Aa

Vụ rơi vật liệu 1 người chết ở Hà Nội: Vì sao chủ đầu tư dự án là Công ty Sao Mai?

Thứ Hai, 01/10/2018 - 06:00

Sau khi vụ việc vật liệu rơi khiến 1 người tử vong (ngày 27/9) tại dự án Trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê nằm trên khu đất 4.6-NO mặt đường Lê Văn Lương (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội), nhiều người ngỡ ngàng khi biết chủ đầu tư (CĐT) là Công ty Xuất nhập khẩu và Đầu tư Sao Mai. Liệu rằng công ty này có phải chịu trách nhiệm khi sự cố nghiêm trọng trên xảy ra?

Chủ đầu tư khó chối bỏ trách nhiệm

Liên quan đến vụ việc rơi vật liệu khi đơn vị thi công lắp vách kính tòa nhà 16 tầng trên đường Lê Văn Lương (thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội) khiến 1 người tử vong xảy ra tối 27/9, được biết Dự án đã nhiều lần thay đổi chủ đầu tư (CĐT) và nay là Công ty Xuất nhập khẩu và Đầu tư Sao Mai (Công ty Sao Mai). Đơn vị thi công lắp vách kính là Công ty cổ phần Thương mại và phát triển công nghệ Hà Nội mới DHP (địa chỉ quận Hoàng Mai, Hà Nội).

Sau khi xảy ra vụ tai nạn, điều dư luận quan tâm là CĐT có phải chịu trách nhiệm trong việc để xảy ra tai nạn thương tâm đó hay không? Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, Luật Xây dựng quy định CĐT, nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm bảo đảm an toàn cho công trình, người lao động, thiết bị, phương tiện thi công làm việc trên công trường xây dựng.

Theo đó, CĐT phải bố trí người có đủ năng lực theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các quy định về an toàn của nhà thầu thi công xây dựng. Nhà thầu thi công xây dựng phải đề xuất, thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho người, máy, thiết bị, tài sản, công trình đang xây dựng, công trình ngầm và các công trình liền kề; máy, thiết bị, vật tư phục vụ thi công phải được kiểm định về an toàn trước khi đưa vào sử dụng.

Ngoài ra, CĐT phải mua bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng đối với công trình có ảnh hưởng đến an toàn cộng đồng, môi trường, công trình có yêu cầu kỹ thuật đặc thù, điều kiện thi công xây dựng phức tạp. Tại Điều 22 Luật Xây dựng cũng quy định, nhà thầu giám sát thi công xây dựng công trình cũng có trách nhiệm trong suốt quá trình thi công công trình, trong đó bao gồm an toàn trong xây dựng.

Dự án đang hoàn thiện thì gặp sự cố vật liệu rơi làm 1 người tử vong.

Dự án đang hoàn thiện thì gặp sự cố vật liệu rơi làm 1 người tử vong. (Ảnh: Trần Tiến)

Luật sư Phượng cho rằng, trách nhiệm đầu tiên là nhà thầu thi công xây dựng và người điều kiển sàn treo, người quản lý và phụ trách an toàn, vệ sinh lao động. Bên cạnh đó thì CĐT và đơn vị giám sát cũng phải chịu trách nhiệm nếu có lỗi.

“Hành vi này có dấu hiệu cấu thành tội Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng được quy định tại điều 295 BLHS 2015 (sửa đổi năm 2017). Cơ quan điều tra khởi tố vụ án và sẽ điều tra làm rõ trách nhiệm của những người có liên quan, tùy theo vị trí và vai trò của từng người trong công tác an toàn lao động để xử lý theo quy định pháp luật”, Luật sư Phượng cho hay.

Luật sư Phượng cũng cho biết thêm, bên cạnh đó những người liên quan còn phải chịu trách nhiệm dân sự. Cụ thể, người có lỗi gây ra tai nạn, nhà thầu thi công xây dựng và những người liên quan (gồm chủ đầu tư, nhà thầu giám sát) cũng phải liên đới bồi thường toàn bộ thiệt hại cho nạn nhân.

Được biết, chiều 28/9, Cơ quan CSĐT Công an quận Thanh Xuân, Hà Nội đã quyết định khởi tố vụ án hình sự để điều tra về hành vi “Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người” theo Điều 295 Bộ Luật Hình sự.

Hé lộ bản hợp đồng chuyển nhượng dự án

Theo tìm hiểu của phóng viên, không phải đến bây giờ dự án này mới vướng phải những lùm xùm. Trước đó, các hộ dân sinh sống tại ngách 72/125 phố Hoàng Ngân, quận Thanh Xuân (giáp mặt phía sau của dự án) đã có nhiều đơn kiến nghị, kêu cứu về việc dự án “nuốt đường” dân sinh, gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân.

Được biết, ngày 21/5/2004, UBND TP.Hà Nội có Quyết định số 3153/QĐ-UB về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư các dự án thí điểm xây dựng nhà ở cao tầng cho thuê tại các ô đất hai bên tuyến đường Láng Hạ - Thanh Xuân.

