Aa

Xử lý nợ xấu còn nhiều thách thức

Thứ Năm, 08/09/2022 - 06:18

Hầu hết các ngân hàng đều đã công bố báo cáo tài chính bán niên 2022 và các thông tin tài chính chung cho thấy, nợ xấu của các ngân hàng vẫn nằm trong tầm kiểm soát, tính thời điểm giữa năm 2022.

Tuy vậy, bối cảnh hiện nay vẫn còn những yếu tố cho thấy rủi ro nợ xấu còn “treo lơ lửng”, theo đó, Ngân hàng Nhà nước cũng phát đi thông điệp nhắc nhở các ngân hàng cần cảnh giác với vấn đề này.

Tỷ lệ nợ xấu yên ổn ở nhiều ngân hàng

Số liệu tài chính ở nhiều ngân hàng sau nửa đầu năm 2022 cho thấy, bức tranh nợ xấu thể hiện trên bảng cân đối kế toán vẫn được các ngân hàng kiểm soát khá tốt.

Cụ thể, báo cáo tài chính riêng lẻ của ngân hàng mẹ Ngân hàng TMCP Công thương (VietinBank) ghi nhận dư nợ cho vay khách hàng tại thời điểm giữa năm 2022 là 1.228 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng là 31,4 nghìn tỷ đồng, ghi nhận tỷ lệ gần 2,6%. Trong khi đó, "đại gia" ngành ngân hàng khác là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho thấy, giá trị cho vay khách hàng tại thời điểm 30/6/2022 là 1.469 nghìn tỷ đồng, dự phòng rủi ro cho vay khách hàng là 38,8 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ phải trích lập dự phòng theo đó cũng xấp xỉ của Vietinbank với 2,6%. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu mà các ngân hàng này phải trích lập dự phòng của thời kỳ nửa đầu năm 2022 vẫn giữ trong giới hạn cho phép mà Ngân hàng Nhà nước quy định (dưới 3%).

Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Đồ họa: Văn Chung

Với các ngân hàng cổ phần, nhiều ngân hàng cũng vẫn duy trì được tỷ lệ nợ xấu ở mức trong giới hạn cho phép. Cụ thể, số liệu tài chính của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) ghi nhận tỷ lệ cho vay khách hàng là 222 nghìn tỷ đồng, nợ xấu phải trích lập là 2,9 nghìn tỷ đồng (ghi nhận tỷ lệ 1,3%), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TP Bank) có dư nợ cho vay khách hàng là 151 nghìn tỷ đồng, trích lập 2 nghìn tỷ đồng (tỷ lệ 1,3%)…

Một số ngân hàng cổ phần khác cũng có tỷ lệ nợ xấu chỉ dưới 2%, như Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) có dư nợ cho vay khách hàng là 391 nghìn tỷ đồng, dự phòng 5,4 nghìn tỷ đồng (tỷ lệ 1,4%), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) có dư nợ 406 nghìn tỷ đồng, dự phòng 6,3 nghìn tỷ đồng (tỷ lệ 1,6%)… (Riêng Sacombank đang thực hiện việc trích lập theo chế độ đặc thù theo Đề án tái cơ cấu đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Trong đó, dự phòng rủi ro tín dụng theo năng lực tài chính trong thời gian thực hiện đề án tái cơ cấu).

Thông điệp cảnh giác với nợ xấu

Mặc dù số liệu tài chính nửa đầu năm 2022 cho thấy, nhìn chung các ngân hàng vẫn tỷ lệ nợ xấu trong giới hạn, nhưng một số nhà chuyên môn cho rằng, các ngân hàng sẽ vẫn rất cần cẩn trọng đề phòng với nợ xấu trong thời gian tới.

Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, việc thực hiện giãn, hoãn nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 theo Thông tư 14/2021/TT-NHNN (sửa đổi các Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN) đã chấm dứt từ cuối tháng 6/2022. Theo đó giai đoạn từ 30/6/2022 trở đi, khả năng nhiều khoản nợ trong đối tượng được giãn, hoãn nợ theo Thông tư 14 trước đây nếu khách hàng vẫn khó khăn không trả nợ thì sẽ bị chuyển nợ xấu. Trước bối cảnh này, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, các tổ chức tín dụng cũng nên nhìn nhận và đánh giá lại các nhóm khách hàng của mình, có giải pháp hỗ trợ phù hợp.

Bám theo các nội dung Nghị quyết 42, chú ý đến các vấn đề thường gây khúc mắc

Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng lẽ ra hết hiệu lực từ 15/8/2022, nhưng đã được Quốc hội chấp thuận kéo dài đến hết ngày 31/12/2023. Tuy nhiên, theo Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng khi tiếp tục thực thi Nghị quyết 42 cũng phải quan tâm những vấn đề gây vướng mắc đã phát sinh trong thời gian trước.

Theo đó, các ngân hàng cần chủ động, tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan công an, thi hành án dân sự, cơ quan thuế, tòa án các cấp và các cơ quan liên quan để thực thi có hiệu quả các chính sách tại Nghị quyết số 42. Đặc biệt, một số vấn đề cần quan tâm là các chính sách về thu giữ tài sản đảm bảo (Điều 7 Nghị quyết 42), áp dụng thủ tục rút gọn trong tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm tại Tòa án (Điều 8), thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm (Điều 12, Điều 15), các thủ tục liên quan đến chuyển nhượng tài sản bảo đảm, đăng ký biến động quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai (Điều 9, Điều 15).

Trong khi đó, một trong những giải pháp để tỷ lệ nợ xấu chung không bị tăng lên trong trường hợp có các khoản nợ xấu mới phát sinh là việc xử lý các khoản nợ xấu đã tồn đọng từ trước. Trong nội dung trong văn bản mới đây gửi các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cũng thể hiện khá rõ việc kiểm soát và xử lý nợ xấu vẫn là một nhiệm vụ không thể lơ là. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (gọi chung là các ngân hàng) tiếp tục triển khai và đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017/QH14.

Theo Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng cần tiếp tục triển khai đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu, tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu theo Nghị quyết số 42; đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ về xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42 đã được phân công tại Chỉ thị số 06/CT-NHNN ngày 20/7/2017 và các văn bản chỉ đạo của NHNN có liên quan đến việc triển khai, thực hiện Nghị quyết số 42 trong thời gian nghị quyết được kéo dài.

Các ngân hàng và VAMC phải tăng cường phối hợp trong việc triển khai các hoạt động mua, bán, xử lý nợ xấu đối với các khoản nợ mua bằng trái phiếu đặc biệt và mua theo giá thị trường nhằm đẩy mạnh hiệu quả công tác xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu theo Nghị quyết số 42./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top