Xưởng làm lợn đất chạy đua thời gian dịp cận Tết
Thứ Năm, 10/01/2019 - 00:20
Không khí tại làng Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) vào những ngày gần Tết khá nhộn nhịp. Trong đó, những mặt hàng liên quan đến linh vật của năm Kỷ Hợi đang nhận được sự săn đón nhất. Do yêu cầu lớn, thời gian này, những xưởng làm lợn đất phải chạy đua để kịp giao hàng trong dịp Tết.
|
Không khí tại làng Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) vào những ngày gần Tết khá nhộn nhịp. Người mua kẻ bán ra vào tấp nập hối hả. Những mặt hàng bán chạy nhất vào các dịp gần Tết tại đây luôn là những mặt hàng thiết yếu như bộ đồ thờ, bát, đĩa, ấm chén... |
|
Bên cạnh đó, ăn theo dịp tết Kỷ Hợi, những chú lợn đất tiết kiệm cũng là mặt hàng được thị trường năm nay ưa chuộng. Thay vì một mẫu mã nhàm chán, những chú lợn được biến hóa với nhiều hình dáng khác nhau, mỗi loại một vẻ đẹp nhằm đáp ứng thị hiếu của khách hàng. |
|
Để làm ra được một chú lợn đất truyền thống thì phải trải qua nhiều công đoạn. Trước hết là công đoạn trộn đất, đổ khuôn tạo hình cho những chú lợn. Theo chủ một xưởng làm lợn đất tại Bát Tràng, vật liệu được sử dụng để tạo nên những chú lợn này là đất cao lanh được phối trộn theo tỷ lệ thích hợp tạo nên chứ không phải thạch cao. Loại đất này được đánh nhuyễn và đổ khuôn tạo hình theo những mẫu mã khác nhau. |
|
Sau khi lấy ra khỏi khuôn, những chú lợn này sẽ được đưa ra phơi vài lần nắng. Tuy nhiên, thời gian cận tết, ánh nắng trở thành điều xa xỉ nên người thợ sử dụng thêm quạt gió để hong khô trong nhà. |
|
Chị Huệ, chủ một lò nung lợn đất tại Bát Tràng cho biết, lợn đất là mặt hàng bán chạy bất kể thời điểm nào trong năm. Khách mua lợn đất về để tiết kiệm tiền rồi cuối năm "đập lợn". Nhưng cũng có không ít người mua lợn đất chỉ để trưng bày. |
|
Lợn đất được lau sạch sẽ sau khi được hong khô. |
|
Công đoạn quan trọng nhất của việc tạo nên những chú lợn đất này là bước tạo men. Mỗi chú lợn khi đã được làm sạch và để khô sẽ được tráng qua 1-2 lượt men. Lớp men này là chất để tạo nên sự "bóng bẩy" của các chú sau khi nung. |
|
Tùy theo hình dáng, mẫu mã mà các chú lợn sẽ được trang trí khác nhau. Trong ảnh là mẫu một chú lợn chiêu tài với dáng vẻ mũm mĩm, vẻ mặt khoan thai cùng 3 đồng tiền vàng được trang trí ở trên đầu. |
|
Từng đàn lợn đất xếp trên kệ chuẩn bị đem đi nung. |
|
Những chú lợn đất được đặt vào lò nung sấy. Trải qua gần 10 tiếng đồng hồ "thử lửa", những chú lợn hoàn chỉnh được ra đời. |
|
Tùy theo mẫu mà và kích cỡ mà những chú lợn sẽ có mức giá khác nhau có thể từ 50.000-500.000 đồng. |
|
Qua bàn tay của những người thợ chăm chỉ, từng khối đất vô tri đã dần dần lên hình thù, trải qua ngọn lửa ngàn độ và tạo lên những chú lợn đất giản đơn mà tinh tế. |
|
Theo nhận định của người làm gốm thì làm lợn đất nung kích cỡ lớn bán được giá hơn nhưng đồng thời cũng cần có tay nghề cao hơn. |
|
Càng gần đến tết Kỷ Hợi, các xưởng làm lợn đất càng phải chạy tua tích cực với thời gian. |
Hưng Nguyễn