Aa

Xây dựng lộ trình tháo gỡ điểm nghẽn pháp lý để doanh nghiệp bứt phá

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Năm, 22/12/2022 - 09:06

Việc nhanh chóng tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn về pháp lý giúp doanh nghiệp vượt khó trong bối cảnh hiện tại và hoạt động lành mạnh, hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh hơn nữa.

Ngày 20/12, Bộ Tư pháp đã tổ chức Diễn đàn kinh doanh và pháp luật năm 2022 với chủ đề “Nhận diện, tháo gỡ vướng mắc pháp lý, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển”. Trong chương trình, các đại biểu tham dự đã thảo luận về tiếp cận các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế và quản trị rủi ro pháp lý của doanh nghiệp và tháo gỡ vướng mắc, khơi thông nguồn lực cho hoạt động đầu tư kinh doanh. Từ đó, cơ quan quản lý nhà nước mới có thể đáp ứng đúng và trúng nhu cầu của doanh nghiệp.

Cơ quan Nhà nước sát cánh cùng doanh nghiệp

Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đánh giá, trong gần 3 năm qua, tình hình thế giới diễn biến rất phức tạp với nhiều thách thức lớn nổi lên ở tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, an ninh, xã hội. Trong bối cảnh đó, cộng đồng doanh nghiệp phải đương đầu với vô vàn khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng, gián đoạn hoạt động sản xuất - kinh doanh, chi phí gia tăng, thị trường biến động bất lợi...

Phó Thủ tướng khẳng định, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi nhanh và phát triển bền vững sau đại dịch là nhiệm vụ rất quan trọng, được Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm. Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao việc các cơ quan Nhà nước chủ động, tích cực đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có việc tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn về pháp lý, nhằm giúp doanh nghiệp hoạt động lành mạnh, hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh.

Về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Thường trực đánh giá các lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương ngày càng quan tâm nhiều hơn đến công tác này. Riêng trong năm 2022, qua tổng kết, ngành tư pháp đã rà soát gần 28.000 văn bản để từ đó kiến nghị cấp có thẩm quyền bổ sung, sửa đổi, hoặc bãi bỏ gần 6.000 văn bản.

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh phát biểu tại Diễn đàn (Nguồn ảnh: BTC)

Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 - 2025 do Bộ Tư pháp chủ trì, các chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành của các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm cung cấp thông tin pháp lý, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và hỗ trợ tư vấn pháp luật cho nhiều doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng cũng phải nhìn nhận thẳng thắn, thực tế doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận các chương trình, dịch vụ hỗ trợ pháp lý. Hiệu quả của các hoạt động hỗ trợ, tư vấn pháp luật ở một số nơi chưa cao. Nguồn lực dành cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và người dân còn hạn chế.

Trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện, Phó Thủ tướng Thường trực cho biết yêu cầu về chất lượng và nội dung hỗ trợ, tư vấn pháp lý sẽ ngày càng cao hơn, đòi hỏi thời gian nhanh hơn. Từ đó đặt các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội ngành nghề, các tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ pháp lý trước các nhiệm vụ ngày càng nặng nề hơn, trách nhiệm ngày càng lớn hơn.

Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung nghiên cứu các ý kiến, khó khăn, vướng mắc được nêu tại Diễn đàn để xây dựng lộ trình, phương án giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc một cách cụ thể, kịp thời, hiệu quả.

Cùng đó, tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; chủ động nhận diện, trao đổi về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai chương trình hỗ trợ pháp lý, kịp thời giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, đáp ứng đúng và trúng nhu cầu của doanh nghiệp.

Tìm giải pháp tháo gỡ nhanh chóng khó khăn cho doanh nghiệp

Tại diễn đàn, các đại biểu khẳng định và đề cao các kết quả đạt được trong các chính sách phục hồi kinh tế đối với doanh nghiệp, tuy nhiên, những tồn tại và vướng mắc vẫn còn rất nhiều. Trong đó, các đại biểu có nhắc đến gói hỗ trợ lãi suất 2% được kỳ vọng mang lại nguồn vốn dồi dào, với ước tính khoảng 40.000 tỷ đồng, nhưng đến cuối tháng 8/2022, các ngân hàng thương mại mới thực hiện hỗ trợ lãi suất khoảng 13,5 tỷ đồng.

