Aa

Bất động sản 24h: "Đại chiến" ngành thép: Tăng thuế hay không?

Thứ Năm, 12/09/2019 - 10:30

"Đại chiến" ngành thép: Tăng thuế hay không?; Cháy Rạng Đông... “rạng” sự thật ì ạch của công tác di dời nhà máy... là một số tin tức nổi bật 24h qua.

"Đại chiến" ngành thép: Tăng thuế hay không?

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 125/2017, Bộ Tài chính nêu và dự kiến tăng thuế nhập khẩu với thép cuộn cán nóng nhóm 72.08 từ 0 lên 5%.

Bộ này cho rằng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang làm dấy lên lo ngại về việc thép giá rẻ Trung Quốc có thể lan tràn vào Việt Nam, kéo theo giá thép trên thị trường giảm mạnh.

"Việt Nam nhập khẩu hơn 8 triệu tấn thép cuộn cán nóng mỗi năm, 40% trong số đó từ Trung Quốc. Nếu không có thuế nhập khẩu đánh vào mặt hàng, thép cán cuộn giá rẻ sẽ từ Trung Quốc tiếp tục tràn vào Việt Nam gây bất ổn thị trường thép Việt Nam", Bộ Tài chính cho hay.

Đề xuất tăng thuế của Bộ Tài chính được doanh nghiệp ngành tôn mạ Việt cho rằng là cú "knock out" cuối cùng hạ gục họ trong bối cảnh thế giới đầy biến động, chủ nghĩa bảo hộ lên cao.

Trong văn bản gửi lên Bộ Tài chính mới đây, ông Trần Quốc Trí, Tổng giám đốc Tập đoàn Hoa Sen (mã chứng khoán HSG) khẳng định việc tăng thuế nhập khẩu không hạn chế được thép Trung Quốc vào Việt Nam mà còn gây phản ứng ngược.

Cụ thể, Việt Nam và Trung Quốc đều tham gia Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) nên dù có đánh thuế, mặt hàng này vẫn được nhập khẩu với mức ưu đãi đặc biệt 0% theo hiệp định. Trong khi đó, thép nhập khẩu từ các nước khác sẽ chịu thuế 5% nên buộc các doanh nghiệp phải dịch chuyển nguồn cung sang Trung Quốc.

Xem chi tiết tại đây

Ảnh: Internet

Cháy Rạng Đông... “rạng” sự thật ì ạch của công tác di dời nhà máy

Hậu quả khủng khiếp của vụ cháy nhà máy Rạng Đông đã gióng lên một hồi chuông báo động về việc cấp thiết phải di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra ngoại thành, dù vấn đề này đã được đặt ra từ hơn chục năm về trước.

Nhà ở cạnh Nhà máy Dệt kim Đông Xuân (Minh Khai, Hai Bà Trưng), gia đình ông Võ Trí Hiếu (61 tuổi) và nhiều hộ dân khác đã và đang phải chịu cảnh ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn hàng chục năm nay.

“Chiều chiều, khói đen ngòm từ công ty này cứ thế xả vào không khí, những hộ xung quanh nhà máy phải ngửi hết. Nhiều khi ngồi trong nhà cũng phải bịt khẩu trang. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên UBND phường để phản ánh nhưng kết quả vẫn vậy. Đề nghị các cơ quan chức năng sớm di dời các nhà máy, để đời sống người dân chúng tôi không bị ảnh hưởng”.

Có thể thấy, sự chậm trễ trong công tác di dời đã tác động không nhỏ tới đời sống người dân cũng như quy hoạch chung thành phố. Tuy nhiên, nguyên nhân vì sao tốc độ di dời các nhà máy lại rơi vào tình trạng… “rùa bò” vẫn là một dấu hỏi.

Xem chi tiết tại đây

Chủ động, trách nhiệm tổ chức triển khai Nghị quyết 50-NQ/TW

Nghị quyết 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 là một trong những nghị quyết có ý nghĩa quan trọng.

Nghị quyết này sẽ thúc đẩy hoạt động thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài (ÐTNN) tại Việt Nam trong giai đoạn tới một cách đúng hướng, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao hơn, bền vững hơn trên mọi góc độ của đất nước, khuyến khích và bảo đảm quyền lợi của nhà ÐTNN đến đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam.

Nhìn lại hơn 30 năm thu hút và sử dụng ÐTNN kể từ tháng 12/1987 đến nay, có thể khẳng định, Việt Nam rất thành công trong thu hút và sử dụng ÐTNN. Nhưng bên cạnh các thành công đó, việc thu hút, quản lý hoạt động ÐTNN của Việt Nam vẫn còn những hạn chế, yếu kém và phát sinh những vấn đề mới phức tạp liên quan đến chất lượng, hiệu quả, đến quốc phòng - an ninh… bởi tính hai mặt của dòng vốn ÐTNN và do hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về ÐTNN còn hạn chế.

