Aa

Bất động sản 24h: Diễn biến "lạ" trên thị trường nhà đất khu Đông TP.HCM

Thứ Năm, 17/10/2019 - 10:30

Diễn biến "lạ" trên thị trường nhà đất khu Đông TP.HCM; Đề xuất giải pháp đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội của người dân... là những thông tin được quan tâm trong 24h qua.

Diễn biến "lạ" trên thị trường nhà đất khu Đông TP.HCM những tháng cuối năm 2019

Năm 2019 với tác động của các chính sách về thị trường bất động sản và thị trường tín dụng đã giúp hạn chế nguồn cung không đủ tiêu chuẩn và tạo điều kiện cho lượng hàng tồn kho được tiêu thụ. Mặc dù không có các sự kiện chào bán rầm rộ, các chủ đầu tư vẫn có các chương trình thu hút như triển lãm bất động sản, giới thiệu phát triển khu đô thị, lễ cất nóc các dự án đang thực hiện,…

Theo bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao, CBRE Việt Nam: "Thời gian này cũng được chủ đầu tư tận dụng điều chỉnh chiến lược kinh doanh và kế hoạch phát triển quỹ đất và sản phẩm. Với các hoạt động tích cực từ các chủ đầu tư, thị trường được kỳ vọng sẽ sôi động hơn trong các quý tiếp theo".

Xem thông tin chi tiết tại đây 

Nước sạch nhiễm bẩn và niềm tin bị đánh cắp

Nguyên nhân nước có mùi khét được cho là là do có xe đổ trộm dầu thải gây ô nhiễm nguồn nước ở đầu nguồn. Còn kết quả xét nghiệm mẫu nước có một số chỉ tiêu không đạt tiêu chuẩn Việt Nam 01:2009 của Bộ Y tế ban hành về chất lượng nước uống. Trong đó các mẫu xét nghiệm đều có hàm lượng styren (chất thuộc nhóm có chỉ tiêu giám sát mức độ C) đều vượt ngưỡng từ 1,3 đến 3,65 lần.

Không biết ô nhiễm bắt đầu từ thời điểm nào, nhưng chỉ đến ngày 10/10, khi người dân ở các quận Hà Đông, Thanh Xuân, Hoàng Mai (Hà Nội) ngửi thấy mùi khét trong “nước sạch” thì mới có sự nghi vấn. Các cơ quan chức năng và Công ty nước sạch Viwaco vào cuộc, kiểm tra, lấy mẫu nước để xét nghiệm. Nhưng việc xét nghiệm được thông báo phải 7 ngày sau mới có kết quả.

Trong khi đó, đơn vị cung cấp nước là Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) vẫn khẳng định nước cung cấp cho Hà Nội vẫn đạt tiêu chuẩn (?!). Cả đến khi nguyên nhân được chỉ ra do đổ trộm dầu thải gây ô nhiễm nguồn nước thì lãnh đạo Viwasupco vẫn còn cho rằng, mùi khét có lẽ là tồn dư nhiều clo vì sau khi phát hiện nguồn nước nhiễm dầu thải (ngày 8/10) đơn vị đã tăng lượng clo để xử lý nước. Thậm chí, khi được hỏi từ ngày 8/10 đơn vị đã phát hiện nguồn nước ô nhiễm dầu thải nhưng tại sao không báo cáo kịp thời thì đơn vị này vẫn còn thanh minh thanh nga rằng, do phải huy động cả nhân viên văn thư đi vớt dầu thải nên… không có người gửi báo cáo. Và đơn vị này cũng đã báo cáo với tỉnh Hòa Bình vì nhà máy đặt tại địa phương này (?!).

Xem thông tin chi tiết tại đây

Quý III/2019: Sức hút của bất động sản TP.HCM cao hơn Hà Nội

Báo cáo nghiên cứu thị trường bất động sản quý III/2019 của Batdongsan.com.vn cho thấy, lượng tin đăng về bất động sản trong quý chỉ tăng nhẹ 5% so với quý II/2019, do nguồn cung mới ở các thị trường chính như Hà Nội và TP.HCM khan hiếm. So với cùng kỳ 2018, 9 tháng đầu năm 2019 chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ lượng tin đăng ở phân khúc đất nền, nhà riêng bên cạnh lượng tin đăng chung cư.