Theo bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), khi đại dịch Covid-19 xảy ra, Chính phủ đã nỗ lực có các giải pháp nhằm hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, nhưng khi doanh nghiệp làm thủ tục, vẫn mất rất nhiều thời gian, công đoạn.

“Doanh nghiệp cảm thấy khó lắm, khó vô cùng, gần như những doanh nghiệp đang cần vốn trong bối cảnh hiện nay đều kỳ vọng nên chăng có sự điều chỉnh quy định để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và ngân hàng thương mại cũng tự tin hơn khi cung cấp gói hỗ trợ”, bà Thảo chia sẻ.

Bà Thảo cho rằng, khi tiếp cận chính sách, doanh nghiệp luôn kỳ vọng sẽ tuân thủ pháp luật tốt chứ không phải tìm cách lách luật. Nhưng khi thực hiện thì khó tránh khỏi các rủi ro, sai sót. Bà Thảo mong muốn hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp nếu có, nên tập trung hướng dẫn để doanh nghiệp làm tốt hơn, thay vì nhìn họ như là đối tượng vi phạm pháp luật.

Các chuyên gia thảo luận tại diễn đàn (Nguồn ảnh: BTC)

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, chính sách hỗ trợ lãi suất 2% là rất tốt, nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề pháp lý.  Thực tế, nguồn vốn hỗ trợ là tiền của ngân sách, thường nguy cơ rủi ro cao nên các ngân hàng thương mại rất ngại, thậm chí ngay cả người vay cũng rất thận trọng vì sau này còn các công đoạn thanh tra, kiểm tra.

Bên cạnh đó, bản thân gói hỗ trợ lãi suất 2% không tạo nên động lực thực thi, bởi nguy cơ cao nhưng lợi ích rất nhỏ, "các ngân hàng thương mại không mặn mà".

Còn ông Nguyễn Công Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam phản ánh, dù đã có nhiều chính sách cho doanh nghiệp được nợ, giãn nợ, hoãn thanh toán nợ nhưng doanh nghiệp vận tải vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

"Đến giai đoạn này chúng tôi phải nộp thuế, bảo hiểm xã hội, nếu không nộp là bị thanh tra, kiểm tra. Chúng tôi đề nghị đại diện các bộ, ngành lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp vận tải để có tháo gỡ, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn mà dự kiến năm 2023 còn phải đối mặt với nhiều thách thức nữa", ông Hùng nói.

Bà Thảo cũng chia sẻ thêm: “Chúng tôi vừa đi khảo sát tình hình doanh nghiệp, thấy rõ tình trạng thiếu đơn hàng đang rất căng thẳng. Nhiều doanh nghiệp đã rất cố gắng giãn giờ làm để giữ lao động, nhưng đã phải sa thải lao động, kể cả lao động có tay nghề”, bà Thảo nói.

Trong lúc này, nhiều khó khăn mà doanh nghiệp đang đối mặt lại đến từ chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý nhà nước… Có thể kể tới tình trạng chậm hoàn vốn là bất cập dai dẳng và gây nhiều bức xúc cho doanh nghiệp, tình trạng thanh, kiểm tra có xu hướng mở rộng và với tần suất liên tục…

“Nhiều doanh nghiệp chia sẻ rằng, họ đang phải tiếp nhiều đoàn thanh, kiểm tra, từ các cơ quan quản lý chuyên ngành đến cả địa phương. Có doanh nghiệp hoạt động cả chục năm, giờ bị yêu cầu dừng hoạt động do vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy. Thực tế này gây tâm lý nặng nề cho doanh nghiệp, làm trầm trọng hơn khó khăn cho doanh nghiệp”, bà Thảo cho biết.

Trước loạt vướng mắc còn tồn tại, các đại biểu đồng thuận cần nhanh chóng có những điều chỉnh chính sách linh hoạt cho doanh nghiệp theo cách vận hành của thị trường. Từ đó, phần nào gỡ được vướng mắc pháp lý mà doanh nghiệp đang “nghẽn”./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top