Aa

Bất động sản 24h: Có xảy ra nguy cơ sốt đất nền ở Thanh Hóa, Bình Định, Phú Yên?

Thứ Ba, 12/05/2020 - 10:30

Thành lập 3 thị xã tại Thanh Hóa, Bình Định, Phú Yên, liệu có xảy ra nguy cơ sốt đất nền cục bộ?; Thị trường bất động sản vẫn chưa đến lúc chạm điểm rơi... là những thông tin được quan tâm trong 24h qua.

Thành lập 3 thị xã tại Thanh Hóa, Bình Định, Phú Yên, liệu có xảy ra nguy cơ sốt đất nền cục bộ?

Khi cơn sốt đất nền ven biển tại Thanh Hóa, Bình Định, Phú Yên vừa lắng xuống được nửa năm thì thông tin ba thị xã mới sắp được thành lập Đông Hòa (Phú Yên), Hoài Nhơn (Bình Định) và Nghi Sơn (Thanh Hóa) lại tiếp tục khiến thị trường BĐS tại 3 vùng đất này sôi động.

Đầu tháng 5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã ban hành các nghị quyết thành lập ba thị xã gồm Đông Hòa (Phú Yên), Hoài Nhơn (Bình Định) và Nghi Sơn (Thanh Hóa) kể từ ngày 1/6/2020. Thông tin này ngay lập tức đã tác động đến thị trường đất nền ba khu vực này trong bối cảnh thị trường BĐS nơi đây vốn dĩ đã sốt cục bộ nhiều khu vực từ giữa năm 2019.

Cụ thể, hồi tháng 10/2019 đất nền một số khu vực tại Bình Định xảy ra tình trạng sốt cục bộ. Trước tình trạng này, UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản yêu cầu các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác quản lý, đảm bảo ổn định thị trường BĐS trên địa bàn tỉnh; nghiêm túc thực hiện việc xây dựng, báo cáo dữ liệu về nhà ở và thị trường BĐS theo quy định...

Tại huyện Hoài Nhơn, Sở Xây dựng đã ban hành văn bản đề nghị UBND huyện Hoài Nhơn có biện pháp ngăn chặn, chấn chỉnh các tổ chức, cá nhân môi giới BĐS mở bán, nhận đặt cọc, giữ chỗ đất nền không đúng quy định đối với một số dự án đất nền chưa đủ pháp lý tại khu vực này. Khi các văn bản này được ban hành, rất nhiều người dân ở huyện Hoài Nhơn, trong và ngoài tỉnh lo lắng vì trót tin vào các tổ chức, cá nhân môi giới và đồng ý ký hợp đồng đặt cọc mua bán đất nền, nộp tiền theo tiến độ.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Thị trường bất động sản vẫn chưa đến lúc chạm điểm rơi

Thị trường bất động sản trong những tháng đầu năm 2020 phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức. Trong khi những chính sách pháp lý còn chưa được tháo gỡ thì đại dịch Covid-19 lại một lần đẩy thị trường lâm vào thế "khó chồng thêm khó". Theo ghi nhận, hầu hết các doanh nghiệp bất động sản đều bị tác động rõ rệt, các sự kiện đông người như quảng bá tiếp thị (PR), bán hàng đều bị hủy bỏ....

Trong đó, thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng (condotel) và thị trường bất động sản cho thuê bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là tình trạng các mặt bằng cho thuê tại khối đế các tòa nhà cao tầng và nhiều mặt bằng nhà phố cho thuê bị khách thuê trả lại.

Theo các chuyên gia, mặc dù dịch Covid-19 đã được kiểm soát khá tốt tại Việt Nam nhưng để thị trường bất động sản hồi phục sẽ cần một khoảng thời gian rất dài. Đặc biệt là quá trình khôi phục nguồn cầu sau khi đại dịch tác động lên mọi ngành nghề gây sụt giảm nghiêm trọng về tổng mức GDP trên cả nước.

Bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Đào - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Viethome nhận định, có hai xu hướng có thể diễn ra song song nhau. Nếu nhìn ở khía cạnh tiêu cực hơn thì thị trường sẽ có xu hướng đi xuống trong ngắn hạn. 

Xem thông tin chi tiết tại đây

Lập dự án "ma" phân lô bán nền trái phép: Vì sao đã siết chặt nhưng vẫn bị lọt?

Tình trạng phân lô bán nền trái phép vẫn tiếp tục diễn ra, bất chấp các quy định của pháp luật. Các chuyên gia cho rằng, Nghị định mới ban hành đã quy định chặt chẽ hơn, tuy nhiên dường như vẫn chưa đủ sức răn đe.

Mới đây, chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ký Văn bản số 2603 về việc khẩn trương kiểm tra, xử lý dự án Hồ Tràm Riverside tại ấp Gò Cát, xã Phước Thuận. Chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc giao đoàn kiểm tra phối hợp cùng UBND xã Phước Thuận rà soát hồ sơ pháp lý, tiến hành tổ chức kiểm tra, rà soát các phản ánh về đất đai, xây dựng, hình thành đường giao thông, san lấp mặt bằng tại khu đất trên. Trước đó, dự án Hồ Tràm Riverside được chủ đất phân lô và giao cho rất nhiều công ty môi giới bất động sản chào bán cho khách hàng với giá 7 triệu đồng/m2.

