Aa

Cổ phiếu HPG bất ngờ bùng nổ, Hòa Phát đi "nước cờ" nào trong năm 2024?

Thứ Tư, 28/02/2024 - 06:00

Những tín hiệu khởi sắc của Hòa Phát - Tập đoàn chủ chốt trong ngành thép cho thấy ngành này đang dần lấy lại đà tăng trưởng. Nhưng vẫn còn nhiều khó khăn khi muốn duy trì tăng trưởng trong năm 2024 như Quý IV/2023 vừa qua.

HPG bùng nổ sau thời gian lặng sóng

Phiên giao dịch ngày 27/2 chứng kiến sự tăng điểm tích cực của nhóm bất động sản và xây dựng. Ngoài nhóm Vingroup đều tăng điểm ( VHM tăng 1.96%, VIC + 1,23%, VRE + 1,54%), đa số các mã cổ phiếu trong nhóm cũng tăng giá, như CEO +4,2%, DIG +3,4%, PDR +2,1%, NLG +2,9%, KDH +2,7%, SZC +4,9%, CTD +2,6%, NTL +5,9%, CII +2,2%...

Dẫn đầu là cổ phiếu của Tập đoàn Hòa Phát (HPG), khớp lệnh hơn 57 triệu đơn vị cổ phiếu và khối ngoại mua ròng hơn 8 triệu cổ phiếu ngay trong phiên sáng.

Cổ phiếu HPG bất ngờ bùng nổ, Hòa Phát đi

HPG tăng giá mạnh và khớp lệnh cao nhất phiên 27/2.

Tính cả phiên, HPG tăng 5,4%, khớp lệnh gần 87 triệu đơn vị, đạt thanh khoản lớn nhất thị trường với hơn 2.600 tỷ đồng được chuyển nhượng. Đây là mức thanh khoản cao nhất của HPG kể từ cuối năm 2022. HPG cũng được khối ngoại mua ròng đột biến lên đến 452 tỷ đồng.

Cùng với HPG, các mã khác trong ngành thép như cũng bật tăng, như HSG tăng 1,78%, NKG (1,69%), POM (1,3%)…

Kết phiên, HPG đã về lại mốc 30.350 đồng/cp, rời khỏi vùng tích lũy từ đầu tháng 11/2023. Như vậy, từ cuối tháng 10/2023 đến nay, HPG đã tăng hơn 30%. Và tiếp tục được kỳ vọng hồi phục mạnh trong năm 2024 và triển vọng dài hạn với dự án Dung Quất 2.

Như Hòa Phát thông báo, ngày 26, 27, 28/3/2024 tới đây, các nhà đầu tư (bao gồm các Công ty chứng khoán, các quỹ đầu tư, nhà đầu tư cá nhân) sẽ tham quan KLH Gang thép Hòa Phát Dung Quất, theo lời mời từ Tập đoàn này.

Điều đáng nói, ngay ngày đầu tiên mở link đăng ký, đã có hơn 500 nhà đầu tư đăng ký tham gia chương trình. Điều này cho thấy sức hút rất lớn của Khu liên hợp gang thép Dung Quất và Tập đoàn Hòa Phát.

Ngành thép đang tăng trưởng trở lại

Những tín hiệu khởi sắc của Hòa Phát - Tập đoàn chủ chốt trong ngành thép cho thấy, sau những khó khăn, ngành này đang dần lấy lại đà tăng trưởng.

Theo SSI Research, quý IV/2023, tổng lợi nhuận ngành thép đạt khoảng 2.500 tỷ đồng, tăng 22% so với quý III/2023. Và tốt hơn so với mức tăng trưởng âm hơn 5.000 tỷ đồng cùng kỳ 2022.

So với cùng kỳ 2022, hầu hết các doanh nghiệp thép đều ghi nhận lợi nhuận hồi phục mạnh mẽ. Nhiều doanh nghiệp có lợi nhuận hồi phục hàng trăm tỷ đồng so với quý cuối năm 2022. Như Tập đoàn Hoa Sen (HSG), Nam Kim (NKG), VNSteel (TVN), Tôn Đông Á (GDA),…

Cổ phiếu HPG bất ngờ bùng nổ, Hòa Phát đi

So với cùng kỳ 2022, hầu hết các doanh nghiệp thép đều ghi nhận lợi nhuận hồi phục mạnh mẽ.

Đặc biệt, Hòa Phát đang dẫn dắt sự phục hồi của ngành, khi ghi nhận doanh thu quý IV/2023 đạt 34.925 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận sau thuế 2.969 tỷ đồng, tăng 249% so với cùng kỳ 2022 và 48 % so với quý trước, theo Báo cáo tài chính quý IV/2023.

Lũy kế cả năm 2023, Hòa Phát đạt 120.355 tỷ đồng doanh thu, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế là 6.800 tỷ đồng, tương ứng hoàn thành 85% kế hoạch năm. Dù chưa đạt mục tiêu đề ra, song kết quả đạt được của Hòa Phát rất đáng kể trong bức tranh kinh tế vô cùng khó khăn năm vừa qua.

