Aa

Việt Nam trở thành cường quốc du lịch của thế giới, tại sao không?

Thứ Hai, 04/02/2019 - 06:01

Luôn luôn trăn trở về việc phát triển du lịch Việt Nam thành ngành kinh tế mũi nhọn xứng tầm với tiềm năng sẵn có, ông Đoàn Văn Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn CEO, cho rằng, với các biện pháp phù hợp, du lịch nước nhà có thể tăng tốc phát triển nhanh hơn và Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành cường quốc du lịch của thế giới.

PV: Dù ít xuất hiện trên truyền thông, nhưng mỗi khi xuất hiện ông thường chỉ hay chia sẻ về câu chuyện phát triển du lịch của nước nhà với rất nhiều trăn trở và kỳ vọng vào tiềm năng tăng trưởng của du lịch Việt Nam. Cơ sở nào để ông tin tưởng và đặt kỳ vọng nhiều như vậy?

Ông Đoàn Văn Bình: Thương hiệu và hình ảnh du lịch Việt Nam ngày càng có vị thế. Ngành du lịch cũng đang chuyển mình phát triển, thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội. Tôi cho rằng, với lợi thế về điều kiện tự nhiên, văn hóa, lịch sử và con người, du lịch của Việt Nam hoàn toàn có thể tăng trưởng bùng nổ.

Và thực tế cũng đã chứng minh niềm tin của tôi là đúng. Những năm gần đây, du lịch Việt Nam thực sự đã có những bước phát triển nhảy vọt. Sau khi cán mốc 10 triệu lượt khách quốc tế năm 2016 thì Việt Nam đón tổng cộng gần 13 triệu lượt khách quốc tế năm 2017, lần đầu tiên đuổi kịp Indonesia và chỉ kém một chút so với con số 17,4 triệu lượt khách quốc tế của Singapore năm 2017. Cũng trong năm 2017, Việt Nam phục vụ hơn 73 triệu lượt khách nội địa. Hết năm 2018, lượng khách quốc tế đến Việt Nam là hơn 15 triệu lượt.

Lần đầu tiên, Việt Nam lọt vào danh sách các quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới và được Tổ chức Du lịch Thế giới xếp thứ 6 trong 10 điểm du lịch có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới và đứng đầu Châu Á về tốc độ này. 

Ông Đoàn Văn Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn CEO

Ông Đoàn Văn Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn CEO

PV: Cách đây 7 năm, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, mục tiêu đến năm 2020 có thể đón được 10,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 47 – 48 triệu lượt khách du lịch nội địa. Nhưng ngay từ năm 2016 chúng ta đã đạt được mục tiêu này. Với tiền đề thuận lợi như vậy, phải chăng chúng ta có quyền hy vọng Việt Nam sẽ sớm trở thành cường quốc du lịch, thưa ông?

Ông Đoàn Văn Bình: Sự phát triển đột phá trong những năm gần đây không những khiến cho những mục tiêu đặt ra trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được phê duyệt cách đây 7 năm có thể sẽ lạc hậu, mà còn là cơ sở để chúng ta kỳ vọng cao hơn con số đặt ra cho năm 2020 và hướng đến mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một cường quốc du lịch của thế giới.

Tháng 1/2017, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 08/NQ-TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với mục tiêu đến năm 2020 thu hút được 17 - 20 triệu lượt khách quốc tế, 82 triệu lượt khách nội địa, tổng doanh thu từ khách du lịch đạt 35 tỷ USD và đóng góp trên 10% GDP. Động thái này là cú hích, là tiền đề vững chắc cho bước tiến ngày một cao hơn, xa hơn của du lịch Việt Nam.

Chúng ta hoàn toàn có cơ hội và khả năng biến khát vọng này trở thành hiện thực. Thái Lan có hơn 50 triệu dân nhưng đón tới 35,4 triệu lượt khách quốc tế trong khi Việt Nam có dân số gần 100 triệu nhưng số lượng khách du lịch quốc tế chưa bằng một nửa của Thái Lan.