Trong khi đó, tại TP.HCM, tình trạng phân lô bán nền trái phép từ nhiều chủ đất kéo dài nhiều năm dẫn tới các vụ khiếu kiện, khởi tố gia tăng. Điển hình như thời gian qua, hàng trăm khách hàng liên tục tố cáo Công ty Thiên Ân Phát lừa đảo bán đất phân lô “ma” tại các dự án Bưng Ông Thòn 2, Nguyễn Xiển 1, 2, 3 (quận 9, TP.HCM)… Chỉ riêng tại địa bàn phường Thạnh Xuân (quận 12) cũng đã có khoảng 10 khu đất phân lô trái phép được các đối tượng rao bán nền tràn lan.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Bất động sản Quy Nhơn: Xuống giá hay cái kết của việc “đẩy giá”

Những ảnh hưởng vì đại dịch Covid-19 mang tầm toàn cầu, bất động sản Việt Nam nói chung và bất động sản Quy Nhơn nói riêng vẫn không phải ngoại lệ. Thị trường chứng kiến sự ngưng trệ của hầu hết các dự án lớn nhỏ tại TP biển Quy Nhơn. Thay vì những giao dịch ồ ạt trước đây, thị trường Quy Nhơn nhỏ giọt một vài giao dịch trong tuần, bởi ở thị trường này, bài toán bất động sản bắt nguồn từ nhu cầu đầu tư vẫn chiếm từ 60 – 70% so với nhu cầu sử dụng thực.

Bất động sản Quy Nhơn đang thi nhau xuống giá

Ghi nhận từ một vài dự án lớn nhỏ của các chủ đầu tư và từ các sàn bất động sản tại TP. Quy Nhơn, rất nhiều khách hàng e dè khi tìm hiểu một dự án, thậm chí còn không muốn tới công trường thăm quan. Vì thế, không ít sàn bất động sản lâm vào tỉnh cảnh khốn đốn khi vừa không có nhân viên, vừa không mời gọi được khách.

Sang tháng 5, cùng với việc dịch bệnh đã cơ bản được dập tắt ở Việt Nam, thị trường bắt đầu nóng lên, nhưng nóng lên ở đây không phải từ “cầu”, mà từ “cung”. Nghĩa là nguồn khách hàng vẫn không mấy mặn mà, vì thế rất nhiều dự án đưa ra chính sách bán hàng sốc, thậm chí là chiết khấu sâu. Một dự án ở trung tâm thành phố Quy Nhơn vừa ra thông báo chiết khấu căn hộ từ gần 40 triệu/m2 xuống chỉ còn trên dưới 30 triệu/m2, tức là giảm tới 25% so với giá ban đầu công bố. Một vài dự án khác cũng sẵn sàng chiết khấu từ 10 – 15% cho khách hàng trong tháng 5, đó là một con số không hề nhỏ.

Chưa tính tới việc một số khách hàng trước đây đã mua các dự án này nghĩ sao, thì việc giảm giá rất sâu này cũng đặt ra cho các khách hàng mới nhiều câu hỏi, liệu đây có phải là chiêu trò của các chủ đầu tư và sàn phân phối, và giá trị thực của 1 căn hộ ở mức giá bao nhiêu, để có thể chủ động giảm tới ¼ giá ban đầu như vậy?

Xem thông tin chi tiết tại đây

Nhộn nhịp mua bán khách sạn

Thời điểm này, dịch Covid-19 tại Việt Nam đang được kiểm soát tốt, hoạt động sản xuất, kinh doanh bắt đầu tái khởi động, trong đó có du lịch. Tuy vậy, ghi nhận trên một số trang mạng bất động sản, hàng loạt khách sạn trên các tuyến đường sầm uất của TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) như Nguyễn Biểu, Nguyễn Thiện Thuật, Trần Phú, hẻm đường Hùng Vương... vẫn đang được rao bán với mức giá hàng chục tỉ đồng đến cả trăm tỉ đồng. Chẳng hạn, một khách sạn ở đường ven biển Trần Phú cao 15 tầng mặt tiền 10 m, có diện tích 150 m2, quy mô 50 phòng được rao bán với giá 150 tỉ đồng. Trong khi đó, một homestay khác ở đường Dã Tượng quy mô 19 phòng cũng rao bán với giá 14 tỉ đồng.

Khi phóng viên liên lạc với nhân viên môi giới một công ty bất động sản ở Nha Trang, người này giới thiệu về một khách sạn mini có diện tích 94 m2, gồm 18 phòng nằm trên đường Nguyễn Thiện Thuật bán với giá 23 tỉ đồng. Khách sạn này vừa mới xây dựng xong đầu năm nay nhưng tình hình khách ế ẩm, chủ đầu tư không đủ tiền trả ngân hàng nên phải bán gấp. Khi chúng tôi chê giá đắt, người này giới thiệu tiếp một khách sạn khác nằm trên đường Nguyễn Biểu (phường Vĩnh Hải) diện tích 95 m2, đang rao bán giá 21 tỉ đồng quy mô 7 tầng, với 20 phòng. "Chủ khách sạn này cũng nợ ngân hàng nhiều nên muốn bán. Nếu anh muốn mua, em sẽ dẫn anh đi xem và gặp chủ để đàm phán" - nhân viên này nói.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top