Aa

Những điểm nghẽn của thị trường bất động sản đang chờ được tháo gỡ

Thứ Tư, 31/08/2022 - 06:06

Nhiều chuyên gia kinh tế kỳ vọng sau Chỉ thị 13/CT-TTg, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ ngành hành động mạnh mẽ, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Thời gian qua, tình hình thế giới có nhiều biến động khó lường, đã tác động nhất định tới nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam. Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, giúp nền kinh tế phục hồi, đạt mức tăng trưởng tương đối cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Lần này, chỉ thị 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục đưa ra quan điểm, định hướng giải pháp phát triển bền vững thị trường bất động sản, trong đó có quan điểm không siết tín dụng một cách bất hợp lý và tăng cường thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Không chuyển trạng thái đột ngột từ "nới lỏng" sang kiểm soát chặt chẽ

“Không điều hành chính sách "giật cục", không chuyển trạng thái đột ngột từ "nới lỏng" sang kiểm soát chặt chẽ, hoặc ngược lại”, đó là một trong những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thông qua Chỉ thị 13/CT-TTg về một số giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản vừa ban hành mới đây.

Trao đổi với Reatimes, chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cho biết: “Mặc dù đây là những vấn đề đã được bàn thảo lâu nay, song nền kinh tế trong giai đoạn cuối năm rất cần sự hồi phục, tiến tới bứt phá mạnh mẽ hơn. Các doanh nghiệp bất động sản cũng đang trong giai đoạn nước rút để hoàn thành các kế hoạch cuối năm, do đó Chính phủ lại tiếp tục đưa ra Chỉ thị 13/CT-CTg để chỉ đạo hoạt động và tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường này”.

PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế. (Ảnh:Reatimes)

Chia sẻ thêm, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, Chỉ thị 13/CT-TTg đã khẳng định thị trường bất động sản có vai trò rất quan trọng trong việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, ông Thịnh cũng lưu ý, bên cạnh những kết quả đạt được, thời gian qua sự phát triển của lĩnh vực bất động sản cũng bộc lộ nhiều bất cập và điểm “nghẽn” chưa được tháo gỡ khiến thị trường rơi vào trầm lắng. Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã tiếp tục chỉ đạo, đưa ra những giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Một trong những chỉ đạo quan trọng từ Thủ tướng thông qua Chỉ thị này, đó là: “Kiên trì, kiên định, kiên quyết phát triển hệ sinh thái bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững; không siết chặt tín dụng một cách bất hợp lý, nhưng tăng cường kiểm tra, giám sát, không buông lỏng quản lý Nhà nước; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế - dân sự; chủ động phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm những hành vi sai phạm theo đúng quy định của pháp luật, chú ý các hành vi trốn thuế trong kinh doanh bất động sản, không để đổ vỡ, bảo vệ những người làm đúng, bảo vệ, hài hòa lợi ích nhà nước, người dân và doanh nghiệp”.

PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, đây là những điểm vô cùng quan trọng đã được Thủ tướng nhắc đến trong "Hội nghị Phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững", diễn ra hồi tháng 7. Lần này, với những yêu cầu cấp bách nỗ lực thúc đẩy sự hồi phục của lĩnh vực bất động sản cả trong ngắn hạn và tầm nhìn dài hạn, Chính phủ tiếp tục nhắc lại và chỉ đạo quyết liệt, cụ thể hơn.

“Tốc độ hồi phục của nền kinh tế cũng đang diễn ra mạnh mẽ. Tuy nhiên, có những điểm cũng đang chững lại. Đặc biệt, thời gian qua, câu chuyện được nhắc đến nhiều là các doanh nghiệp thiếu vốn sản xuất kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp đòi hỏi nguồn vốn lớn như lĩnh vực bất động sản. Vậy nên việc đưa ra các giải pháp thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế nói chung và khơi thông lĩnh vực bất động sản nói riêng là rất quan trọng”, ông Thịnh nêu quan điểm.