Hiện nay, Chính phủ đang đặt ba ngành là nông nghiệp, du lịch và công nghệ thông tin là các ngành kinh tế mũi nhọn. Nhưng nếu so sánh thực trạng, khả năng cạnh tranh quốc tế, tiềm năng phát triển trong thế giới phẳng thì du lịch là lĩnh vực khả thi nhất, hiệu quả nhất, tiềm năng lâu dài mà người dân và doanh nghiệp Việt có thể làm chủ cuộc chơi để đủ sức cạnh tranh với các nước mạnh về ngành công nghiệp không khói hàng đầu ASEAN, châu Á và thế giới.

Tôi cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể sớm hướng đến mốc 35 triệu lượt khách quốc tế của Thái Lan hiện nay nếu có những giải pháp đột phá cho ngành kinh tế chiến lược cất cánh, đóng góp 10% GDP cho đất nước, tạo nhiều công ăn việc làm vì robot không thể thay thế nụ cười và trái tim trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

PV: Dù vậy, rõ ràng không thể phủ nhận rằng, để phát triển, việc cạnh tranh với các quốc gia có cùng lợi thế địa lý, tự nhiên là không tránh khỏi. Trong cuộc cạnh tranh đó, du lịch Việt Nam liệu có yếu thế hơn so với các nước láng giềng như Thái Lan, Singapore, Malaysia... thưa ông?

Ông Đoàn Văn Bình: Theo bảng chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch và lữ hành của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Việt Nam xếp thứ hạng cao về tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hoá, nguồn nhân lực, an ninh – an toàn và cạnh tranh giá.

Không đứng ngoài guồng quay, các doanh nghiệp Việt đã, đang và sẽ có khả năng phát triển những dự án du lịch quy mô, đẳng cấp, đồng bộ, đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng và đủ sức cạnh tranh với khu vực và thế giới.

Thống kê của Tổng cục Du lịch năm 2017, tổng số phòng khách sạn từ 3 - 5 sao tại Việt Nam là khoảng 100.000 phòng. Đặc biệt, hệ thống cơ sở lưu trú chất lượng cao đang bùng nổ mạnh mẽ, trong đó theo CBRE, số lượng phòng khách sạn riêng bốn thị trường trọng điểm là Đà Nẵng, Nha Trang, Hạ Long và Phú Quốc vào năm 2020 dự kiến sẽ tăng lên 84.300 phòng so với tổng cộng 53.000 phòng ở thời điểm hiện tại.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tư nhân cũng đi đầu trong việc phát triển các sản phẩm du lịch mới, hình thành các tổ hợp vui chơi giải trí lớn, đa dạng hoá sản phẩm du lịch như cáp treo, casino, sân golf, biểu diễn thực cảnh cũng như tham gia xây dựng sân bay và mua sắm máy bay để mở rộng mạng lưới bay từ các thị trường quốc tế đến Việt Nam cũng như giữa các thị trường du lịch trọng điểm trong nước.

PV: Nói như vậy, du lịch Việt Nam đã sẵn sàng cho một “chặng đua” mới, thưa ông?

Ông Đoàn Văn Bình: Sự tham gia và phát triển đồng bộ của tất cả các chủ thể trên thị trường, từ cơ quan quản lý Nhà nước, đến doanh nghiệp, khách hàng sẽ là nền tảng cho du lịch Việt Nam sẵn sàng cạnh tranh để phát triển.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận, trình độ phát triển du lịch Việt Nam vẫn tụt hậu so với nhiều nước trong khu vực suốt một thời gian dài do cơ sở hạ tầng du lịch và sản phẩm du lịch nghèo nàn, chính sách phát triển du lịch chưa hấp dẫn, quảng bá và tiếp thị du lịch còn yếu.

