Lợi nhuận kinh doanh vẫn sụt giảm
Một loạt "ông lớn" ngành vật liệu xây dựng đều có bức tranh lợi nhuận kinh doanh sụt giảm trong năm 2023. Nguyên nhân được nêu ra là do thị trường bất động sản suy giảm, lĩnh vực vật liệu xây dựng cũng khó khăn trong tiêu thụ, khách hàng thận trọng hơn trong chi tiêu, giá bán giảm...
Tập đoàn Hòa Phát (mã: HPG) báo cáo kết quả kinh doanh quý IV/2023 cho biết, trong quý cuối, doanh thu của tập đoàn ghi nhận đạt 34.925 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.969 tỷ đồng, tăng 249% so với cùng kỳ 2022 và 48 % so với quý trước.
Tuy nhiên, lũy kế cả năm 2023, doanh thu đạt 120.355 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 6.800 tỷ đồng, giảm 19% so với năm 2022, hoàn thành 85% kế hoạch năm.
HPG cho biết, trong thời gian tới, thị trường có khởi sắc nhưng chưa rõ nét do kinh tế trong và ngoài nước còn gặp nhiều khó khăn. Tập đoàn ưu tiên quản trị tốt dòng tiền, hàng tồn kho, sản xuất kinh doanh phù hợp với tình hình thị trường. Đồng thời bám sát tiến độ đầu tư các dự án lớn, đặc biệt là Khu liên hợp sản xuất gang thép Dung Quất 2, đảm bảo kiểm soát hiệu quả các dự án.
Tính tới thời điểm hiện tại, Dự án Dung Quất 2 đã đạt 45% tiến độ, đúng theo kế hoạch đã đề ra. Khi hoàn thành, năng lực sản xuất thép của Tập đoàn sẽ đạt hơn 14 triệu tấn thép thô/năm, đưa Hòa Phát vào Top 30 doanh nghiệp thép lớn nhất thế giới từ năm 2025.
Tổng công ty Viglacera - CTCP (mã: VGC) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023 với doanh thu thuần 3.020 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ, lợi nhuận gộp từ đó cũng giảm 21% về còn 565 tỷ đồng.
Trong kỳ, doanh thu từ hoạt động tài chính giảm 75% về còn gần 6 tỷ đồng, công ty cũng ghi nhận lỗ 16,2 tỷ đồng từ công ty liên doanh, liên kết.
Cùng với việc các loại chi phí duy trì ở mức cao (chi phí quản lý tăng 44%), Viglacera lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 11 tỷ đồng (cùng kỳ lãi thuần 233 tỷ đồng).
Sau khấu trừ thuế, VGC lỗ ròng 48 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 222 tỷ đồng). Đây là quý lỗ đầu tiên kể từ khi công ty công bố thông tin.
Theo giải trình, lợi nhuận của Viglacera giảm mạnh do nhóm kính gặp khó khăn trong công tác tiêu thụ, giá bán giảm, sản lượng tiêu thụ giảm dẫn đến doanh thu giảm. Bên cạnh đó, công ty thực hiện trích 100 tỷ đồng Quỹ phát triển Khoa học và công nghệ theo chủ trương đã được ĐHĐCĐ thông qua.
Lũy kế cả năm 2023, Viglacera báo doanh thu thuần đạt 13.194 tỷ đồng, giảm 10% so với năm 2022. Hầu hết các mảng doanh thu đều suy giảm trong năm qua: Mảng bất động sản (giảm 90%, đạt 100 tỷ đồng), mảng kính gương (giảm 31%, đạt 2.004 tỷ đồng), mảng sứ, sen vòi và phụ kiện (giảm 15%, đạt 925 tỷ đồng), mảng gạch ngói (giảm 25%, đạt 1.270 tỷ đồng). Duy chỉ mảng gạch ốp lát chỉ giảm 3%, đạt 3.459 tỷ đồng.
Như vậy, lợi nhuận trước và sau thuế của công ty lần lượt ở mức 1.602 tỷ đồng và 1.162 tỷ đồng, giảm 30% và 39% so với năm 2022.
Một "ông lớn" khác trong ngành xi măng là Công ty CP Xi măng Vicem Hà Tiên (mã: HT1) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023 với doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm 23% so với cùng kỳ năm trước, xuống 1.783 tỷ đồng.