Cũng theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, việc khơi thông nguồn vốn đang là vấn đề căn cốt của doanh nghiệp và trong thời gian từ nay đến cuối năm, Chính phủ sẽ có điều tiết chính sách tín dụng để đáp ứng tốt hơn nhu cầu sử dụng vốn cho các kế hoạch cuối năm. Có thể một vài ngày tới room tín dụng này sẽ được tung ra, hy vọng sẽ phục vụ tốt hơn nhu cầu hồi phục, phát triển của doanh nghiệp và cả nền kinh tế nói chung.

Chỉ thị lần này cũng nêu rõ: “Kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, an toàn, thận trọng, chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, tập trung bảo đảm hiệu quả, quản lý chặt chẽ giá cả, thị trường.

Các bộ, ngành và địa phương tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ giải pháp tại nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Tập trung thực hiện các giải pháp nhằm thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo ra nhiều công ăn việc làm ở nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương; ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế”.

PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cho biết, vai trò quản lý của Nhà nước, điều hành của Chính phủ là rất quan trọng trong việc sử dụng các công cụ chính sách để can thiệp, kiểm soát khi cần thiết, không để tình trạng thao túng thị trường, găm hàng, đội giá, giá bất động sản tăng quá nóng diễn ra.

Tuy nhiên, theo ông Thịnh, việc điều hành này, như chỉ đạo của Thủ tướng, cần được thực hiện khéo léo, hài hòa, dựa trên cơ sở tôn trọng quy luật thị trường, và quy luật cạnh tranh, không siết tín dụng bất hợp lý làm tắc nghẽn động lực phát triển của các doanh nghiệp.

“Nếu chúng ta chuẩn bị các điều kiện đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất - kinh doanh, nhu cầu vốn cuối năm thì chúng ta sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng rất tốt. Đây là yếu tố rất quan trọng nên Chính phủ mới lưu tâm chỉ đạo liên tục, sao cho việc điều phối thị trường diễn ra được linh hoạt”, ông Thịnh chia sẻ.

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong, việc kiểm soát dòng vốn đối với doanh nghiệp bất động sản đang gặp phải một nghịch lý. Đó là việc kiểm soát những tình trạng thao túng thị trường, sử dụng vốn không đúng mục đích cũng làm nghẽn dòng vốn nói chung.

TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế. (Ảnh: Reatimes)

TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương nên xem xét, bổ sung thêm các sắc thuế, phí cần miễn, giảm cho doanh nghiệp và cho các hoạt động kinh tế liên quan đến các nguyên liệu nhập khẩu; kéo dài thời hạn hoãn các khoản phải nộp, phải trả của doanh nghiệp. Đồng thời tăng trần hạn mức tăng trưởng tín dụng cho vay những lĩnh vực cần thiết và có triển vọng phát triển tốt.

"Chính phủ ban hành Chỉ thị 13/CT-TTg và Nghị định 53 sửa đổi nếu thông qua tới đây sẽ là những bước đột phá, kỳ vọng sẽ khơi thông những ách tắc trong tìm kiếm nguồn vốn của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản thời gian qua", TS. Nguyễn Minh Phong nói.

“Thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân”

Chỉ thị 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững tiếp tục nhắc đến vấn đề đang được đông đảo dư luận quan tâm, đó là nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Trong Chỉ thị, Thủ tướng đã giao Bộ Xây dựng nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thành lập tổ công tác để chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đối với nội dung chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp và cải tạo xây dựng lại chung cư cũ.

Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp với các địa phương thực hiện rà soát, bổ sung quy hoạch, bố trí quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân theo đúng quy định pháp luật, thực hiện nghiêm quy định dành quỹ đất 20% trong các dự án nhà ở, khu đô thị và đảm bảo nhu cầu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trên địa bàn.