Các tồn tại đã được chỉ ra nhiều năm qua nhưng chưa khắc phục được hết do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ quan được xác định là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thể chế, chính sách về ÐTNN chưa theo kịp yêu cầu phát triển.

Nếu không được hoàn thiện sớm, sẽ làm chệch định hướng thu hút ÐTNN, cũng như không thể có được dòng vốn ÐTNN chất lượng, hiệu quả cao như chúng ta mong muốn khi thực hiện chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và những năm sau đó.

Xem chi tiết tại đây

Ảnh: Internet

Tái thiết chung cư cũ: Định hướng bởi giao thông công cộng

Trước yêu cầu bức thiết cải thiện và nâng cao điều kiện sống của người dân, tạo bộ mặt kiến trúc đô thị, việc cải tạo các khu chung cư cũ đang được Thành phố Hà Nội đốc thúc triển khai.

Theo thống kê, Hà Nội hiện có 15/20 chung cư cũ đã được cơ quan chức năng báo cáo ý tưởng quy hoạch với UBND thành phố, 5 khu còn lại đang được nghiên cứu lập phương án.

Theo PGS.TS Nguyễn Quang Đạo (Khoa Cầu đường, trường ĐH Xây dựng Hà Nội), để đạt được các mục tiêu Nghị quyết của Chính phủ về việc cải tạo các khu chung cư cũ, Hà Nội cần xây dựng một đề án tổng thể tái thiết các khu vực này.

Trong đó quy hoạch được định hướng bởi giao thông công cộng (TOD), nghĩa là việc xây dựng, phát triển các khu đô thị không nhất thiết xây tại khu vực ở cũ mà nghiên cứu xây dựng các khu đô thị mới ở gần trục giao thông công cộng như BRT, đường sắt trên cao, đường sắt mặt đất, tàu điện ngầm… nhằm tăng sự tiếp cận của người dân với hệ thống phương tiện giao thông công cộng.

Từ định hướng này nghiên cứu mô hình xây dựng các không gian đô thị mới từ khu vực vành đai 2 trở ra theo hình thái “đô thị nén”, có mật độ đô thị cao, sử dụng hỗn hợp đất đai, khuyến khích đi bộ và xe đạp, chú trọng giao thông công cộng.

Xem chi tiết tại đây

Dân loay hoay tìm nơi di tản, giao dịch bất động sản chững lại

Gần hai tuần sau vụ cháy nhà máy Rạng Đông, nhiều hộ dân khu đô thị Hạ Đình nằm sát cạnh nhà máy đã “tháo chạy” đi nơi khác vì nằm trọn trong vùng ảnh hưởng theo thông tin mới nhất của Tổng cục Môi trường.

Khu đô thị 54 Hạ Đình nằm sát vách với khuôn viên của Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông. Ngăn cách giữa hai khối công trình này chỉ là một bức tường gạch cao chừng 4m. Sau vụ cháy, một lớp bạt lớn màu xanh đã được che chắn thêm với mục đích ngăn không cho khói bụi từ phía Rạng Đông lan sang khu dân cư.

Dù vậy, quá lo lắng trước nguy cơ ô nhiễm, 2/3 người dân sinh sống tại khu đô thị 54 Hạ Đình và khu vực lân cận đã cuống cuồng tìm nơi di tán.

“Ngày xưa chiến tranh thì đi sơ tán khỏi vùng bom đạn. Nay thời bình rồi vẫn phải đi sơ tán vì ô nhiễm. Đây không chỉ là cháy mà còn là thảm họa. Người dân không biết sự thật độc hại đến mức độ nào, hoang mang, lo sợ nên phải đi sơ tán hết. Khu chung cư giờ như khu nhà hoang, chỉ còn người có tuổi ở lại”, ông Nghiêm Phúc Thịnh, một cư dân tại khu đô thị Hạ Đình bức xúc nói.

Trước tâm lý lo sợ mức độ ô nhiễm, nhiều hộ dân đã rao bán nhà, hoặc sang nhượng cửa hàng. Tuy nhiên, dù ở trong vùng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhưng giá bán nhà đất và chung cư khu vực này vẫn chưa có dấu hiệu giảm sút do đây vẫn là vị trí đắc địa, điểm nóng của bất động sản Thủ đô, với sự phát triển đồng bộ của hạ tầng và tiện ích.

Xem chi tiết tại đây 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top