Aa

Vụ tranh chấp SHKN: TAND TP Nha Trang đã áp dụng sai quy định

Thứ Ba, 17/10/2017 - 06:01

Tòa án nhân dân (TAND) TP. Nha Trang vừa có thông báo trả lại đơn kiện của một số khách hàng liên quan đến “Tranh chấp hợp đồng Sở hữu kỳ nghỉ” đối với người bị kiện.

Thời gian qua, phát hiện nhiều điều khoản bất lợi trong hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ với ALMA, khách hàng mua sở hữu kỳ nghỉ dự án này đã nộp đơn khởi kiện ra TAND TP. Nha Trang. Tuy nhiên, mới đây, toà án này đã có thông báo trả lại đơn khởi kiện của một số khách hàng với lý do “đã hết thời hạn quy định tại thông báo sửa đổi bổ sung đơn khởi kiện mà các khách hàng đã không sửa đổi bổ sung theo yêu cầu của Tòa án”.

Cụ thể, ngày 17/7/2017, bà Nguyễn Long Tuyền và ông Nguyễn Hoàng Sơn nộp đơn khởi kiện đối với Công ty TNHH Khu du lịch Vịnh Thiên Đường theo Phiếu nhận đơn ngày 17/7/2017.

Ngày 4/8/2017, Thẩm phán đã gửi Thông báo (lần 1) yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện số 168/2017/TBTA ngày 3/8/2017 cho ông Sơn, bà Tuyền - nhưng ông Sơn, bà Tuyền không nhận được.

Ngày 15/8/2017, Thẩm phán tiếp tục gửi lần 2 đối với Thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện số 168/2017/TBTA ngày 3/8/2017 của Thẩm phán Đàm Thị Bích Ngọc - TAND TP.Nha Trang với nội dung yêu cầu bà Tuyền và ông Sơn sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện, cụ thể:“1/. Cung cấp giấy thỏa thuận của 2 bên về việc lựa chọn Tòa án có thẩm quyền giải quyết. 2/. Bổ sung các tài liệu chứng minh việc đã gửi đơn khởi kiện, các tài liệu kèm theo cho bị đơn biết việc khởi kiện theo quy định khoản 9 Điều 70 Bộ luật tố tụng dân sự”.

Đến ngày 2/10/2017, người khởi kiện có văn bản này xác nhận: bà Tuyền và ông Sơn không thực hiện được một nội dung trong Thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện số 168/2017/TBTA ngày 03/8/2017 cho TAND TP.Nha Trang, cụ thể: Không cung cấp được giấy thỏa thuận của 2 bên về việc lựa chọn Tòa án có thẩm quyền giả quyết vì phía bị đơn không hợp tác và không thể thỏa thuận được.

Thông báo

Luật sư Phượng nhận được giấy mời tham gia phiên họp xem xét, giải quyết khiếu nại về việc trả lại đơn khởi kiện đối với ALMA.

Mặt khác, quy định giải quyết tranh chấp tại trọng tài ở Singapore của hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ là vô hiệu theo quy định Luật trọng tài thương mại và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời, luật sư Trần Đức Phượng - đại diện cho bà Tuyền và ông Sơn đề nghị Thẩm phán Đàm Thị Bích Ngọc - TAND TP. Nha Trang xem xét giải quyết ra thông báo nộp tiền tạm ứng án phí hoặc giải quyết theo quy định Bộ luật tố tụng dân sự.

Ngày 4/10/2017, ông Trần Đức Phượng có nhận được trực tiếp tại TAND TP.Nha Trang đối với Thông báo trả lại đơn khởi kiện 90/2017/TBTLĐKK-TA ngày 3/10/2017 của Thẩm phán Đàm Thị Bích Ngọc - TAND TP. Nha Trang vì “Đã hết thời hạn quy định tại Thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện số 168/2017/TBTA ngày 03/8/2017 mà bà Nguyễn Long Tuyền, ông Nguyễn Hoàng Sơn không sửa đổi bổ sung theo yêu cầu của Tòa án”.

Luật sư Phượng cũng nhận được thông báo trả lại đơn khởi kiện của 2 khách hàng mà ông là đại diện gồm ông Nguyễn Đạo Tốt và bà Huỳnh Thị Thu Lan, ông Phạm Văn Nghĩa và bà Huỳnh Thị Minh Nghĩa với lý do tương tự.

Theo phân tích của luật sư Phượng, Công ty Vịnh Thiên Đường áp đặt tại khoản 12.3 Điều 12 Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ quy định áp dụng trọng tài tại Singapore là cản trở, gây khó cho khách hàng muốn khiếu kiện Công ty Vịnh Thiên Đường hay bảo vệ quyền của khách hàng khi bị xâm phạm.