Chẳng hạn, du lịch Việt Nam vẫn còn thiếu những sản phẩm có thể tạo thành điểm đến giống như tổ hợp khách sạn – sòng bạc Marina Bay Sands ở Singapore, các công viên chủ đề theo mô hình Disneyland hay Universal hay trường đua xe Công thức I có đủ sức thu hút khách du lịch ở tầm quốc tế. Những yếu tố tạo động lực cho du lịch phát triển của Việt Nam như hạ tầng, ưu tiên cho du lịch và mở cửa du lịch đều bị Diễn đàn Kinh tế Thế giới xếp hạng ở mức thấp.

PV: Một trong những phản ảnh nhiều nhất từ du khách quốc tế và cũng là trở ngại lớn nhất của du lịch Việt Nam hiện nay là việc di chuyển mất quá nhiều thời gian. Du khách xuống sân bay quốc tế có thể phải di chuyển thêm tới 3 – 4 giờ qua 200km để đến nơi nghỉ dưỡng. Trong khi cùng khoảng cách đó, ở nước ngoài có thể chỉ mất chưa đến 1 giờ đồng hồ?

Ông Đoàn Văn Bình: Đó chính là điểm yếu về hạ tầng, một trong bốn vấn đề còn tồn tại, cản trở du lịch Việt Nam phát triển mà tôi đã nói nhiều lần. Việc hoàn thiện hạ tầng được coi là một trong ba đột phá chiến lược của đất nước. Hạ tầng tốt sẽ kết nối và thúc đẩy du lịch các địa phương phát triển. Hệ thống sân bay tại các thị trường du lịch trọng điểm cần được tiếp tục được đầu tư và nâng cấp nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch đang bùng nổ. Tín hiệu tích cực là trong thời gian gần đây đã thu hút được nguồn lực tư nhân để xây dựng các nhà ga và cảng hàng không ở Vân Đồn, Đà Nẵng và Cam Ranh, nhưng hạ tầng và dịch vụ của nhiều sân bay khác vẫn chưa theo kịp tốc độ tăng trưởng của du lịch.

Du lịch Việt Nam sẵn sàng cho một

Du lịch Việt Nam sẵn sàng cho một "chặng đua" mới

Một trong những nút thắt của hạ tầng giao thông hiện nay là hệ thống đường sắt đang quá lạc hậu với khổ 1m. Đường bộ đã được cải thiện rất nhiều mà nổi bật là tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long – Vân Đồn thông xe toàn bộ cuối năm 2018 sẽ rút ngắn một nửa thời gian di chuyển từ Hà Nội xuống Hạ Long và Vân Đồn, từ đó tạo đà phát triển bứt phá cho du lịch Hạ Long và mở rộng không gian phát triển du lịch ra vịnh Bái Tử Long và Vân Đồn. Tuy nhiên, giao thông đến nhiều địa điểm du lịch tiềm năng khác vẫn còn khó khăn, như phải mất 10 tiếng để đi hết quãng đường từ Hà Nội đến Quảng Bình. Hay như mất 6 tiếng để đi từ TP.HCM đến Rạch Giá qua thủ phủ Cần Thơ nên nếu không có hạ tầng giao thông tốt thì Đồng bằng sông Cửu Long khó có thể phát triển nhanh.

Để bắt kịp các nước trong khu vực và thế giới, chúng ta cần mạng lưới đường cao tốc trục Bắc – Nam sớm nhất song hành cùng mạng lưới hàng không hiện đại. Đường sắt cao tốc với tốc độ nhanh 200 km/h và sau này có thể nâng cấp lên cao tốc 350 km/h cũng cần khởi động, trong đó có thể lựa chọn thí điểm phát triển tàu cao tốc trên tuyến trọng điểm Nha Trang – TP. HCM, Hà Nội – Vinh theo mô hình Shinkansen chăng?

PV: Hạ tầng là vấn đề thứ nhất vậy 3 điểm bất cập còn lại là gì, thưa ông?