Tổng công ty Xây dựng Sông Hồng được giao đất để thực hiện dự án tại ô đất 4.6 - NO tuyến đường Lê Văn Lương. Sau đó dự án được tổng công ty này chuyển đổi CĐT sang cho đơn vị thành viên là Công ty CP Phát triển xây dựng và Xuất nhập khẩu Sông Hồng (Công ty CP Sông Hồng).

Theo quy hoạch chi tiết tuyến phố Láng Hạ - Thanh Xuân, tỷ lệ 1/500 đã được UBND TP phê duyệt thì khu đất trên có diện tích 1.573m2, mật độ xây dựng 55% và tầng cao trung bình là 7,5 tầng.

Tuy nhiên, theo quy hoạch mới thì ô đất 4.6 - NO được điều chỉnh bổ sung chức năng thành Dự án xây dựng tổ hợp trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê, tầng cao công trình lên 16 tầng. Tuy nhiên, trong văn bản báo cáo UBND TP. Hà Nội số 1243/QHKT - P2 ngày 29/5/2009, Sở Quy hoạch Kiến trúc cũng thừa nhận, lô đất này có kích thước chiều ngang không lớn, nếu xây 16 tầng thì “hình dáng công trình quá mỏng”.

Việc này sau đó đã được trình lên xin ý kiến của Bộ Xây dựng và được sự đồng ý của Bộ Xây dựng về mặt nguyên tắc việc thu hẹp khoảng lùi xây dựng so với Quy chuẩn Xây dựng để chiều dày công trình không quá mỏng.

Đến ngày 3/8/2009, Sở Quy hoạch - Kiến trúc có Văn bản số 1900/QHKT-P2 kèm theo bản vẽ điều chỉnh khoảng lùi dự án của Công ty CP Sông Hồng, theo đó cho phép công trình cách ranh giới đất phía khu dân cư tối thiểu là 6,5m, phía Đông Nam khu đất mở đường nội bộ sử dụng chung trong khu vực có mặt cắt ngang rộng 5,5 m.

Vì thế người dân tiếp tục phản đối, bởi theo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam (Mục 2.10.5 và Mục 2.8.4) thì khoảng cách tối thiểu từ công trình cao hơn 46m tới ranh giới đất của công trình là 12,5m; khoảng lùi của công trình so với lộ giới đường quy hoạch tối thiểu là 6m.

Theo quy hoạch điều chỉnh, dự án tăng lên thành 16 tầng.

Theo quy hoạch điều chỉnh, dự án tăng lên thành 16 tầng. (Ảnh Trần Tiến)

Cùng với đó, ngày 7/8/2009, Thanh tra Bộ Xây dựng đã ban hành Văn bản số 222/TTr-TTrXD1, về việc trả lời đơn thư của công dân tại cụm Sỏi, cụm Chùa phường Nhân Chính. Theo đó, Thanh tra Bộ Xây dựng kiểm tra thực tế, đoạn đường ô đất 4.5-N0; 4.6-N0 có mặt cắt 5,5m (lòng đường 3,5m) chưa phù hợp với Quy chuẩn xây dựng Việt Nam và Quyết định số 12/2002/QĐ-UB ngày 6/8/2002 của UBND TP Hà Nội. Thanh tra Bộ Xây dựng đã đề nghị phải thiết kế mạng đường nhánh trong khu vực này có mặt cắt ngang từ 13,5-17,5m.

Một người dân sống tại ngách 72/125 phố Hoàng Ngân bức xúc phản ánh: “Trên thực tế, khoảng cách 6,5m của tòa nhà này không phải là ranh giới đất của công trình mà đã tính luôn đường nội bộ rộng 5,5 m vào đó và sẽ áp sát ngay nhà của các hộ dân. Chúng tôi đã có nhiều đơn khiếu nại nhưng đến giờ chưa được giải quyết thỏa đáng”.

Ngạc nhiên hơn, thời điểm đó các hộ dân lại biết được việc CĐT không phải Công ty CP Sông Hồng nữa mà là Công ty Sao Mai (được thành lập đầu năm 2010, vốn điều lệ 30 tỷ đồng). Theo tài liệu phóng viên có được, tại văn bản số 9075/UBND-TNMT ngày 20/11/2014, UBND TP. Hà Nội đã chấp thuận chủ trương về việc chuyển nhượng dự án. Căn cứ vào văn bản trên, Công ty CP Sông Hồng đã chuyển nhượng dự án đầu tư có sử dụng đất cho Công ty Sao Mai, theo Hợp đồng chuyển nhượng lập ngày 13/1/2015 tại Văn phòng công chứng Hồ Gươm, số công chứng:000070/2015, quyển số 01TP/CC-SCC/HCN.

Tại Quyết định 3148/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội ngày 8/7/2015, đã ban hành quyết định thu hồi 1.573m2 tại lô đất 4.6NO đường Lê văn Lương giao cho Công ty Sao Mai sử dụng để tiếp tục thực hiện dự án “Xây dựng trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê” giao cho UBND quận Thanh Xuân để tiếp tục GPMB xây dựng đường giao thông (362m2 trong tổng 1.573m2).

Tuy nhiên, trong quá trình hoàn thiện dự án thì xảy ra sự cố nghiêm trọng khi rơi vật liệu trong quá trình thi công lắp vách kính tòa nhà khiến 1 người tử vong.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top