Xác định mâu thuẫn nội tại khi xây dựng Quy hoạch

Hồ Đankia - Suối Vàng dưới chân núi Lang Biang với hơn 200 ha mặt nước được bao quanh bởi rừng thông bạt ngàn tạo nên cảnh quan khác biệt đặc trưng là “rừng thông” và “hồ nước”, gắn với danh thắng huyện thoại về tình sử Lang Biang và cộng đồng dân tộc thiểu số nam Tây Nguyên mang đậm bản sắc văn hóa độc đáo và hấp dẫn.

23:30 15/03/2019

Hồ Đankia - Suối Vàng không chỉ là lá phổi xanh của Tp. Đà Lạt, có chức năng chính là cung cấp nước sạch, thủy lợi; mà còn là một khu vực lý tưởng để phát triển du lịch. Trong Đề án Điều chỉnh Quy hoạch chung TP.Đà Lạt và phụ cận, nhấn mạnh: Hồ Đan Kia – Suối Vàng là nơi có thể hình thành một đô thị du lịch chứ không chỉ là một địa danh dành cho các khu nghỉ dưỡng. Và nơi đây cũng là một trong 5 địa điểm của Tây nguyên và là 1 trong 48 địa điểm tiềm năng trong cả nước được xác định để phát triển thành Khu Du lịch quốc gia.

Bản đồ vị trí quy mô của KDLQG Đan Kia – Suối Vàng

Bản đồ vị trí quy mô của KDLQG Đan Kia – Suối Vàng

Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Đan Kia - Suối Vàng, tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 do Công ty cổ phần Quy hoạch Hà Nội thực hiện. Việc lập Quy hoạch được cho là phù hợp với chủ trương của Chính phủ và cần để cụ thể hóa những định hướng phát triển của quốc gia và tỉnh nhằm thu hút nhà đầu tư khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch của khu vực hồ Đankia – Suối Vàng. 

Ý tưởng chủ đạo khi xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển KDLQG Đan Kia – Suối Vàng là tái hiện lại Đà Lạt xưa - Đà Lạt mộng mơ với hoa và ngàn thông reo bên hồ nước, có kiến trúc mang phong cách cổ điển và văn hóa dân tộc thiếu số, cùng lịch sử của vùng đất huyền bí…  

Tuy nhiên, với 760ha hình thành các phân khu chức năng chính trên tổng diện tích 4.000ha – bao gồm 200ha mặt nước, nếu không cẩn trọng, sẽ có thể làm biến mất một diện tích rừng rất lớn với hàng ngàn cây thông đặc hữu, hoặc san ủi đất lấn - lấp mặt hồ... Đơn vị lập quy hoạch cũng khẳng định: Đây chính là mâu thuẫn trong mục tiêu bảo vệ diện tích đất rừng tự nhiên và hệ sinh thái ven bờ nước với khai thác – phát triển du lịch; đồng thời, còn gây ra nguy cơ ô nhiễm môi trường...

Chính vì vậy, trong Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ đưa ra các nhóm giải pháp, có giải pháp bảo vệ tài nguyên môi trường và thích ứng với biển đổi khí hậu; giải pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa địa phương. Còn khi giao việc cho các sở ngành, địa phương, ông Phan Văn Đa – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng luôn nhấn mạnh: phải nghiên cứu kỹ Quy hoạch, thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước; giải quyết triệt để, cụ thể các tình trạng xây dựng trái phép, không phép, lấn chiếm đất lâm nghiệp trong vùng dự án. 

Theo Lê Hoa - Võ Trang/Báo Lâm Đồng

Bạn đang đọc bài viết Xác định mâu thuẫn nội tại khi xây dựng Quy hoạch tại chuyên mục Tây Nguyên của Địa ốc Phương Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận