Aa

Xây nhà không phải chuyện riêng của đàn ông!

Thứ Tư, 15/03/2017 - 07:20

Phải coi việc xây nhà và xây tổ ấm là việc của cả hai vợ chồng, mà không chỉ của hai vợ chồng, mà phải có sự tham gia của con cái trong nhà nữa. Bởi, tổ ấm đâu của riêng ai? Nhà không đẹp, không vừa ý tất cả mọi thành viên trong gia đình thì "tổ" cũng rất khó "ấm" được?

Trong các việc trọng đại của cuộc đời người đàn ông, dân gian ta quan niệm: "Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà" là quan trọng nhất. Sắp xếp theo thứ tự, có thể hiểu, ý của các cụ là: Làm người đàn ông, việc lớn đầu tiên phải lo đó là "Tậu trâu- Sự nghiệp". Sau đó đến "Lấy vợ- Lập gia đình" và việc trọng đại cuối cùng là "Làm nhà- kiểu như mua đất xây nhà, hoặc chủ động sở hữu về chỗ ở".

Riêng về quan niệm "Làm nhà", các cụ lại còn quan niệm nữa: "Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm". Nghĩa là, việc làm nhà, tóm lại là tất tật mọi thứ liên quan đến xây dựng, mua bán, lo toan chỗ ở của gia đình là do người đàn ông đứng lên gánh trách nhiệm. Còn người vợ, tập trung vào nhiệm vụ "xây tổ ấm", nghĩa là chăm sóc con cái, lo việc bếp núc, thu vén nhà cửa, giữ gìn hạnh phúc gia đình...

Quan điểm này ăn sâu vào nếp nghĩ của người dân ta suốt từ bao đời nay, nhất là những năm giai đoạn thế kỷ 20 trở về trước. Ngay cả hiện nay, nó vẫn đang được coi là phổ biến, tồn tại ở trong các gian phòng của những gia đình nông thôn và xuất hiện ở không ít những gia đình thành thị, nơi lối sống hiện đại, văn minh đã thổi mạnh mẽ vào tự thủa nào. Đến mức, một cô em học sau tôi vài khóa, cũng thuộc tuýp người cá tính, tự lập, hiện đại, ấy vậy mà trong lần hội trường năm trước, khi gặp nhau, tôi hỏi: "Chuyện nhà cửa của em thế nào rồi?", cô cười thản nhiên: "Cái đó chồng em đang tính. Em mặc kệ, ở đâu cũng được. Mình chỉ cần xinh đẹp, nuôi dạy con tốt, kiếm tiền ổn là được anh nhỉ?".

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tất nhiên, nghe xong câu trả lời đó tôi không thể cười tự nhiên hùa theo suy nghĩ của cô ấy được, mặc dù cũng không muốn can thiệp sâu vào chuyện riêng tư. Tôi chỉ khuyên: "Nhà cửa là việc lớn, phải chung tay, chung sức em ạ!". Chẳng hiểu sau câu nói ấy của tôi, cô em ấy có thay đổi suy nghĩ không, nhưng vừa rồi, khi gọi điện cho tôi trao đổi công việc, trò chuyện thêm về đời sống riêng tư, nhắc đến chuyện nhà cửa, cô em vẫn tặc lưỡi: "Vẫn thế anh ạ!".

Ngẫm nghĩ quanh câu chuyện của cô em, tôi dù khá ngạc nhiên nhưng vẫn thấy không nên trách cứ. Bởi lẽ, có thể quan điểm "Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm" đã ăn sâu vào nếp nghĩ của cô ấy quá lâu rồi. Chưa kể, rất có thể nó còn được bồi đắp liên tục bằng những người xung quanh như bà, mẹ, dì, mợ, bạn thân, đồng nghiệp..., những người chẳng may có chung quan điểm nữa. Tôi đã từng được nghe nhiều người vì thương con, em gái mình mà đã thản nhiên dạy: "Chuyện nhà cửa để chồng mày lo. Nghĩ làm gì cho mệt đầu. Thời gian đấy để đi làm đẹp, nghĩ cách mà quản nó".

