Aa

Bãi đá sông Hồng trước Tết và sau Tết

Thứ Ba, 04/02/2020 - 14:00

Bãi đá sông Hồng hôm 29 Tết có chút nắng rực lên, tôi chỉ chờ có nắng, bỏ hết việc, lên bãi đá để xem hoa thì là và hoa lau.

Thứ hoa ít ai mong ngóng đó là hoa lau và hoa thì là. Nhưng tôi thích nhất là hoa lau dù chẳng bao giờ hoa được bán mua, nó cứ nở rợp bên trời sông Hồng. 

Tôi dám chắc hoa lau sông Hồng đẹp không kém gì hoa lau ở vùng núi Tam Cốc Bích Động (Ninh Bình) nơi gần đền thờ vua Đinh Lê. Nhưng rồi sực nhớ lần ngồi đọc tản mạn “Phận hoa bên lề” của tiến sĩ, nhà văn Chu Văn Sơn viết về hoa cỏ lau, thứ hoa mà không có trong vườn, không ai bán, không ai mua, nó chỉ nở ở dọc sông Hồng, trắng phớ, nâu nâu, tím tím, thì tôi có phần hơi sợ, bước chân ít đến với hoa lau hơn. 

Vì cái sự đọc về Chu Văn Sơn, nó cứ ám ảnh mãi hoa lau vào phận người; những con người xưa, linh hồn vẫn ẩn trong ngọn lau ấy. Tính tôi nhút nhát từ bé, nhưng trời phú cho cơ thể to lớn, vai ngang như chàng Từ Hải nên thiên hạ cho rằng mình không biết sợ là gì. Khi lên đến bãi đá, chen chân nín thở mới qua chợ hoa Quảng An, cảnh hoa đào, hoa hồng, hoa cúc đẹp lắm, nhưng không thể nào chụp ảnh, không có góc để chụp ảnh đẹp, nên đến vườn hoa bãi đá, tôi thấy chỉ có thưa thớt vài người. Không gian rộng ít người, vắng vẻ, thích thật. 

Có một đôi bạn trẻ mặc áo dài đỏ thuê một thợ chụp ảnh, trang điểm đang lúi húi ở phía vườn hồng. Tôi biết mùa xuân này hai bạn ấy sẽ làm đám cưới, về ở với nhau, bụng cô gái trẻ mang bầu chắc bốn năm tháng. Thời hiện đại, rất nhiều đôi trẻ bây giờ cứ có con mới tổ chức đám cưới. Thời của “con hư còn hơn con hỏng”,  cứ có con trước, nhỡ đâu có đôi cưới nhau rồi, không có con, chạy chữa có mà “tiêu đời”. Khi các ông bố bà mẹ thời "a còng" chỉ còn có mím môi cười nụ. Chấp nhận, chấp nhận bác sỹ bảo cưới là cưới. 

 Ở cuối vườn hoa thì là xanh mướt, hoa nhỏ li ti, có một đôi vờ chồng khác, tuổi họ ngoài 40, người vợ kể: “Bọn cháu vừa ở Na Uy về”. Họ nói năm nào về Việt Nam, dành cả ngày 29 Tết lên đây. Đi dạo bên nhau trong nắng ấm và xem hoa nở, rồi xế chiều mới về phố Yên Phụ ăn bún ốc hay bún đậu mơ, hoặc vào chợ ăn bún thang cho đã đời. Chắc cô không biết đấy thôi, ở Na Uy cứ từ tháng 9 đến tháng 4, mất 6 tháng trời chỉ có tuyết. Đào đâu ra nắng. Hèn nào, hôm tôi vào Phú Quốc, một nhân viên dọn cỏ ở Vinpearl bảo, các đôi vợ chồng từ xứ Bắc Âu, hay Tây Âu, họ đến Phú Quốc, nghỉ khách sạn 5 sao mà chỉ có mỗi việc ăn xong ra biển nằm phơi nắng. Mấy bà vợ Việt Nam chăm chăm đi chợ mua sắm cứ bảo nhau dân châu Âu thèm nắng cũng khổ nhỉ? Còn phải nói. Họ mê cả chuối tiêu chín trứng quốc và hoa quả Việt Nam nữa.

Còn mình thì ở trên xứ nhiệt đới gió mùa lại bỏ qua những điều bạn thiếu thốn trong ẩm thực, trong thiên nhiên và trong cả hồn người.

Đôi vợ chồng trẻ đang sống ở Na Uy về chơi Hà Nội trong mấy ngày tết để nhìn lại ngôi nhà cha mẹ mình sinh thành rồi lại bay sang xứ tuyết kia. Họ đi xem hoa và tha thẩn hết bờ bãi sông Hồng. Năm nay bãi đá trơ ra nhiều đá hơn vì cạn nước. Ngàn xưa bãi đá đã ghi dấu người vợ tiễn biệt chồng đi lính ở bến sông này. 