Mặc dù xu hướng nguồn cung sơ cấp cũng như lượng tin đăng tăng lên ít, mức độ quan tâm tăng đáng kể (17%) và chủ yếu là phân khúc chung cư (tăng 36%), và bất động sản nghỉ dưỡng ven biển. Điều này thể hiện sự quan tâm của các nhà đầu tư, người mua nhà là rất lớn đối với 2 phân khúc này.

Chỉ số giá tại Hà Nội và TP. HCM không có quá nhiều biến động trong quý III. Hà Nội tăng khoảng 3% trong khi TP.HCM tăng nhẹ ở mức 1%. Riêng tại thị trường Hà Nội, giá rao bán nhà riêng và nhà mặt phố đã tăng đáng kể, có thể kể đến mức tăng xấp xỉ 5% của mức giá bán nhà mặt phố tại quận Đống Đa (tiệm cận mức 290 triệu/m2) và khoảng 5% mức tăng giá rao bán nhà riêng tại quận Cầu Giấy (tiệm cận mức 135 triệu/m2).

Xem thông tin chi tiết tại đây

"Không kết nối hạ tầng, bức tranh kinh tế Việt Nam bị chia cắt thành từng mảnh"

Theo nhận định của các chuyên gia, một đô thị tốt cần một hệ thống hạ tầng tốt và ngược lại hệ thống hạ tầng đô thị không thể tốt nếu bản thân cấu trúc đô thị bất lợi. Hiện nay ở hai đô thị lớn Việt Nam là Hà Nội và TP.HCM đang bị tình trạng hạ tầng kết nối yếu kém, không theo kịp với sự phát triển của đô thị và công tác quy hoạch, xây dựng hạ tầng đang là đối tượng chính bị chỉ trích.

Tuy nhiên cũng phải thấy rằng chính cấu trúc quy hoạch của đô thị đang tạo sự khó khăn cho phát triển hạ tầng. Đô thị Hà Nội tiêu biểu cho dạng phát triển phi cấu trúc, không thể nhận diện được hệ thống công trình phục vụ công cộng, các công trình xây dựng đan xen một cách ngẫu nhiên với các thành phần khác, theo khả năng tái phát triển của các chủ đầu tư hơn là theo những định hướng bố trí có quy hoạch từ trước. Chính vậy hạ tầng đô thị luôn bị động chạy theo sự hình thành các công trình đó.

Vì vậy theo các chuyên gia, công tác quy hoạch phải được trú trọng hơn trong quá trình phát triển đô thị. Chỉ khi hạ tầng kết nối hoàn thiện, phát triển thì từ đó mới có thể hy vọng một đô thị được phát triển tốt, đồng thời đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa tại Việt Nam. Bởi lẽ, “nếu không có sự kết nối về hạ tầng thì bức tranh kinh tế Việt Nam sẽ bị chia cắt thành từng mảnh, và dù tất cả các định hướng phát triển đô thị có hay ho đến đâu trên giấy tờ thì đó cũng chỉ nằm trên khổ giấy”, TS. Vũ Thành Tự Anh khẳng định. 

Xem thông tin chi tiết tại đây

Đề xuất giải pháp đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội của người dân

Theo Sở xây dựng TP.HCM, kết quả thực hiện chương trình nhà ở xã hội trên địa bàn Thành phố chưa đáp ứng nhu cầu lớn về nhà ở của các đối tượng được hưởng chính sách.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do các dự án nhà ở thương mại quy mô sử dụng đất trên 10 ha, dù đã xác định quỹ đất 20% xây dựng nhà ở xã hội, nhưng một số chủ đầu tư chậm triển khai bồi thường giải phóng mặt bằng hoặc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật nên chưa triển khai đầu tư xây nhà ở xã hội.

Đối với các dự án có quy mô sử dụng dưới 10 ha, hầu hết chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội theo hình thức nộp bằng tiền (20% tiền sử dụng đất), số tiền này được chủ đầu tư nộp vào Quỹ Phát triển nhà ở Thành phố để đầu tư phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn Thành phố.

Đặc biệt, nguồn vốn dài hạn để hỗ trợ các chủ đầu tư vay thực hiện dự án, các đối tượng được hưởng chính sách vay mua nhà chưa ổn định. Chưa kể, nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho các tổ chức tín dụng cũng chưa được bố trí.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top