Ông Đoàn Văn Bình: Đó là vấn đề thị thực, chất lượng nguồn nhân lực và công tác quảng bá du lịch Việt Nam. Nếu có hạ tầng tốt, miễn thị thực du lịch, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu và đẩy mạnh quảng bá, phần còn lại như phát triển sản phẩm du lịch, tạo điểm đến và xây dựng cơ sở lưu trú là do người dân và doanh nghiệp làm, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành cường quốc du lịch của thế giới, đóng góp cho GDP hàng trăm tỷ USD trong tương lai.

PV: Ông cho rằng việc miễn thị thực cho khách nước ngoài tới Việt Nam sẽ mang đến hiệu quả như thế nào cho du lịch?

Ông Đoàn Văn Bình: Tôi cho rằng, miễn thị thực là biện pháp mang tính đột phá với du lịch Việt Nam. Thực tiễn cho thấy, những nước có thể thu hút trên 20 triệu lượt khách mỗi năm đều có chính sách miễn thị thực rất thông thoáng.

Trong thời gian gần đây, Việt Nam đã thực hiện chính sách cấp thị thực điện tử và cấp thị thực tại cửa khẩu, từ đó giúp đơn giản hoá quy trình, thủ tục cấp thị thực cho du khách nước ngoài. Đồng thời, chính sách thị thực cũng cởi mở hơn khi Việt Nam thực hiện miễn thị thực cho 24 quốc gia. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực, chính sách thị thực của Việt Nam vẫn được đánh giá là khắt khe, bởi Thái Lan miễn thị thực cho công dân 57 nước, Indonesia 168 nước, Malaysia 162 nước và Singapore 159 nước. Nếu hé cửa thì vẫn là rụt rè, chưa chủ động đón khách.

Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, tức là sẽ là ngành mang lại ngoại tệ lớn, nên tại sao chúng ta không mở toang cửa để đón khách? Nếu xét về hiệu quả, hãy tính chi phí thị thực mỗi du khách phải trả là 25USD và trung bình mỗi du khách Úc tiêu gần 1.500USD. Đây chính là con số biết nói. Phú Quốc là ví dụ sinh động về lợi ích của miễn thị thực 30 ngày. Năm 2017 mỗi ngày có hàng chục chuyến bay quốc tế đến Phú Quốc, đóng góp khoảng 30% lượng khách quốc tế, đặc biệt là khách bay thẳng từ Tây Âu như Thuỵ Điển, Anh, Ý… và những khách này thường ở tối thiểu 15 ngày với chi tiêu bình quân 1.500 – 2.000USD/người.

Đương nhiên, bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần tăng cường hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch, kết hợp nguồn lực nhà nước và huy động vốn toàn xã hội cho hoạt động này.

Chi phí xúc tiến, quảng bá du lịch thấp, cộng với cách quảng bá nghiệp dư, thiếu sự nghiên cứu, dẫn đến hình ảnh du lịch Việt Nam mất đi sức cạnh tranh so với các nước trong khu vực. Nhà nước chỉ cần bỏ ra 1-2% tổng doanh thu du lịch dành cho xúc tiến, quảng bá thì sẽ mang lại hiệu quả rõ rệt. Trong khi đó, khối doanh nghiệp cũng có thể đồng hành thông qua việc tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế và bắt tay với các thương hiệu quản lý khách sạn, các hãng lữ hành danh tiếng trên thế giới.

PV: Nếu thực sự áp dụng miễn thị thực cho du khách nước ngoài, lượng khách đến nước ta chắc hẳn sẽ tăng đáng kể như ông nói, thậm chí là tăng vượt trội. Nhưng liệu, với số lượng du khách khổng lồ như vậy, chất lượng dịch vụ trong nước liệu có đáp ứng được, thưa ông?

Ông Đoàn Văn Bình: Tinh thần của Bộ Chính trị và Chính phủ xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn cần được quán triệt tới các bộ, ngành, các địa phương nhằm tạo hành lang và chính sách phát triển thông thoáng, kết nối các địa phương nhằm tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo, nâng cao nhận thức của người dân để mỗi người dân là một đại sứ du lịch, từ đó nâng cao thương hiệu và sức hút của du lịch Việt Nam. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách thu hút đầu tư đào tạo nguồn nhân lực nhằm nâng cao trình độ tay nghề cũng như cung cấp đủ nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành du lịch đang bùng nổ; đồng thời dành 1 – 2% Tổng doanh thu từ du lịch cho việc này.

