Aa

Vụ đòi nhà hy hữu: Chạy đua với thần chết! - Kỳ 2: Thất vọng rồi lại hy vọng

Thứ Sáu, 24/02/2017 - 10:00

Theo "Văn khế" bán đất từ thời Pháp thuộc để lại, bố ông Tân là cụ Vũ Văn Xuân mua khu đất số 269 của cụ Vũ Văn Hữu với giá 200 đồng bạc lúc bấy giờ. Theo luật pháp hiện hành, đất đai là công thổ quốc gia, nhưng luật pháp cũng bảo vệ tất cả tài sản của mọi công dân gắn liền với đất. Vì thế, chúng tôi tính phải tìm bằng được các văn bản có tính khách quan chứng minh trên khu đất 269 ấy, có nhà và nhà ấy là của cụ Vũ Văn Xuân.

Trong đơn, ông Tân có trình bày từ năm 1964, ông đã có đơn xin lại Nhà nước ngôi nhà số 27 Yên Phụ. Ngôi nhà hiện giờ được xây theo kiểu mới, không phải nhà cổ. Không một vết tích gì chứng tỏ có một ngôi nhà từ thời Pháp để lại. Vậy ít nhất trong lý lịch gốc của ông Tân phải có ghi số nhà. Mà đã có số nhà thì ắt phải có nhà. Chúng tôi lên Việt Trì, vào Sở Thương mại và Du lịch, nơi ông Tân công tác ngay sau hòa bình lập lại, đi tìm bản lý lịch gốc của ông Tân .

Anh Phan Sĩ Đang, trưởng phòng tổ chức Sở, giúp chúng tôi tận tình. Cả đống cặp hồ sơ cán bộ cao quá đầu người đều được dỡ tung ra. Nhưng thật không may, chúng tôi chỉ tìm thấy túi hồ sơ mang tên "Vũ Hùng Tân" không còn ruột. Anh Đang nói: "Ông Tân thuyên chuyển công tác nhiều lần nên khi chuyển đi đâu, hồ sơ sẽ đi theo đó".

Ảnh minh họa: Nguồn internet.

Ảnh minh họa: Nguồn internet.

Lần theo địa chỉ công tác của ông Tân qua các năm, chúng tôi đến huyện ủy và UBND huyện Tam Đảo: không có; đến phòng Thương binh và Xã hội thị xã Vĩnh Yên: không có; đến Đảng uỷ phường Liên Bảo, nơi ông đang sinh hoạt Đảng: cũng không có.

Trở lại Việt Trì, sang Ban tổ chức Tỉnh ủy, xin được xem hồ sơ "bảo vệ Đảng", chúng tôi có trong tay một tờ sơ yếu lý lịch do ông Tân tự viết năm 1975 có ghi "Vũ Hùng Tân, sinh ngày 15/10/1923 tại phố Yên Phụ, khu Ba Đình, Hà Nội". Hoàn toàn không ghi số nhà.

Mất nhiều công sức mà không tìm được hồ sơ cán bộ gốc, chúng tôi bắt đầu thất vọng. Nhà không còn, hồ sơ gốc không còn. Vậy tìm bằng chứng ở đâu?

Khi nói chuyện với mấy anh ở Sở Thương mại và Du lịch, có một thông tin quý giá: trong chợ Gia Cẩm ở TP. Việt Trì có một người gốc làng Yên Phụ. Ông ấy chuyên bán giò chả, gọi là ông Quý giò. Chúng tôi phấn chấn hẳn lên, không phải vì phát hiện ra người làng Yên Phụ trên mảnh đất trung du này, mà là hé ra một hướng đi mới: đi tìm nhân chứng. Trong pháp luật "trọng chứng hơn trọng cung", song nhân chứng có bao giờ thừa? Chúng tôi liền đi tìm ông Quý.

Ra chợ, bạn hàng bảo: ông ấy ở nhà. Đến nhà, ông Quý kể rằng ngày xưa, mẹ ông thuê căn nhà ngoài sát mặt đường của cụ Vũ Văn Xuân ở 27 Yên Phụ để bán cháo lòng. Ông thường xuyên phải đem tim gan cho mẹ ông. Những năm ấy khoảng 1940-1945. Ông vui vẻ viết giấy xác nhận và đồng ý để chúng tôi chụp ảnh ông.

Như vậy trên khu đất 269 làng Yên Phụ ấy có nhà của cụ Vũ Văn Xuân. Nhưng đấy là trước năm 1945, còn khi Chính phủ ta tiếp quản Thủ đô, nhà ấy có còn không? Việc này ông Quý cũng không hề biết vì ông cũng đi kháng chiến và ở luôn trên này. Chỉ có dân làng Yên Phụ mới biết. Chúng tôi cảm ơn ông Quý và quay xe trở về ngay Hà Nội.

Trên đường về, khi ghé qua nhà ông Tân ở Vĩnh Yên, cô con gái lớn của ông là Vũ Thị Thu đưa cho chúng tôi một văn bản có giá trị mà cô mới lục tìm được đêm vừa rồi. Đó là thư chúc mừng của Uỷ ban hành chính thành phố Hà Nội gửi ông Vũ Hùng Tân ngày 7/11/1956 do Phó văn phòng Uỷ ban Nguyễn Minh Đức ký. Dòng chữ mực tím in trên giấy vàng ố: "Kính gửi ông Vũ Hùng Tân , trú quán 27 phố Yên Phụ". Rõ ràng là ông Tân có căn nhà số 27 Yên Phụ sau khi hoà bình lập lại.

Đợt gió mùa đông bắc bất chợt ập đến làm chúng tôi rét cóng. Gió rít từng hồi. Chiếc xe máy Honda đời 81 cứ lạng đi trong đêm. Cuộc chạy đua với thần chết vào thời kỳ nước rút. Chúng tôi lót thêm mấy tờ báo vào ngực cho đỡ lạnh  rồi phóng thẳng về Hà Nội.

Kỳ sau: "Cả làng Yên Phụ xin làm nhân chứng"

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top