Aa

Bất động sản 24h: Sau sóng gió, bất động sản Phú Quốc xuất hiện xu hướng mới

Thứ Sáu, 08/11/2019 - 10:40

Sau sóng gió, thị trường bất động sản Phú Quốc xuất hiện xu hướng mới; "Khủng hoảng" nước sạch: “Chắc chắn có biểu hiện của chạy chọt và lợi ích"... là một số tin tức nổi bật 24h qua.

Sau sóng gió, thị trường bất động sản Phú Quốc xuất hiện xu hướng mới

Nhà đầu tư bắt đầu hiểu rõ hơn về thị trường Phú Quốc sau những đợt “nóng sốt” rồi trầm lắng thất thường trước đây. Vì thế, khách mua ngày càng có sự lựa chọn cẩn thận và kỹ lưỡng hơn rất nhiều….

Theo các chuyên gia trong ngành, thị trường bất động sản Phú Quốc đang bước vào giai đoạn “chững” lại so với trước đây. Hầu hết các giao dịch chỉ đến ở những dự án đã đầy đủ pháp lý, có sổ hồng sở hữu lâu dài. Tuy vậy, các dự án này tại thị trường Phú Quốc xuất hiện không nhiều ở giai đoạn này.

Trong quý IV/2019, Phú Quốc bắt đầu rục rịch một số dự án lớn bung hàng khiến thị trường nhộn nhịp hơn. Theo nhận định của giới chuyên gia, bất động sản Phú Quốc không còn những đợt sốt đất như trước đây bởi giới đầu cơ lướt sóng đã rút đi sau khi Quốc hội ngừng xem xét Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt. Giá đất hiện tại không còn “nhảy múa” từng ngày như trước, đây được xem là tín hiệu đáng mừng khiến các doanh nghiệp lẫn nhà đầu tư cá nhân cảm thấy yên tâm bởi những hệ lụy liên quan đến câu chuyện thổi giá sẽ không còn.

Xem chi tiết tại đây

Người mua quan tâm đến các dự án đã pháp lý đầy đủ, đảm bảo tính an toàn

"Khủng hoảng" nước sạch: “Chắc chắn có biểu hiện của chạy chọt và lợi ích"

Tại tọa đàm “Quản lý thị trường nước sạch – nhìn từ vụ nước nhiễm dầu” do báo Đại biểu Nhân dân tổ chức, ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương cho rằng: “Trước hết, phải khẳng định nước sạch là yếu tố rất quan trọng trong đời sống của người dân. Việc bảo đảm chất lượng nước sạch là vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý. Để xảy ra hai vụ việc này rõ ràng không mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, người dân, ảnh hưởng trực tiếp đến cơ quan chức năng.”

ĐBQH Phương đã thẳng thắn phân tích: “Thứ nhất, sự cố nước sông Đà nằm ngoài ý muốn của doanh nghiệp và người dân. Trách nhiệm trước hết thuộc về kẻ vi phạm. Các cơ quan chức năng cần vào cuộc để xử lý, truy tố đối với đối tượng vi phạm, đồng thời, phải vào cuộc điều tra để xác định nguyên nhân gây ra sự việc là vô ý hay cố ý? Đặc biệt, cần làm rõ mục đích của việc đổ dầu thải này, có ai đứng sau chủ thể vi phạm?

Đối với việc nhà máy nước chưa đủ điều kiện nghiệm thu nhưng đã bán nước thương mại là sai phạm hết sức nghiêm trọng, cần dừng ngay việc bán nước để thanh tra xử lý vi phạm. Phải làm rõ doanh nghiệp tự ý hay cơ quan quản lý cho phép để bất chấp thủ tục? Chắc chắn có biểu hiện của chạy chọt và lợi ích!”

Xem chi tiết tại đây

Năm 2020, TP.HCM dự chi 360 tỷ đồng cho người thu nhập thấp mua nhà ở

Quỹ Phát triển Nhà ở TP.HCM (HOF) vừa có báo cáo gửi UBND TP.HCM về tình hình sản xuất, kinh doanh năm 2019.