PV: Nếu phải chọn một điểm đến mũi nhọn cho ngành du lịch Việt Nam, ông cho rằng đó sẽ là nơi nào?

Ông Đoàn Văn Bình: Theo tôi, du lịch biển đảo ngày càng trở thành một xu hướng và động lực mới, với nhiều tiềm năng ở Việt Nam. Thực tế cũng cho thấy, với lượng khách đến tăng nhiều trong những năm qua và luôn chiếm khoảng 70% tổng khách du lịch cả nước, du lịch biển đảo hiện đang là loại hình du lịch chủ đạo, góp phần quan trọng đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam. Phải nói rằng Việt Nam nơi nào cũng đẹp và giàu tiềm năng. Việc lựa chọn một điểm đến mũi nhọn cho ngành du lịch Việt Nam quả thật khó khăn.

Tại thời điểm này, tôi đánh giá Vân Đồn sẽ là điểm đến mới, giàu tiềm năng cho ngành du lịch Việt Nam. Về vị trí, Vân Đồn nằm cách không xa trung tâm Hạ Long. Khách đến với Hạ Long có thể di chuyển kéo dài chuyến đi đến Vân Đồn khá dễ dàng. Vân Đồn có vị trí đặc biệt quan trọng tại Vịnh Bắc Bộ, là cửa ngõ đường bộ hoặc đường biển của Trung Quốc với các nước ASEAN. Vùng đất này cũng nằm rất gần các trung tâm kinh tế của Trung Quốc như Quảng Đông, Hong Kong, Thâm Quyến… Điều này có thể thu hút vốn cũng như du khách đến với Vân Đồn.

Về cảnh quan, Vân Đồn sở hữu vịnh Bái Tử Long đẹp không thua kém vịnh Hạ Long. Ngoài ra, còn có hàng trăm hòn đảo lớn nhỏ với cảnh quan thiên nhiên đẹp.

Cơ sở hạ tầng của Vân Đồn đang được đầu tư mạnh, đã hình thành tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn. Tới đây sẽ khởi công tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái. Sân bay quốc tế Vân Đồn cũng đã hoàn thành và là sân bay quốc tế nối với các nước. Đường biển sẽ có cảng biển du lịch, có cảng biển nước sâu Hòn Nét - Con Ong. Với hệ thống giao thông đường bộ, đường không, đường biển thì kết nối với các địa phương, các nước rất thuận tiện.

Vân Đồn được xác định trở thành cực tăng trưởng mới không chỉ cho Quảng Ninh, mà cho cả vùng và cả nước. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng định hướng đây sẽ là đô thị biển đảo xanh trong tương lai gần.

Đặc biệt, Vân Đồn đang có sự đầu tư của rất nhiều doanh nghiệp có thương hiệu lớn... Chỉ sau vài năm được đánh thức, tới cuối năm 2017, tổng vốn đầu tư vào Vân Đồn khoảng 56.700 tỷ đồng với nhiều dự án lớn. Chắc chắn con số này sẽ không dừng lại sau khi hạ tầng du lịch, giao thông ở vùng thương cảng từng vô cùng sầm uất này được cải thiện, dòng khách du lịch đổ về và dòng vốn đầu tư sẽ tiếp tục đến.

Ngành du lịch Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn khi nước ta liên tiếp lọt vào danh sách các quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới. Có sự vào cuộc của nhiều nhà đầu tư lớn, những vùng đất giàu tài nguyên du lịch như Vân Đồn chắc chắn sẽ sớm trở thành các trung tâm du lịch mới của Việt Nam, tạo động lực cho tăng trưởng du lịch quốc gia.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top