Hiện Hòa Phát tiếp tục đầu tư mở rộng các khu công nghiệp hiện có tại Hưng Yên và Hà Nam, tạo thêm quỹ đất sạch và hạ tầng kỹ thuật nhằm phục vụ nhu cầu đầu tư sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Đồng thời, thị trường xuất khẩu thép Hòa Phát cũng mở rộng tới 39 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Với công suất thép thô 8,5 triệu tấn/năm, lớn nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, Hòa Phát dẫn đầu thị phần tại Việt Nam về thép xây dựng, ống thép, Top 5 nhà sản xuất tôn mạ lớn nhất. Đặc biệt, Hòa Phát là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất sản xuất được thép HRC, cáp thép dự ứng lực và nhiều loại thép chất lượng cao.

Cơ hội duy trì tăng trưởng trong năm 2024?

Theo Savills Việt Nam, năm nay Hà Nội đón nhận khoảng 12.100 căn hộ từ 15 dự án mới và 2 dự án chuyển tiếp dự kiến hoàn thành. Các dự án lớn trong tương lai gồm Vinhomes Cổ Loa 385ha, BRG Smart City 272ha và Vinhomes Wonder Park 133ha, sẽ đóng góp 35% nguồn cung tương lai.

Còn nguồn cung mới căn hộ tại TP.HCM sẽ tăng gấp 4 lần so với năm 2023. Trong đó, căn hộ hạng B sẽ chiếm 44% thị phần từ các dự án như Vinhome Grand Park, The Opus One, Eaton Park và The Aurora. Đến năm 2026, có khoảng 116 dự án mở bán tại TP.HCM, đưa nguồn cung căn hộ mới của thành phố lên 40.800 căn.

Chứng khoán MBS dự báo, năm 2024, nguồn cung căn hộ phục hồi sẽ tác động tích cực đến nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng nội địa. Đồng thời, kỳ vọng yếu tố tích cực từ giá thép thế giới và thị trường bất động sản phục hồi từ giữa năm 2024 sẽ thúc đẩy giá thép nội địa. Giá thép xây dựng dự kiến phục hồi lên mức 15 triệu VNĐ/tấn, tăng 8% vào 2024.

MBS cũng cho rằng nhu cầu xây dựng phục hồi ở khu vực EU và Ấn Độ là yếu tố chính để thị trường thép xuất khẩu tăng trưởng trở lại. Trong khi, nguồn cung thép giảm nhẹ 1% so với cùng kỳ do Trung Quốc cắt giảm sản lượng và thị trường thép Thổ Nhĩ Kỳ chưa thể phục hồi. Thì sản lượng xuất khẩu thép Việt Nam dự kiến đạt 11,2 triệu tấn (tăng 7%) vào 2024.

Cổ phiếu HPG bất ngờ bùng nổ, Hòa Phát đi

Hiện tại, Dự án Dung Quất 2 đã đạt 45% tiến độ, đúng theo kế hoạch đã đề ra.

Cùng với giá nguyên vật liệu dự báo giảm nhẹ 6%, là cơ sở để biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp thép hồi phục lên mức 13% trong năm 2024. Cộng với doanh thu dự kiến hồi phục 25% trong bối cảnh sản lượng và giá bán tăng trưởng; và chi phí tài chính giảm 30% khi áp lực tỷ giá và chi phí lãi vay hạ nhiệt, MSB kỳ vọng tổng lợi nhuận các doanh nghiệp ngành thép dự kiến tăng trưởng 40% trong năm 2024.

Song, không còn là câu chuyện mới, ngành thép đang chịu khó khăn chung với nhiều ngành nghề khác, trong bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước vẫn ảm đạm và biến động khó lường. Đặc biệt, thị trường bất động sản vẫn chưa có nhiều khởi sắc, kéo theo khó khăn của ngành xây dựng nên nhu cầu thép trong nước vẫn yếu.

Chưa hết, chi phí nguyên vật liệu biến động tăng trong năm 2023 dự kiến vẫn tiếp tục trong năm nay, có thể khiến tỷ suất lợi nhuận của các nhà máy giảm xuống.

Do vậy, lo ngại xu hướng tăng giá, tăng trưởng của ngành thép Việt Nam như quý IV/2023 sẽ khó duy trì trong năm 2024 là có cơ sở.

Trong bối cảnh dự báo khả quan nhưng nhiều khó khăn vẫn hiện hữu, Tập đoàn Hòa Phát cho biết, sẽ ưu tiên quản trị tốt dòng tiền, hàng tồn kho, sản xuất kinh doanh phù hợp với tình hình thị trường.

Đồng thời bám sát tiến độ đầu tư các dự án lớn, đặc biệt là Khu liên hợp sản xuất gang thép Dung Quất 2. Hòa Phát kỳ vọng, khi dự án hoàn thành, năng lực sản xuất thép của Tập đoàn sẽ đạt hơn 14 triệu tấn thép thô/năm, đưa Hòa Phát vào Top 30 doanh nghiệp thép lớn nhất thế giới từ năm 2025. Hiện tại, Dự án Dung Quất 2 đã đạt 45% tiến độ, đúng theo kế hoạch đã đề ra.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top