Cùng với đó là chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp với các địa phương thực hiện rà soát, lập và công bố danh mục các Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ được vay gói hỗ trợ lãi suất 2% thông qua hệ thống ngân hàng thương mại.

Cuối cùng, giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu đề xuất các chính sách để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp. Hoàn thiện và thực hiện công khai hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản.

Chỉ thị 13/CT-TTg mới đây tiếp tục quan tâm đến vấn đề nhà ở xã hội, nhà ở công nhân (Ảnh: Tự Trung)

Đánh giá về chỉ đạo này, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, Chính phủ đang quan tâm rất lớn đến vấn đề nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở dành cho người thu nhập thấp. Bởi đây là lực lượng quan trọng trong việc đáp ứng mục tiêu hồi phục và tăng trưởng của các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh, xây dựng và nền kinh tế nói chung.

Trước đó, tại "Hội nghị Thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp", diễn ra đầu tháng 8, Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ mục tiêu phát triển nhà ở xã hội phù hợp khả năng chi trả của công nhân, người lao động, người thu nhập thấp, người có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì đề án đầu tư, xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội trong giai đoạn từ nay tới năm 2030.

Theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, đến Chỉ thị này, Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo thúc đẩy tăng trưởng nhà ở xã hội. Chúng ta có thể hy vọng lĩnh vực này sẽ có sự lột xác, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người lao động và góp phần vào sự phục hồi, phát triển của nền kinh tế sau đại dịch.

Số liệu từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, năm 2022, thị trường lao động đã dần phục hồi. Nhu cầu lao động gia tăng trở lại, trong đó nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp là gần 1,3 triệu lao động, tăng 18% so với năm 2021. Song, trên thực tế, một số địa phương, ngành nghề vẫn xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung cục bộ. Riêng quý I/2022 thiếu hụt khoảng 120.000 lao động, cao hơn những năm trước khoảng 2 - 3%.

“Thiếu hụt lao động kéo dài khiến không ít doanh nghiệp đang lâm vào cảnh khó khăn, và việc đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng sẽ là bài toán khó đối với các doanh nghiệp và nền kinh tế nói chung. Vì vậy, việc quan tâm tới nhà ở cho người lao động, công nhân sẽ góp phần giải quyết nỗi lo an cư của hàng triệu người, từ đó có thể thu hút thêm các lao động yên tâm đến các nhà máy, công xưởng, công trường để làm việc”, ông Thịnh bình luận.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đến nay mới đạt 7,3 triệu/12,5 triệu m2 theo kế hoạch. Trong đó, nhà ở công nhân là 2,7 triệu m2 tương đương 54.000 căn hộ. Nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp đô thị là 4,6 triệu m2 với 92.500 căn hộ. Cả nước hiện đang tiếp tục triển khai 339 dự án nhà ở xã hội, nhưng tốc độ triển khai rất chậm. 

Cũng tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, các doanh nghiệp và tập đoàn lớn đã đăng ký 1.281.000 căn hộ nhà ở xã hội. Thành công này sẽ giải quyết được nhu cầu nhà ở cho gần 10 triệu công nhân. Trong bối cảnh lĩnh vực này đang gặp khó khăn đối với việc thu hút nguồn vốn đầu tư, việc có nhiều doanh nghiệp lớn cùng tham gia đã mang lại hy vọng lớn cho những người thu nhập thấp.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để thị trường này thực sự được khơi thông, quan trọng nhất là phải tháo gỡ vướng mắc về luật, thủ tục hành chính, đồng thời có tiêu chuẩn, quy chuẩn và có chính sách để hỗ trợ người dân cùng phát triển thì mới đáp ứng được nhu cầu đại đa số và giảm gánh nặng cho Ngân sách Nhà nước.

Những chỉ đạo mạnh mẽ của Thủ tướng Chính phủ rất ý nghĩa trong bối cảnh thị trường bất động sản đang gặp khó khăn, mở ra hy vọng hồi phục và tăng trưởng cho thị trường này cũng như nền kinh tế nói chung./. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top