Aa

Xác lập giá trị doanh nhân Việt

Thứ Bảy, 14/10/2017 - 06:31

Trong xã hội truyền thống của Việt Nam “trọng nông ức thương” cùng chính sách của nhà nước những thời kỳ trước đã đưa đến một nền tảng xã hội kinh tế tiểu nông, bị chia cắt bởi làng, xã khiến cho việc giao thương rất hạn chế, với một nền kinh tế tự sản, tự tiêu chi phối.

Đặc điểm này đã làm cho chúng ta khi tiếp cận với một phương thức sản xuất cao hơn là sản xuất tư bản chủ nghĩa gắn liền với chế độ thuộc địa của Pháp thì đã nảy sinh ra tầng lớp tư sản. Tức là không thoát ra khỏi tư duy xã hội nông nghiệp khi tiếp cận với những phương thức sản xuất mới.

Trong thư gửi giới Công Thương Bác viết: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà thì giới công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng”. (Ảnh: Bác Hồ chụp với giới công thương Hà Nội vào ngày 18/9/1945 tại Bắc Bộ phủ).

Trong thư gửi giới Công Thương Bác viết: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà thì giới công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng”. (Ảnh: Bác Hồ chụp với giới công thương Hà Nội vào ngày 18/9/1945 tại Bắc Bộ phủ).

Vươn lên từ sự chèn ép

Nhưng tầng lớp tư sản đó, ban đầu cũng chỉ có thể phát triển được khi dựa vào chính người Pháp. Chúng ta thấy không ít đội ngũ những người xuất thân từ viên chức, công chức, thậm chí những người đi lính cho Pháp… lấy lợi thế về sự đặc quyền đấy để làm giàu. Tuy nhiên, sau đó đã xuất hiện một tầng lớp được gọi là tư sản dân tộc, họ tham gia kinh doanh theo phương thức tư bản, họ làm giàu và từng bước họ ý thức được vị thế trong một xã hội thuộc địa. Bị chèn ép không chỉ bởi thực dân Pháp, các nhà tư bản Pháp mà kể cả với một số tư bản nước ngoài khác, đặc biệt là người Hoa, một phần nhỏ là người Ấn Độ. Từ đây, tinh thần dân tộc đã được nâng lên và xuất hiện một tầng lớp những người lấy yếu tố dân tộc để làm thế mạnh và cùng nuôi dưỡng một mong muốn xây dựng đội ngũ hay một nền kinh tế do những người bản xứ, tức là người Việt Nam làm chủ.

Những doanh nghiệp lớn, ở đó sự làm giàu của họ gắn chặt với sự thịnh vượng của quốc gia và thương hiệu của Việt Nam trên trường quốc tế. 

Chúng ta thường nhắc đến những nhân vật như ông Bạch Thái Bưởi hoạt động trong lĩnh vực khai mỏ và kinh doanh trên sông, biển, ông Trương Văn Bền trong Sài Gòn làm xà phòng, ông Nguyễn Sơn Hà dám cạnh tranh với người nước ngoài về sản xuất sơn... Đây là những nhân vật đã để lại một tấm gương lớn về lòng tự tôn dân tộc. Có thể họ chỉ thành công trong một giai đoạn nhất thời nhưng những nhà tư sản này sẽ không thể phát triển được nếu không biết dựa và phục vụ cho người Pháp, là một nền kinh tế mại bản.

Vì thế, chúng ta đã thấy những doanh nghiệp lớn của các nhà tư sản Việt Nam cuối cùng cũng không phát triển được. Bạch Thái Bưởi là một ví dụ tiêu biểu, có thời điểm ông đã được phong là “vua” sông nước, một doanh có tiếng vang và có tiếng nói trong xã hội, nhưng cuối cùng cũng phải phá sản. Còn các doanh nghiệp khác thì ở một vị thế rất thấp trong đời sống kinh tế thuộc địa.

Chúng ta trân trọng việc thể hiện đạo làm giàu của cụ Lương Văn Can, một nhà tri thức, chí sĩ yêu nước, coi việc giáo dục, quảng bá, nâng cao dân trí là quan trọng hơn cả. Trong đó có quảng bá về tinh thần kinh doanh, xây dựng và làm giàu để đóng góp cho đất nước.

Trả lại vị thế cho doanh nhân Việt Nam

Chúng ta cũng nhận thấy, môi trường thuộc địa không thích hợp, còn tầng lớp tư sản Việt Nam lại quá nhỏ bé. Tuy nhiên, khi có cơ hội mà chúng ta đã được chứng kiến trong những ngày đầu cách mạng thành công thì họ thể hiện rất rõ tinh thần dân tộc của họ. Có thể nói, đây là đội ngũ đóng góp nhiều nhất để cho nhà nước Việt Nam độc lập non trẻ có thể vượt qua được những khó khăn về mặt vật chất. Đơn cử như tuần lễ vàng sau ngày Bác Hồ tiếp xúc với những nhà công thương phát động xây quỹ độc lập. Đặc biệt với tuần lễ vàng là lúc thể hiện rõ nhất phẩm chất cũng như đặc trưng của giới tư sản Việt Nam. Lúc đó Bác Hồ gọi là các nhà công thương, đóng góp cho sự nghiệp chung theo đúng nguyên lý nền kinh tế quốc gia thịnh vượng thì những nhà công thương cũng kinh doanh phát đạt.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận trong thực tế lịch sử việc đóng góp của họ cũng chỉ ở mức độ giới hạn. Nhưng khi cách mạng thành công, đã mở ra một cơ chế rất thuận lợi khi đất nước độc lập. Nhưng rồi sau đó chiến tranh và thời kỳ chúng ta tiếp cận với những quan điểm đi ngược lại việc phát huy lòng yêu nước và tinh thần dân tộc của tầng lớp công thương, thì chúng ta lại chứng kiến một bức tranh rất “ảm đạm”.

Một người như cụ Nguyễn Sơn Hà, kinh doanh tương đối phát đạt trong chế độ thuộc địa. Cụ cũng tham gia kháng chiến và xây dựng doanh nghiệp với hy vọng sản xuất và đóng góp một số vật dụng phục vụ cho bộ đội ngoài chiến trường. Nhưng rồi cuối cùng cụ cũng chỉ trở thành một nhân sĩ trí thức chứ không thể tiếp tục kinh doanh. Hay trong thời kỳ cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh cuối những năm 1950, đầu 1960 và được lặp lại sau giải phóng miền Nam. Có những lúc nhận thức của chúng ta đã dẫn đến tự triệt tiêu yếu tố tích cực và to lớn của tầng lớp tư sản dân tộc.

Tôi nghĩ những bài học lịch sử đấy chính là điều mà ngày hôm nay, công cuộc đổi mới của chúng ta đang mở ra và tạo môi trường cho mọi người đều được tham gia làm giàu. Trên cơ sở đó sẽ dần hình thành những doanh nghiệp lớn, ở đó sự làm giàu của doanh nghiệp gắn chặt với sự thịnh vượng của quốc gia và thương hiệu của Việt Nam trên trường quốc tế. Đây là một tiến trình lịch sử để chúng ta xác lập lại những giá trị và vị thế của tầng lớp doanh nhân Việt Nam trong lịch sử.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top