Người chồng tử trận, người vợ ra bến sông đã quyết gieo mình ở nơi tiễn chồng, và mối tình phu thê đã để lại trên bãi đá một huyền thoại về sự thủy chung, truyền miệng nhau cho đến bây giờ. Bởi vậy bãi đá còn có nhiều đôi bạn trẻ đến đây để chụp ảnh với dòng sông Hồng với ngàn hoa ở nơi này và còn hẹn ước bên nhau nữa.

Lại cũng có gia đình chỉ có mấy cha con, con gái và cháu ngoại đi chơi, ông chụp ảnh cho cháu, cho con. Lý do là vì vợ chồng chúng ở cách xa nhau, nên chọn cách cho con cháu đi chơi đây đó, chọn cảnh đẹp chụp hình, tạo ra những niềm vui gần với cỏ hoa. Vậy là để tránh né nhớ nhung, xum họp thì người cha ấy đã có nhiều cách khác để thay thế và dạy cho con gái mình, cho dù con gái đã xuất giá tòng phu.

Lại thấy một chàng trai chạc ngoài ba mươi, đang ngủ say sưa trên chiếc ghế dài, ghế nghỉ trong vườn hoa. Chàng trai nằm ngửa ôm trong tay chiếc máy ảnh. Hẳn là chàng trai ấy đã đi dọc triền sông rất dài, đi qua những chiếc thuyền nan và gặp gỡ những người đi chợ quê về. 

Trong lúc tôi đi xem người trồng hoa violet và hoa xương rồng gai, một người thợ tưới cây bảo tôi: “Em sẽ phun nước cao hơn cho bác xem và chụp ảnh nhé”, “ Chú chưa nghỉ tết à?", tôi hỏi. Người thợ trẻ trả lời: “Bọn em không có tết, nghề phục vụ, họ đi chơi mình đi làm”... 

Rồi chú kể: “Em có 6 đứa con. Với em á, tập một em có 4 đứa con gái, rồi vợ chết, con gái lập gia đình, đứa vào Sài Gòn sinh sống, bốn đứa yên bề gia thất cả. Em mới đi bước nữa, ở tập hai này, vợ sinh 2 thằng con giai, nên em mới làm thêm cho chúng học hành. Đời em cũng khốn khổ, chẳng có tết nhất gì, cứ cắm mặt làm nuôi con, con gái bay đi hết rồi. Con giai thì nhỏ, vợ trẻ nên cũng phải kiếm tiền cho nó nuôi con, vợ lại còn son phấn nữa chứ...". "Thế là do chú lựa chọn đấy chứ, 1 đứa con giai là đủ sao phải đẻ 2 rồi sấp ngửa vì tiền. Không tết nhất, không sum họp thì có khác gì vẫn đơn thân một mình", tôi nói. "Ôi nghĩ được ra nhẽ như thế thì em đã không khổ, bác nhỉ!", cậu chàng phân bua.

Lúc tôi đi xuống mé sông, chàng trai trẻ ngủ trên ghế đá đã tỉnh dậy và đang xem ảnh mình chụp. Nom gương mặt cậu ta rất buồn bã, nên tôi nghĩ ra cách làm quen, tôi nhờ cậu chụp một bức ảnh góc rộng với dãy hoa thì là. Cậu ta chụp cho tôi những tấm ảnh với hoa thì là rất đẹp nhưng lại nói với tôi: "Vợ cũ của cháu cũng thích thứ hoa thì là như cô, nhưng người ta bỏ đi lấy chồng giàu hơn cháu rồi. Ký đơn xong, cháu bị trầm cảm khá lâu, rồi đi mua cái máy chụp ảnh để đi đây đó chụp cho vui...". 

Không thể ngờ hôm sau Hà Nội mưa gió, mưa đá và mưa rất lớn, những thước phim chụp ảnh hoa đẹp hôm qua, hôm nay đã là kỷ niệm, nhưng vạt hoa nghiêng ngả đất vườn xô dạt, thật khó có một vườn hoa đẹp trong dịp tết. Nhưng máy ảnh ghi lại được nhưng khoảnh khắc, và đời người cũng có rất nhiều khoảnh khắc ấy. đang như thời gian vùn vụt qua hiện hữu và xóa mất.

Có chăng trong tôi còn giữ được những giây phút đẹp của một tích tắc bấm máy, hay ghi hình? Những khoảnh khắc không dễ xóa đi.

Mùa Xuân đang trở lại và không phải bất cứ thứ gì cũng có thể quay trở lại.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top