Theo đó, trong năm nay, HOF đã giải ngân cho các đối tượng thu nhập thấp khoảng 305 tỷ đồng để tạo lập nhà ở. Con số này đã vượt 10 tỷ đồng( 3,4%) so với chỉ tiêu Thành phố giao cho tổ chức tài chính Nhà nước này trong năm 2019.

Theo Quỹ Phát triển nhà ở, từ năm 2015 - 2019, quỹ đã giải ngân cho khoảng 4.600 cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ của Thành phố vay tạo lập nhà ở với tổng số tiền khoảng 1.960 tỷ đồng. Và năm 2020, quỹ đưa ra chỉ tiêu giải ngân là 360 tỷ đồng nhằm tăng cơ hội sở hữu nhà ở cho người thu nhập thấp.

Bên cạnh đó, HOF đề xuất UBND TP.HCM bổ sung thêm đối tượng thu nhập thấp cho nhu cầu bức xúc về nhà ở vay vốn tại Quỹ; có giải pháp mới đẩy mạnh chương trình cho vay đối với các hộ gia đình, cá nhân xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà trọ cho công nhân thuê.

Xem chi tiết tại đây

Ông Phạm Thanh Hưng (thứ 2 bên trái sang) tại sự kiện của Forbes. Ảnh: Forbes.

Ông Phạm Thanh Hưng: Thị trường bất động sản có thể đang ở cuối chu kỳ

Xoay quanh chủ đề "Lựa chọn khôn ngoan" tại sự kiện về bất động sản của Forbes Việt Nam ngày 7/11, Phó Chủ tịch CenGroup chia sẻ quan điểm cá nhân rằng thị trường đang ở giai đoạn cuối của chu kỳ tăng trưởng và sẽ có những khó khăn nhất định.

Theo ông Hưng, một sản phẩm đang thu hút sự quan tâm lớn là đất nền tại các thành phố lớn, lân cận TP HCM. Sự sôi động đất nền vùng ven là hợp lý vì tính “nóng lạnh” của thị trường có hiệu ứng vết dầu loang.

“Khi thị trường bất động sản bước vào giai đoạn cuối chu kỳ thì dòng tiền thường đổ về vùng ven và đất nền lên giá. Nhà đầu tư vốn ít khoảng 300 triệu đồng cũng có thể tham gia là tín hiệu của giai này”, lãnh đạo CenGroup nhận định.

Thực tế đất nền tăng giá do nhu cầu tăng cao và dòng vốn đổ về rất nhiều. Ông Hưng cho rằng nhu cầu đầu tư đất nền lớn bởi vì kỳ vọng tăng giá và tỷ suất sinh lời cao hơn, khi không cần bỏ thêm vốn để xây dựng như bán sản phẩm hoàn chỉnh.

Xem chi tiết tại đây

ĐBQH lo lắng việc bán 34% cổ phần nước Sông Đuống cho tỷ phú Thái Lan

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh diễn ra sáng 7/11, nước sạch tiếp tục trở thành vấn đề nóng khi các đại biểu đặt ra câu hỏi về việc bán 34% cổ phần nước sạch Sông Đuống cho tỷ phú Thái Lan.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) bày tỏ sự lo ngại về tình trạng nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần Công ty nước sạch Sông Đuống.

Theo ông Nghĩa, nước là một vấn đề an ninh quan trọng mà theo tôi còn “ngọt” hơn cả lương thực. Thế mà chúng ta lại đang thoái vốn Nhà nước toàn bộ đến 100% là rất có vấn đề.

“Vừa rồi, báo chí đã phản ánh việc tỷ phú Thái Lan mua đến 34% của Nhà máy nước sạch sông Đuống - nhà máy nước lớn nhất Việt Nam. Trước tình trạng cung cấp nước sạch như vừa qua, tôi đề nghị chúng ta phải xem xét lại chủ trương này. Đề nghị Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ cho biết thêm ý kiến của mình về việc này”, ông Nghĩa nêu câu hỏi.

Xem chi tiết tại đây 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top