu vực Tư nhân năm 1997" cũng là một dấu ấn quan trọng trong lịch sử hoạt động của IFC tại Việt Nam. Sáng kiến được đề xuất vào năm 1996 - thời điểm nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam bắt đầu có dấu hiệu chững lại sau những thành công đầu tiên của quá trình cải cách những năm 1980.

Khi Chính phủ công bố một chương trình mới nhằm xóa nghèo và thúc đẩy tăng trưởng, IFC đã khuyến nghị Việt Nam thiết lập một cơ chế đối thoại đặc biệt giữa Chính phủ và khu vực tư nhân nhằm cải thiện môi trường đầu tư. Sáng kiến mà nay được biết đến với tên gọi "Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF)" hiện thu hút sự tham gia của cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

IFC cũng bắt đầu hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam từ năm 1997, với việc thành lập "Chương trình Phát triển Dự án Mê-kông (MPDF)", một quỹ tín thác gồm nhiều nhà tài trợ do IFC quản lý. Hiện nay, sau hơn 20 năm, nhiều trong số các doanh nghiệp nhỏ và vừa này đã trở thành các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam và có vai trò quan trọng trong nền kinh tế.

Tuy vậy, vẫn còn rất nhiều thách thức phải đối mặt phía trước. Việt Nam là một trong số những quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ biến đổi khí hậu. Tốc độ đô thị hóa nhanh, sự gia tăng tầng lớp trung lưu và quá trình công nghiệp hóa mạnh mẽ đồng nghĩa với việc nhu cầu năng lượng sẽ tiếp tục tăng cao.

Việt Nam sẽ cần tiếp tục thu hút thêm đáng kể đầu tư để duy trì tăng trưởng và phát triển kinh tế. Để đáp ứng những nhu cầu này, vai trò của khu vực kinh tế tư nhân đối với nền kinh tế cần được thể hiện mạnh mẽ hơn.

Hỗ trợ Việt Nam đáp ứng được nhu cầu điện ngày một gia tăng là một ưu tiên của IFC; trong đó, chúng tôi đặc biệt chú trọng tới các dự án cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển năng lượng tái tạo.

Các ưu tiên khác bao gồm khu vực nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp bền vững và hiệu quả, cũng như phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa và thị trường vốn. Không chỉ hỗ trợ tài chính, IFC đã tư vấn giúp nâng cao các chuẩn mực quản trị công ty, giới, công trình xanh, và thúc đẩy các dự án đầu tư trong lĩnh vực này trong tương lai...

Sau hơn 30 năm từ khi công cuộc Đổi mới bắt đầu, không nghi ngờ gì, khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam đã thực sự lớn mạnh. Các doanh nhân đã trưởng thành, các doanh nghiệp nhỏ và vừa của ngày hôm qua nay đã trở thành các doanh nghiệp vững mạnh, tạo ra vô số việc làm, tăng trưởng, và luôn dẫn đầu xu hướng đổi mới sáng tạo. Rõ ràng rằng tiếp tục khai thác sức mạnh của khu vực tư nhân sẽ có vai trò sống còn để Việt Nam vươn lên những tầm cao mới. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top