Dẫn Điều 17 Luật Trọng tài thương mại 2010, luật sư Phượng cho rằng, “đối với các tranh chấp giữa nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng, mặc dù điều khoản trọng tài đã được ghi nhận trong các điều kiện chung về cung cấp hàng hoá, dịch vụ do nhà cung cấp soạn sẵn thỏa thuận trọng tài thì người tiêu dùng vẫn được quyền lựa chọn”.

Mặt khác, Điều 38 Luật Trọng tài thương mại 2010 quy định: “Trường hợp điều khoản trọng tài do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ đưa vào hợp đồng theo mẫu hoặc điều kiện giao dịch chung thì khi xảy ra tranh chấp, người tiêu dùng là cá nhân có quyền lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp khác”.

Trong khi đó, các khách hàng ký kết Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ hoàn toàn không được Công ty Vịnh Thiên Đường thông báo trước về điều khoản trọng tài trước khi giao kết hợp đồng.

Thông báo của TAND TP Nha Trang về việc trả lại đơn khởi kiện ALMA của khách hàng.

Thông báo của TAND TP.Nha Trang về việc trả lại đơn khởi kiện ALMA của khách hàng.

“Theo Điều 17 và Điều 38 Luật Trọng tài thương mại 2010, mặc dù Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ có ghi chọn Trọng tài để giải quyết tranh chấp nhưng người tiêu dùng vẫn có  quyền lựa chọn Tòa án để giải quyết tranh chấp”, luật sư Phượng cho biết.

Cũng theo luật sư Phượng, “Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ” của Công ty TNHH Khu du lịch Vịnh Thiên Đường soạn thảo, ban hành và đưa cho khách hàng ký, do đó, hợp đồng này đã thỏa mãn điều kiện của Điều 17 và Điều 38 của Luật Trọng tài thương mại 2010 nên phải áp dụng quy định này thì TAND TP. Nha Trang là Tòa án có thẩm quyền và phải thụ lý đơn khởi kiện mà không cần “Người khởi kiện” và Công ty TNHH Khu du lịch Vịnh Thiên Đường phải lập văn bản thỏa thuận chọn Tòa có thẩm quyền, như vậy là sai quy định pháp luật.

“Việc ra thông báo yêu cầu bổ sung thỏa thuận chọn Tòa là loại trừ quyền hợp pháp của người tiêu dùng và là việc thẩm phán đã áp dụng sai quy định tại Điều 6 Luật Trọng tài thương mại: “Tòa không được từ chối thụ lý nếu thuộc “thoả thuận trọng tài không thể thực hiện được” quy định tại Điều 4 Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP”, luật sư Phượng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, theo luật sư Phượng, yêu cầu người khởi kiện phải “Bổ sung các tài liệu chứng minh việc đã gửi đơn khởi kiện, các tài liệu kèm theo cho bị đơn biết việc khởi kiện theo quy định theo quy định khoản 9 Điều 70 Bộ luật tố tụng dân sự” là áp dụng sai quy định pháp luật, Thẩm phán đã nhầm giữa “người khởi kiện” thành “đương sự”, từ đó áp dụng nghĩa vụ của “đương sự” cho “người khởi kiện”.

Luật sư Phượng phân tích: “Mẫu thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện” hiện hành đang sử dụng theo biểu Mẫu số 26-DS (Ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13/1/2017 của Hội đồng Thẩm phán – TANDTC) thì nơi nhận phải là “người khởi kiện”. Trong khi, tư cách pháp lý hiện nay của chúng tôi không phải là “đương sự”.

Tuy nhiên, “Thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện số 168/2017/TBTA ngày 3/8/2017”  có phần nơi nhận là “Đương sự”. Việc sai này ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và nghĩa vụ của chúng tôi trong việc khởi kiện tại TAND TP.Nha Trang”.

“Chúng tôi là “người khởi kiện”, tại sao Thẩm phán lại yêu cầu chúng tôi thực hiện nghĩa vụ của “đương sự”?”, luật sư Phượng đặt câu hỏi và cho rằng yêu cầu này không có giá trị pháp lý, do đó không có nghĩa vụ phải thực hiện.

Đồng thời luật sư Phượng khẳng định “Ngay sau khi Tòa án thụ lý vụ án và chúng tôi chuyển sang tư cách là “đương sự” thì chúng tôi sẵn sàng sẽ thực hiện nghĩa vụ gửi tài liệu chứng minh cho phía Bị đơn”.

Hiện luật sư Trần Đức Phượng đã có đơn khiếu nại về việc trả lại đơn của TAND TP. Nha Trang đối với các khách hàng ký hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ với ALMA mà ông là đại diện. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top