Đấy, khổ thế đấy! Bây giờ vẫn có những quan điểm ấy, vẫn có những lời khuyên ấy, thì bao giờ sự công bằng, dân chủ trong mỗi gia đình mới thực sự lên ngôi được? Phụ nữ cứ luôn than vãn mình bị coi thường, bị đối xử bất bình đẳng, chỉ coi là "đái không qua ngọn cỏ", nhưng thực tế, nhiều lúc có cơ hội để chiếm lấy quyền bình đẳng mà có nắm bắt đâu? Nhiều khi đàn ông cho họ cơ hội để thể hiện mình "tiểu tiện cao vút", mà chị em vẫn lần khần, ngần ngại, rồi chấp nhận với tư thế truyền thống bao đời!

Sao chị em không tự lên giây cót cho mình rằng: "Xây nhà là việc lớn, không thể trút hết gánh nặng lên vai chồng. Cũng không thể phó thác toàn bộ cho chồng mình được. Mình phải xắn tay vào, vì đâu phải nhà của riêng chồng? Nhà là của chung cơ mà?". Có thể, ngày xưa, khi các cụ nói câu này, trong bối cảnh chung là việc kiếm tiền do đàn ông quyết định, phụ nữ chỉ loanh quanh ở nhà lo việc con cái, vườn tược, ruộng đồng. Nên người đàn ông làm chủ về kinh tế, từ đó, quyết định toàn bộ những việc trọng đại liên quan đến chi tiêu của gia đình. Ngoài ra, vẫn còn quan niệm "Lấy vợ xem tuổi đàn bà. Làm nhà xem tuổi đàn ông", với tư duy, chỉ đàn ông mới là trụ cột, là người gồng gánh việc làm nhà. Vì vậy, quyết định làm nhà khi nào là hoàn toàn phụ thuộc vào họ.

Tất nhiên, hiện nay, việc xem tuổi đàn ông để làm nhà vẫn là quan niệm được duy trì ở hầu hết các gia đình. Nhưng, không có nghĩa, cứ "xem tuổi đàn ông" là giao cho đàn ông mọi thứ, liên quan đến cả thiết kế, kiến trúc, chi phí. Có thể, hướng, màu sơn của nhà nên để hợp với tuổi của chồng, nhưng, việc quyết định xây kiểu gì, kiến trúc như thế nào, bố trí phòng ra sao, chi phí khoảng bao nhiêu, rất cần sự lên tiếng của người vợ. Phụ nữ giờ không chỉ loanh quanh với bếp núc nữa. Mà ngay cả khi họ chỉ quẩn quanh với bếp núc thì vẫn phải để cho họ tham gia vào quá trình thiết kế bếp cơ mà? Phụ nữ giờ đã bình đẳng hơn trong cách nghĩ, cách sống, và tất nhiên là cả trong đóng góp vào kinh tế chung của gia đình. Có nhiều gia đình, người vợ mới là người tạo ra của cải nhiều hơn, gánh vác nhiều hơn về chi tiêu trong gia đình. Vậy thì tính sao?

Cũng phải cho họ được tham gia bàn bạc, thỏa thuận, quyết định việc căn nhà mới của mình sẽ được xây như thế nào chứ nhỉ? Nếu cứ đợi xây nhà xong rồi chị em phụ nữ mới bắt tay vào việc "xây tổ ấm", nghe vừa thụ động, vừa cổ hủ, lạc hậu. Phải coi việc xây nhà và xây tổ ấm là việc của cả hai vợ chồng, mà không chỉ của hai vợ chồng, mà phải có sự tham gia của con cái trong nhà nữa. Bởi, tổ ấm đâu của riêng ai? Nhà không đẹp, không vừa ý tất cả mọi thành viên trong gia đình thì "tổ" cũng rất khó "ấm" được?

Tôi không kêu gọi phụ nữ hãy vùng lên đòi được gánh vác việc xây nhà. Cũng không khuyên đàn ông phải dồn bớt gánh nặng lên vai vợ mình nữa. Nhưng tôi nghĩ rằng, để xây dựng một gia đình hạnh phúc, một tổ ấm lý tưởng, trong mọi việc, phải tạo ra được sự đồng thuận cao của tất cả các thành viên. Các cụ cũng chẳng bảo: "Thuận vợ thuận chồng tát Biển Đông cũng cạn" đó sao? Một việc lớn như xây nhà, lẽ nào là chuyện của chỉ riêng đàn ông???

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top