Aa

Việt Nam sẽ “đi tắt” để bắt kịp các nền kinh tế phát triển

Thứ Ba, 26/02/2019 - 06:00

Từ những tín hiệu tích cực của một quỹ đạo mới, dự báo 2019 sẽ là năm tiếp tục có những chuyển biến tích cực về tình hình kinh doanh đối với Việt Nam.

Sang năm 2019, Việt Nam sẽ thực thi 2 hiệp định thương mại lớn và quan trọng là CPTPP và EVFTA. Trong nhóm 10 nước tham gia CPTPP thì Việt Nam ở mức độ phát triển thấp nhất. Đây cần được coi là cơ hội để chúng ta cải cách mạnh hơn, cạnh tranh mạnh hơn - là động lực để mang lại những thay đổi sâu và rộng hơn, là cơ hội để có thể đi tắt đón đầu trong việc bắt kịp các nước khác.

Năm 2018 khép lại với các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt kết quả ấn tượng. Trong đó, tăng trưởng trên 7% và các chỉ số kinh tế vĩ mô giữ được ổn định, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, có nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đã bắt đầu bước sang một quỹ đạo tăng trưởng mới. Từ những tín hiệu tích cực của một quỹ đạo mới này, dự báo năm 2019 sẽ là năm tiếp tục có những chuyển biến tích cực về tình hình kinh doanh.

Trước hết, về tình hình kinh tế vĩ mô, cho dù phải đối mặt với ngày càng nhiều bất ổn tiềm ẩn từ diễn biến bên ngoài, tăng trưởng sẽ vẫn được duy trì theo đà của năm 2018, lạm phát dự kiến năm 2019 sẽ xoay quanh chỉ tiêu 4% và chính sách tiền tệ dự kiến sẽ tiếp tục được thắt chặt, chính sách tài khóa sẽ tiếp tục được kiềm chế nhằm giảm bội chi ngân sách.

Đối với môi trường kinh doanh của Việt Nam, vừa qua Ngân hàng Thế giới đã đánh giá có những tiến bộ như thủ tục thành lập doanh nghiệp, nộp thuế và thực thi hợp đồng... Chính phủ trong năm nay sẽ tiếp tục đặt ra mục tiêu đưa môi trường kinh doanh Việt Nam so sánh được với các nước đứng đầu khu vực ASEAN thông qua việc cải cách giấy phép kinh doanh và đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, cải cách thủ tục kiểm tra chuyên ngành...

Tất nhiên, các thách thức cũng xuất hiện song hành với những cơ hội này. Kinh tế Việt Nam hiện đang rất mở nên những biến động bên ngoài như căng thẳng thương mại toàn cầu có thể ảnh hưởng đến triển vọng phát triển theo định hướng xuất khẩu của Việt Nam, khu vực kinh tế đối ngoại gặp nhiều rủi ro về tăng trưởng. Tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước bị chậm, cải cách khu vực ngân hàng tài chính chưa được như mong muốn, dư địa chính sách tiền tệ và tài khóa còn hạn chế.

Hóa giải những thách thức này, chúng ta sẽ “tăng tốc và bứt phá” đúng như thông điệp của Thủ tướng Chính phủ đầu năm 2019.

GS. TS Trần Thọ Đạt- Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top