Aa

Cần ông chủ quản và "ông thổ công"

Hồng Vũ (thực hiện)
Hồng Vũ (thực hiện) pvhongvu@gmail.com
Thứ Sáu, 25/08/2017 - 06:00

Trao đổi với Reatimes, TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, cần một ông chủ quản về ngành là Bộ Xây dựng để thừa ủy quyền của Chính phủ lo mọi việc, một ông thổ công - thổ địa là thành phố để quản lý chung và cùng xem xét nguyện vọng nhu cầu của mỗi bộ sao cho di dời hợp lý nhất.

PV: Theo chủ trương của Chính phủ, việc di dời trụ sở các cơ quan bộ, ngành ra khỏi các quận nội thành giúp giảm áp lực hạ tầng và giao thông nội đô. Bộ Xây dựng cũng đã đưa ra hai phương án lựa chọn triển khai đầu tư. Cụ thể, một là Chính phủ đầu tư xây dựng toàn bộ các trụ sở xong giao các bộ ngành khai thác sử dụng. Các bộ ngành bàn giao lại toàn bộ cơ sở trong nội thành để nhà nước quản lý, khai thác sử dụng chung. Hai là, Chính phủ giao các bộ ngành chủ động xây dựng trụ sở của bộ ngành trên các ô đất được phân chia theo quy hoạch được duyệt. Cụ thể là tại Mễ Trì và Tây Hồ Tây. Quan điểm của ông về hai phương án này thế nào?

TS. Phạm Sỹ Liêm: Hai phương án này hoàn toàn khả thi, miễn là Chính phủ có tiền. Trước đây, trụ sở các bộ quy hoạch lộn xộn rồi đến khi có quyết định di dời, từng bộ lại lo chuyển đi, có bộ nói là bán trụ sở cũ để xây trụ sở cũ, bộ thì đã có trụ sở mới rồi nhưng vẫn giữ trụ sở cũ như bộ Công an, Bộ Nội vụ. Nói chung bộ nào cũng mở rộng còn nói đến trả trụ sở cũ thì không bộ nào muốn.

Tôi nghĩ là từng trụ sở, từng bộ đều có đặc thù riêng và phải xem xét cụ thể trong việc di dời. Bởi quá trình hoạt động của một bộ có nhiều nhu cầu về trụ sở, nhiều tổ chức chứ không phải có trụ sở của riêng bộ. Một bộ khi thành lập ra thì nào phải có viện nghiên cứu, trung tâm nọ kia chứ không phải chỉ có riêng cục, vụ. Cục và vụ đi rồi, viện còn đó, thành ra họ đều có nhu cầu về trụ sở.

TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng.

TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng (Nguồn: Tuổi trẻ)

Hiện nay, Chính phủ giao cho Bộ Xây dựng là đúng. Bộ Xây dựng phải lo quy hoạch đô thị, làm việc với UBND Hà Nội chứ không phải một mình bộ quyết định được và phải cùng với chủ đất địa phương để bàn cách giải quyết.

Bộ Xây dựng cũng phải xem xét xem yêu cầu của bộ đó có hợp lý không, nếu họ nói hợp lý thì cho họ dùng, khỏi phải đi xây ở đâu nữa. Hay một bộ khác có nhu cầu chỉ dùng một nửa diện tích trụ sở thì lấy cả diện tích để làm gì. Trước đây, diện tích bộ hoạt động mênh mông như thế, bây giờ chỉ có một viện, một cục thì sao chiếm hết được. Tương tự, một bộ khác đi rồi và vẫn để lại một viện thì cũng dồn các viện đó về một trụ sở. Nếu như không có nhu cầu nhưng cứ giữ thì lúc này cần vai trò của Chính phủ cùng vào cuộc.

PV: Theo ông, phương án để Nhà nước xây hay các bộ tự xây trụ sở mới sẽ hợp lý hơn?

TS. Phạm Sỹ Liêm: Theo tôi thì không có một nguyên tắc chung nào cả. Cũng không thể nói với bộ nào đó là đi đi, giao lại chỗ cũ cho Bộ Xây dựng quản lý hoặc UBND Hà Nội quản lý được. Mặt khác cũng không thể để bộ tự xây được bởi lấy tiền đâu mà xây, chính phủ phải đứng ra lo quy hoạch rồi hỗ trợ vốn để các bộ xây. Chính phủ đóng vai trò quy hoạch chững chạc cho đô thị chứ không phải mạnh bộ nào bộ đó xây được.

Theo nguyên tắc thì chúng ta có Chính phủ chứ không phải vô chính phủ, cách giải quyết thế nào đừng để trở thành cách giải quyết vô chính phủ. Như vậy việc di dời bộ ngành cần một ông chủ quản về ngành là Bộ xây dựng để thừa ủy quyền của chính phủ lo mọi việc, một ông là thổ công thổ địa là thành phố để quản lý. Tôi mà là UBND Hà Nội thì phải rành mạch giữa chỗ cũ chỗ mới, chỗ cũ không giải quyết xong thì nhất định sẽ không cấp đất cho chỗ mới.

Bản chất của vấn đề di dời chính là giảm áp lực đông dân, áp lực hạ tầng, giao thông trong nội thành nên mới đưa các bộ có nhiều nhân viên ra ngoài ngoại thành. Một bộ tới vài trăm người làm việc, cứ đi và về như thế chuyện tắc đường là không thể tránh khỏi.

Như vậy thì tại sao sau khi di dời lại đưa một loạt người khác cũng vẫn đông, lại đi làm ngày hai buổi và cũng vẫn khiến tắc đường như thế?! Giống như nồi cơm của Thạch Sanh ăn hết lại đầy, việc di dời không có lợi gì cho việc giải phóng, thông thoát cho khu trung tâm cả.

PV: Vậy theo ông, khi các bộ ngành đã di dời ra ngoại thành thì những trụ sở cũ nên chuyển đổi thành công trình nào để phù hợp với các quy hoạch, quy chế quản lý của thành phố Hà Nội? 

TS. Phạm Sỹ Liêm: Tôi nghĩ Hà Nội đã cấp đất thì những cơ quan nào không đi nhưng chật thì cho họ giãn ra, không tăng thêm người. Đối với các bộ đã chuyển đi và trong khu vực đó hiện đang thiếu trường học thì có thể cải tạo thành trường học, tầng học cho rộng rãi. Hoặc một trụ sở di dời đi để nhường lại trụ sở cho một cơ quan khác đang chật chội là điều cần thiết.

Bộ Xây dựng nắm quy hoạch thì phải hiểu mục đích di chuyển là gì. Mục đích là để giảm áp lực cho trung tâm, giảm bớt người đi, chứ không phải chuyển đi để cho các bộ có trụ sở sang hơn. 

Bên cạnh đó, cơ quan Hà Nội cần chuyển về nằm ở trung tâm để nhân dân dễ tiếp xúc, còn cơ quan của bộ thì cả nước về, ở chỗ này hay chỗ xa hơn đều không quan trọng, miễn là ở Thủ đô. Ngoài ra, không chỉ trụ sở mà còn một số trường đại học hay bệnh viện cũng cần di dời ra ngoại thành, không nhất thiết phải ở trong nội thành.

Trân trọng cảm ơn ông!

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top