Aa

Bất động sản 24h: Xử lý nghiêm trường hợp san đồi, lấp hồ để phân lô, bán nền

Thứ Năm, 01/09/2022 - 11:09

Xử lý nghiêm trường hợp san đồi, lấp hồ để phân lô, bán nền; Cái kết thảm khi chạy theo "giấc mơ tỷ phú" nhờ bán đất... là những thông tin bất động sản đáng chú ý trong 24h qua.

Xử lý nghiêm trường hợp san đồi, lấp hồ để phân lô, bán nền

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có công văn gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đề nghị thực hiện ngay những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai trên cả nước.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tích cực chỉ đạo, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp san ủi đồi núi, san lấp hồ ao, bờ sông, bờ suối... để phân lô, bán nền; xây dựng trên đất nông nghiệp trái quy định của pháp luật.

Về xây dựng và vận hành hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các địa phương tập trung nguồn lực đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ; cung cấp dịch vụ công trực tuyến để rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính, phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp, phát triển chính quyền điện tử, chuyển đổi số tiến tới chính phủ số.

Xem thông tin chi tiết tại đây

 

Thị trường đất nền chững lại nhưng vẫn còn dư địa lớn

Hiện tại, thị trường đất nền ven đô Hà Nội - nơi từng là tâm điểm các cơn “sốt nóng” như Thạch Thất, Quốc Oai, Đông Anh, Gia Lâm, Thường Tín, Mê Linh… đang ghi nhận sự sụt giảm mạnh về số người tìm kiếm, quan tâm khiến phông nền chung của thị trường trầm lắng hơn. Tuy nhiên, giá đất vẫn cao, nhất là tại những huyện sắp lên quận, những khu vực mà tuyến đường Vành đai 4 dự kiến đi qua, giá đất bị đẩy lên khoảng 30 - 40 triệu đồng/m²; thậm chí có nơi tăng lên mức gần 100 triệu đồng/m². 

Anh Thanh Hải, môi giới bất động sản tại xã Hồng Vân, huyện Thường Tín cho hay, mấy tháng nay thị trường nhà đất ở khu vực này chững lại, ít giao dịch hơn so với trước đây.

“Dù thị trường đang đi ngang nhưng giá vẫn cao chứ không giảm. Song, giao dịch thì có giảm đi nhiều hơn so với cuối năm 2021. Một tháng nay, tôi vẫn chưa ra được lô đất nào”, anh Hải cho biết.

Xem thông tin chi tiết tại đây

 

Những điểm nghẽn của thị trường bất động sản đang chờ được tháo gỡ

Thời gian qua, tình hình thế giới có nhiều biến động khó lường, đã tác động nhất định tới nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam. Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, giúp nền kinh tế phục hồi, đạt mức tăng trưởng tương đối cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Lần này, chỉ thị 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục đưa ra quan điểm, định hướng giải pháp phát triển bền vững thị trường bất động sản, trong đó có quan điểm không siết tín dụng một cách bất hợp lý và tăng cường thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Xem thông tin chi tiết tại đây

 

Cái kết thảm khi chạy theo "giấc mơ tỷ phú" nhờ bán đất 

Hơn chục năm trước, xã Yên Bài (huyện Ba Vì, Hà Nội) trải qua cơn “sốt đất” đầu tiên. Khi làn sóng này qua đi, hệ lụy nó để lại vẫn là bài học cảnh tỉnh cho nhiều người đến tận bây giờ. Điển hình nhất là câu chuyện của ông Nguyễn Trung Kiên (ở thôn Chóng), người mà hàng chục năm trước nổi lên như một đại gia của xã khi thu được vài tỷ đồng tiền bán đất.

Theo lời kể lại của nhiều người, khi bán đất có tiền, ông Kiên trở nên hào sảng, những cuộc ăn chơi diễn ra đều đặn, bạn bè cũng nhiều lên và hiển nhiên ông luôn là “bao sạch” những cuộc ăn chơi này.

Ông Kiên khiến không ít người ngưỡng mộ, ghen tị vì không chỉ bán đất mà ông còn đầu tư tiền vào đất. Có vốn nhờ bán đất, ông Kiên cũng học đòi đi đầu tư để "ăn theo" cơn sốt đất mỗi ngày mỗi nóng. Ông dồn hết số tiền bán đất trước đó rồi vay thêm cả bên ngoài để đi mua đất ở Hòa Bình. Nhưng do chỉ là "tay ngang", không có kinh nghiệm, ông phải nhận trái đắng khi bị lừa mua đất với giá cắt cổ.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Nhà trọ cho thuê ở Hà Nội khan hiếm nguồn cung khi nhu cầu thực tăng cao

Sau khi nhận được thông báo trúng tuyển vào một trường Đại học ở quận Cầu Giấy, Hà Nội theo diện tuyển thẳng, Đỗ Bích Nhàn (quê Thanh Hóa) đã rục rịch tìm trọ. Với nhu cầu tìm phòng giá rẻ ở mức dưới 1,5 triệu đồng/tháng, không cần quá rộng rãi hay tiện nghi nhưng ưu tiên gần trường, sau nhiều tuần khảo sát giá và hỏi giá ở nhiều nơi, Nhàn vẫn chưa thể ổn định chỗ ở trước thềm năm học mới. 

Nhàn cho hay: “Thực sự tìm trọ rất khó. Em đã thử tìm cả trên mạng xã hội và tự đi vào trong các ngõ nhỏ hỏi thăm người dân nhưng đa phần đều đã hết phòng, đặc biệt phòng có giá dưới 1,5 triệu đồng/ tháng thì lại càng khó tìm. Tờ rơi nhà trọ cho thuê được dán rất nhiều ở nơi công cộng nhưng khi em liên hệ theo số điện thoại thì họ đều trả lời không còn phòng nữa”.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top