Aa

VN-Index chịu áp lực bán mạnh cuối phiên, nhiều mã bất động sản tăng trần

Thứ Năm, 04/06/2020 - 18:19

Các chỉ số chính của thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ có được mức tăng điểm nhẹ trong phiên 4/6.

Đà hưng phấn tiếp tục diễn ra ngay từ đầu phiên giao dịch ngày thứ Năm (4/6), hàng loạt cổ phiếu trụ cột tăng giá tốt đã giúp các chỉ số thị trường bật mạnh lên trên mốc tham chiếu. Tuy nhiên, đà tăng của thị trường có phần chững lại sau đó khi sự phân hóa bắt đầu diễn ra.

Về gần cuối phiên giao dịch, áp lực bán mạnh đã xuất hiện sau khi các chỉ số không bật hẳn lên khiến nhà đầu tư có phần nao núng.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index chỉ còn tăng 2,73 điểm (0,31%) lên 883,9 điểm. Toàn sàn có 209 mã tăng, 145 mã giảm và 72 mã đứng giá. Chỉ số VN-30 thậm chí còn đảo chiều giảm trở lại 0,06%. Trong khi đó, HNX-Index vẫn tăng 0,93 điểm (0,8%) lên 117,42 điểm. Toàn sàn có 93 mã tăng, 71 mã giảm và 59 mã đứng giá. UPCoM-Index đi ngang, tức vẫn giữ mốc 56,33 điểm.

Các cổ phiếu ngành tài chính bao gồm ngân hàng và chứng khoán vẫn có sự đóng góp quan trọng trong việc giúp duy trì sắc xanh của VN-Index và HNX-Index, trong đó, VCB tăng 1,3% lên 89.000 đồng/cp, BID tăng 2% lên 41.800 đồng/cp, SSI tăng 3,3% lên 15.700 đồng/cp, SHB tăng 4,6% lên 15.900 đồng/cp.

Hai cổ phiếu CTD và DBC đều được kéo lên mức giá trần. Trong đó, ngay sau những động thái “phản pháo” của ban lãnh đạo CTD đối với Kustocem, Ricons - cái tên đang gây tranh cãi trong mối quan hệ giữa Coteccons và cổ đông lớn Kustocem đã thay đổi nhận diện thương hiệu. Logo thay vì có dòng chữ "Coteccons Group" đã chuyển thành "since 2004".

Một cổ phiếu cũng gây được sự chú ý khác đó là ROS khi tăng trần lên 3.230 đồng/cp sau thông tin HĐQT Công ty này ra nghị quyết thông qua tỷ lệ hoán đối cổ phần để thực hiện phương án sáp nhập vào Công ty Cổ phần Đầu tư Khai khoáng & Quản lý tài sản FLC (GAB). Theo đó, tỷ lệ hoán đổi dự kiến là 1:15, tức 1 cổ phiếu của GAB dự kiến sẽ hoán đổi lấy 15 cổ phiếu của ROS. Đối tượng phát hành là các cổ đông của ROS.

Chiều ngược lại, các cổ phiếu lớn như HDB, PVD, PVS, VPB, HPG… đều chìm trong sắc đỏ và gây áp lực đáng kể lên đà tăng của các chỉ số. HDB giảm 2,5%, PVD giảm 1,8%, PVS giảm 1,5%...

Ở nhóm cổ phiếu bất động sản, bất chấp sự rung lắc về cuối phiên, các cổ phiếu như HRB, TDH, HAG, ITA, QCG, VRC hay HQC vẫn được kéo lên mức giá trần. Đáng chú ý, TDH bất ngờ tăng trần nhờ thông tin HĐQT Công ty thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ hơn 1,8 triệu cổ phần, tương ứng 49% vốn tại CTCP quản lý và kinh doanh Chợ nông sản Thủ Đức. Giá chuyển nhượng 48.400 đồng/cp, tương ứng tổng giá trị thu về 87,7 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, DIH cũng tăng đến 5,2%, VPH tăng 4,8%, SGR tăng 3,1%, NLG tăng 3%, NDN tăng 3%...

