Aa

Bình Định: Kiểm soát chặt chẽ công tác quản lý về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh

Thứ Bảy, 16/12/2023 - 16:30

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương cần quan tâm, tập trung hơn nữa trong công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh từng bước được kiểm soát.

Trong năm 2023, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp khai khoáng tăng hơn 22% so với cùng kỳ, đạt khoảng 850 tỷ đồng, trong đó nguồn thu ngân sách Nhà nước từ khai thác khoáng sản (chưa tính chế biến và xuất khẩu khoáng sản) tăng do có hoạt động trở lại của một số mỏ titan và khai thác từ các mỏ vật liệu phục vụ các công trình trọng điểm và cao tốc Bắc - Nam; qua đó, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn tỉnh, góp phần phát triển kinh tế -  xã hội tại địa phương.

Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh từng bước được kiểm soát chặt chẽ, đi vào nề nếp. Việc cấp phép khai thác khoáng sản, nhất là cấp phép đối với các mỏ vật liệu xây dựng phục vụ thi công các công trình sử dụng vốn Nhà nước. (Ảnh minh hoạ, nguồn NL)

Bên cạnh những kết quả đạt được thì cũng có những hạn chế trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác và khai thác khoáng sản như: Sự phối hợp giữa các sở, ngành có liên quan với chính quyền địa phương trong bảo vệ khoáng sản chưa khai thác chưa thật sự hiệu quả. Việc cấp phép khai thác các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường để phục vụ thi công công trình mất nhiều thời gian. Một số doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm túc thời gian khai thác, khối lượng khai thác và công tác bảo vệ môi trường, sử dụng xe chở quá tải, quá khổ để vận chuyển khoáng sản, đặc biệt là trong khai thác đá, cát sỏi lòng sông…

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh cho rằng hoạt động khoáng sản phải tuân thủ theo quy định của Luật khoáng sản và pháp luật liên quan, phù hợp quy hoạch khoáng sản, tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương cần quan tâm, tập trung hơn nữa trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo để hoàn thành các nhiệm vụ chính trị UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao trong công tác quản lý khoáng sản.

"Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, đề xuất đơn giản hoá quy trình thủ tục cấp phép khai thác khoáng sản. Chủ động phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các ngành chức năng liên quan khẩn trương hoàn thành hệ thống giám sát khai thác khoáng sản lắp camera được kết nối từ camera tại các khu vực khai thác của các doanh nghiệp đến các cơ quan chức năng (kể cả cơ quan Công an) và UBND cấp huyện, xã nhằm phục vụ công tác quản lý, tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các trường hợp khai thác vượt công suất, khai thác ban đêm. Chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng thông báo, yêu cầu các doanh nghiệp khai thác thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật trong hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng và vận chuyển khoáng sản, bảo vệ môi trường… theo quy định", Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh nhấn mạnh. 

Ông Nguyễn Tuấn Thanh cũng đề nghị Cục Thuế tỉnh và UBND cấp huyện kiểm soát chặt chẽ sản lượng khai thác khoáng sản thực tế của các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản; đối chiếu sản lượng khoáng sản khai thác thực tế với sản lượng kê khai thuế để giám sát việc thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước, đảm bảo thu đúng, thu đủ theo đúng quy định pháp luật.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh 

Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND cấp huyện tăng cường công tác giám sát, kiểm soát chặt chẽ các dự án khai thác khoáng sản có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng rừng; đồng thời tổ chức kiểm tra, thanh tra việc trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để khai thác khoáng sản. Chủ động đề xuất các nội dung liên quan đến việc khai thác cát lòng sông; đồng thời, chủ động nghiên cứu, đề xuất việc nạo vét, thu hồi cát đối với lòng hồ chứa, các công trình thủy lợi, đập dâng… đảm bảo an toàn các công trình.

Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo Thanh tra sở phối hợp với lực lượng chức năng các địa phương có liên quan tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các phương tiện vận chuyển cát, đá, vật liệu xây dựng, hàng hóa vi phạm về tải trọng tham gia giao thông, rơi vãi xuống đường làm ảnh hưởng kết cấu hạ tầng giao thông, ảnh hưởng an toàn giao thông và gây mất vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, khẩn trương thực hiện lắp đặt trạm cân tự động tại một số tuyến đường chính theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

Sở Tài chính tăng cường thẩm tra nguồn gốc các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng, đặc biệt là vật liệu san lấp, sử dụng cho các công trình xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách khi thanh quyết toán; không thanh, quyết toán đối với khối lượng khoáng sản mà không xuất trình được các chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.

Sở Công Thương phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các ngành liên quan thẩm định và kiểm tra các dự án chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh (trừ các nội dung thuộc thẩm quyền của Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh), phải đảm bảo công nghệ tiên tiến, phù hợp với quy hoạch khai thác, chế biến khoáng sản, đảm bảo nguồn nguyên liệu cung cấp cho nhà máy và bảo đảm môi trường.

Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh kiểm tra và kịp thời phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý các hành vi vi phạm trong khai thác khoáng sản tại các Khu công nghiệp, Khu kinh tế Nhơn Hội.

Bên cạnh đó, Công an tỉnh chỉ đạo Công an các địa phương tăng cường công tác tuần tra trên tuyến đường ĐT thuộc địa bàn quản lý, xử lý nghiêm đối với các xe vận chuyển cát vi phạm về tải trọng cho phép tham gia giao thông, xe cơi nới thành thùng để chở hàng vượt quá quy định cho phép, xe làm rơi vãi vật liệu xây dựng… gây nguy cơ hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông cho người và phương tiện, ảnh hưởng vệ sinh môi trường.

Ngoài ta, các Ban quản lý dự án của tỉnh (chủ đầu tư) thực hiện nghiêm túc các biện pháp bảo vệ môi trường trong quá trình khai thác mỏ vật liệu. Triển khai bắt buộc hệ thống kiểm soát khối lượng khai thác; thực hiện nghiêm biện pháp kiểm đếm, giám sát số lượng xe vận chuyển, khối lượng khai thác vật liệu xây dựng thi công công trình, đảm bảo việc sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng đúng theo mục đích phục vụ thi công công trình, dự án đã được UBND tỉnh chấp thuận.

Đối với doanh nghiệp khai thác khoáng sản, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh yêu cầu thực hiện đúng các nội dung yêu cầu trong giấy phép khai thác khoáng sản, các biện pháp bảo vệ môi trường, đảm bảo tải trọng trong quá trình vận chuyển khoáng sản và thời gian khai thác; thực hiện việc lắp đặt trạm cân theo dõi tải trọng, camera giám sát để kết nối với các cơ quan liên quan và UBND cấp huyện, xã nơi có mỏ để theo dõi, quản lý theo quy định.

UBND tỉnh Bình Định đề nghị Ban Quản lý dự án 2 và Ban Quản lý dự án 85 tăng cường trách nhiệm trong việc theo dõi, giám sát hoạt động khai thác mỏ vật liệu của các đơn vị thi công theo đúng phạm vi, tọa độ, diện tích, khối lượng để phục vụ các Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, đoạn qua tỉnh Bình Định do Ban quản lý. Đồng thời, yêu cầu các nhà thầu thi công nghiêm túc tuân thủ đầy đủ các quy trình, quy định, nhất là việc khai thác mỏ vật liệu xây dựng phải đúng mục đích để phục vụ thi công công trình cao tốc đã được cấp có thẩm quyền xác nhận; thực hiện nghiêm túc các biện pháp bảo vệ môi trường trong quá trình khai thác mỏ vật liệu.

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top