Aa

Vụ đòi nhà hy hữu: Chạy đua với thần chết! - Kỳ 1: Người con cuối cùng của họ Vũ

Thứ Ba, 21/02/2017 - 13:01

Ông là người Hà Nội gốc. Nhà ông có 3 anh em trai thì cả 3 đều tham gia kháng chiến chống Pháp. Một người hy sinh, hai người là thương binh nhưng rồi một người cũng bỏ ông mà đi sau trận ốm nặng. Còn mình ông cũng đang ốm nằm liệt giường ăn cháo cầm hơi ở ngôi nhà cách Hà Nội ngót 50km sau 28 năm vất vả mà không đòi được ngôi nhà mà bố mẹ ông để lại ở số nhà 27 đường Yên Phụ. Câu chuyện đầy nước mắt đã cuốn hút chúng tôi vào cuộc...

Lá đơn khiếu nại của ông Vũ Hùng Tân đến Tòa soạn vào một ngày đầu năm 1992, quá muộn mằn sau 28 năm theo đuổi một vụ kiện. Ông viết rằng nhà ông có 3 anh em trai đều tham gia Vệ quốc đoàn đi kháng chiến chống Pháp. Anh ông - Vũ Văn Phong - là liệt sỹ, hy sinh năm 1948 tại biên giới Việt Lào. Em ông, Vũ Văn Tiến, là thương binh, chuyển ngành công tác tại Phú Thọ, ốm chết năm 1990. Ông là người con duy nhất còn lại của gia đình họ Vũ.

Ông năm ấy 69 tuổi, là thương binh và công tác lâu năm tại ngành thương nghiệp Vĩnh Phú (nay là Vĩnh Phúc và Phú Thọ). Bố mẹ ông khi mất đi, có để lại cho con cái ngôi nhà số 27 đường Yên Phụ, Hà Nội.

Suốt từ năm 1964 đến ngày ấy, đằng đẵng ngần ấy năm tháng, gia đình ông theo về Hà Nội xin lại Nhà nước ngôi nhà cha ông để lại nhưng không ai giải quyết. Tháng 7/1991, Công ty ăn uống quận Ba Đình đã tự ý bán ngôi nhà ấy của gia đình ông trên mảnh đất khoảng trên dưới 200 mét vuông cho Công ty du lịch Hà Nội với giá 220 triệu đồng. Thời gian đã vắt kiệt sức lực và niềm hy vọng trong ông. Đến nay, không biết trông cậy vào ai, ông gửi đơn đến Tòa soạn nhờ giúp đỡ.

 

Khi ấy, tôi đang là Phó Tổng biên tập báo Thương Mại. Nhận được đơn, anh em trong Ban biên tập không khỏi  phân vân: Liệu sự việc có đúng như vậy không? Tại sao lại có sự vô lý hết sức như thế mà tồn tại tới mấy chục năm trời? Việc này mắc mớ ở chỗ nào? Tuy nhiên, thấy việc bênh vực quyền lợi chính đáng của nhân dân  là cần thiết, mà lại của cán bộ lâu năm trong ngành, của một gia đình có công với cách mạng, Toà soạn có công văn số 05/BTM 21/1/1992 gửi UBND thành phố Hà Nội kiểm tra và cho Toà soạn biết sự việc càng sớm càng tốt.

Đầu tháng 3/1992, chúng tôi nhận được tin: ông Tân sắp mất. Thấy không thể chờ sự trả lời của UBND thành phố Hà Nội, tôi quyết định cùng một phóng viên trẻ nữa là Hữu Quý (nay là Tổng biên tập báo Công Thương) lên thăm gia đình ông và thu thập những tài liệu cần thiết.

Ảnh minh họa. Nguồn internet.

Ảnh minh họa. Nguồn internet.

Nhà ông Tân nằm ven đường quốc lộ, cách thị xã Vĩnh Yên chừng 1 km, ngay sát chùa Bảo Sơn. Ngôi nhà cấp 4 bị lún nứt nhiều chỗ bởi làm móng không tốt. Không khí trong nhà nặng trĩu. Ông Tân nằm bất động trên chiếc giường cũ kỹ, gương mặt trắng bợt, hốc hác. Nhà bày biện đơn sơ. Một chiếc bàn gỗ mọt và chiếc ghế băng để tiếp khách. Chiếc chõng tre đặt ở góc nhà với đủ các thứ chăn, gối lộn xộn, cũ sờn...

Bà Trần Thị Sinh, vợ ông, nói rằng gần một tháng nay, ông không ăn được gì, chỉ húp được ít cháo loãng và vài múi cam. Chúng tôi nói chuyện với ông song không thu được kết quả vì ông chỉ lắp bắt miệng, không thành tiếng. Đôi mắt sâu hoắm, đục mờ chỉ ứa ra những giọt nước mắt. Ông lần lần bàn tay gầy guộc, với lấy một tập giấy tờ để lẫn trong đống sách truyện của Puskin, Sôlôkhốp... rồi đưa cho tôi. Tim tôi thắt lại, xót xa, cay đắng. Chẳng lẽ cả cuộc đời một con người lại kết thúc trong sự vô vọng như vậy sao?

Chúng tôi an ủi ông và gia đình rằng nếu có đủ căn cứ pháp lý, chắc chắn Nhà nước sẽ trả lại ngôi nhà cho gia đình ông. Nhưng dù có tin vào công lý đến mấy, không ai dám chắc đến ngày đó, ông Tân sẽ qua khỏi cơn nguy kịch. Với quyết tâm làm sáng tỏ vấn đề khi ông Tân còn sống, chúng tôi đi tìm sự thật về vụ này.

Cuộc chạy đua với thần chết bắt đầu.

Kỳ sau: Thất vọng rồi lại hy vọng        

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top