Trong khi đó, sắc đỏ cũng bao trùm lên khá nhiều cổ phiếu bất động sản như IDJ, CLG, NVT, SNZ, CRE hay SJS. Chốt phiên, IDJ giảm 4,3%, CLG giảm 3,7%...

Các cổ phiếu khớp lệnh mạnh nhất thị trường phiên 4/6. Nguồn: VDSC.

Thanh khoản thị trường vẫn ở mức cao, tổng khối lượng giao dịch đạt 579 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch đạt 8.600 tỷ đồng. Trong đó, nhóm bất động sản góp mặt 3 cổ phiếu trong top 10 mã khớp lệnh mạnh nhất toàn thị trường. ITA khớp lệnh được đến 28,8 triệu cổ phiếu. FLC và AMD khớp lệnh lần lượt 12,8 triệu cổ phiếu và 10,3 triệu cổ phiếu.

Về giao dịch khối ngoại, họ tiếp tục bán ròng hơn 150 tỷ đồng trong phiên giao dịch 4/6. Ở sàn HoSE, khối ngoại bán ròng tập trung chủ yếu vào chứng chỉ quỹ E1VFVN30 (141,3 tỷ đồng) và HPG (137,4 tỷ đồng). Bên cạnh đó, có 3 cổ phiếu bất động sản lọt vào top 10 mã bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất là VIC, CII và TDH, trong đó, VIC bị bán ròng 26 tỷ đồng, còn CII và TDH bị bán ròng lần lượt 17 tỷ đồng và 9,7 tỷ đồng. Trong khi đó, VHM và VRE là 2 mã bất động sản được khối ngoại mua ròng mạnh với giá trị lần lượt 40 tỷ đồng và 31 tỷ đồng.

Các cổ phiếu có giá trị mua (bán) ròng của khối ngoại lớn nhất phiên 4/6. Nguồn: Fialda.

Theo chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), VN-Index tiến vào vùng kháng cự mạnh trong khoảng 880-885 điểm (fibonacci retracemnet 61,8%-MA200 tuần). Tuy nhiên thanh khoản của phiên tăng này là không thực sự thuyết phục khi thấp hơn mức trung bình 20 phiên gần nhất một chút. Bên cạnh đó, khối ngoại quay trở lại bán ròng hơn 80 tỷ đồng, trong đó bán ròng hơn 130 tỷ đồng chứng chỉ quỹ E1VFVN30 là điểm cần lưu ý. Trái ngược với diễn biến trên, hợp đồng tương lai VN30 tháng 6 tăng mạnh hơn so với chỉ số cơ sở VN30, qua đó thu hẹp mức basis âm xuống còn 5,29 điểm cho thấy nhà đầu tư đang dần lạc quan hơn về thị trường.

SHS dự báo trong phiên giao dịch tiếp theo 4/6, VN-Index có thể sẽ tiếp tục rung lắc do đã tiến vào vùng kháng cự mạnh trong khoảng 880-885 điểm (fibonacci retracement 61,8%-MA200 tuần). Nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu cao có thể tiếp tục bán ra chốt lời khi VN-Index ở trong vùng kháng cự mạnh trong khoảng 880-885 điểm. Ở chiều ngược lại, những nhà đầu tư đang có tỷ trọng tiền mặt lớn nên đứng ngoài quan sát và có thể giải ngân nếu thị trường có nhịp điều chỉnh về vùng hỗ trợ quanh 840 điểm.

Tại thị trường chứng khoán châu Á, MSCI châu Á – Thái Bình Dương trừ Nhật Bản tăng 0,4%. Nikkei 225 của Nhật Bản và Kospi của Hàn Quốc lần lượt tăng 0,3% và 0,2%. Tại Trung Quốc, cổ phiếu diễn biến trái chiều với Shanghai Composite giảm 0,1% trong khi Shenzhen Composite tăng 0,3%. Hang Seng của Hong Kong tăng 0,2%. ASX 200 của Australia và NZX 50 của New Zealand lần lượt tăng 0,8% và 0,9%. Straits Times của Singapore tăng 0,08%, SET 50 của Thái Lan tăng 2,5% và KLCI của Malaysia tăng 1,5% trong khi Jakarta Composite của Indonesia giảm 0,5%.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top