Giá vốn giảm mạnh hơn ở mức 24%, biên lãi gộp đạt 10%, nhỉnh hơn mức 9% của quý IV/2022. Lợi nhuận gộp sau khi trừ giá vốn ghi nhận 179,9 tỷ đồng, giảm ở mức 14%. Bên cạnh đó, nhà sản xuất này còn chịu áp lực về chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp. Kết quả, HT1 ghi nhận lợi nhuận sau thuế ở mức 54 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo văn bản giải trình kết quả kinh doanh, đơn vị này cho biết nguyên nhân lợi nhuận sau thuế giảm trong quý cuối năm 2023 là do sản lượng tiêu thụ xi măng giảm hơn 17% so với cùng kỳ năm 2022, kết quả làm lợi nhuận gộp giảm 30 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Lũy kế cả năm, doanh thu thuần của HT1 đạt hơn 7.000 tỷ đồng, giảm 21%. Công ty báo lãi vỏn vẹn 17 tỷ đồng, giảm hơn 93% so với mức thực hiện năm 2022.
Kế hoạch kinh doanh năm 2024 đầy thận trọng
Bước sang năm 2024, ngành vật liệu xây dựng đặt nhiều kỳ vọng vào những nỗ lực thúc đẩy đầu tư công. Bởi từ những tháng cuối năm 2023 đến đầu năm 2024, Chính phủ đã và đang quyết liệt chỉ đạo thúc đẩy đầu tư công. Nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm được triển khai, cùng việc thông qua quy hoạch nhiều dự án hạ tầng công nghiệp, đô thị.
Với những dự án đầu tư công lớn đã và đang triển khai như cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành, mở rộng xây dựng, hoàn thiện các đường vành đai sẽ giúp cho ngành xây dựng hạ tầng được hưởng lợi lớn trực tiếp trong năm 2024. Bộ GTVT chỉ đạo các chủ đầu tư tăng tỷ lệ sử dụng cầu cạn bê tông cốt thép đối với các dự án đường bộ cao tốc đang trong giai đoạn thiết kế, đặc biệt là ở những vùng có yêu cầu thoát lũ, vùng đất yếu và những vùng thiếu vật liệu đắp nền đường.
Bên cạnh đó, việc Quốc hội chính thức thông qua các dự thảo luật sửa đổi, bổ sung liên quan đến bất động sản như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đầu tư trong năm 2023 cùng với những nghị quyết, nghị định, thông tư... tháo gỡ khó khăn, sẽ có tác động tích cực đến khả năng phục hồi và tăng trưởng đối với vật liệu xây dựng.
Tuy nhiên, trước những khó khăn còn tồn tại, các doanh nghiệp vật liệu xây dựng đều chủ động đặt kế hoạch kinh doanh năm 2024 đầy thận trọng. Với Viglacera, trong năm 2024, doanh nghiệp này đưa ra các giải pháp nhằm giữ vững hiệu quả kinh doanh như bám sát và đánh giá kịp thời diễn biến thị trường, từ đó điều tiết chủng loại sản phẩm và sản lượng sản xuất theo nhu cầu thị trường. Đồng thời tiết giảm chi phí sản xuất, giảm lượng tồn kho, đẩy mạnh công tác bán hàng, tập trung tái cơ cấu mạnh mẽ về sản phẩm cũng như hoạt động quản trị công ty.
Song song với đó sẽ tiếp tục nghiên cứu phát triển các sản phẩm mẫu mã mới theo hướng xanh, thân thiện môi trường, giúp người tiêu dùng tiết giảm tối ưu chi phí sử dụng năng lượng như kính tiết kiệm năng lượng, kính siêu trắng, gạch bê tông khí chưng áp, đá nung kết…
Còn Vicem đặt mục tiêu trong năm 2024 sản xuất clinker khoảng 17,03 triệu tấn, tăng 3% so với thực hiện năm 2023. Tổng sản lượng tiêu thụ xi măng, clinker khoảng 24,31 triệu tấn, tăng 7,7%, trong đó, tiêu thụ xi măng trong nước khoảng 18,57 triệu tấn, tăng trưởng 5,3% so với thực hiện năm 2023, tổng doanh thu khoảng 29.814 tỷ đồng, giảm 1,2% so với năm 2023.
Về lợi nhuận, lãnh đạo Vicem cho rằng do khó dự đoán về biến động giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào (trong đó giá bán điện có thể tăng tiếp) và cầu xi măng chưa phục hồi, nên các doanh nghiệp trong hệ thống Vicem đang phân tích, đánh giá kỹ lưỡng thông tin và điều kiện thực tế hoạt động, rà soát tiết giảm tối đa các chi phí để xây dựng kế hoạch lợi nhuận ở mức cao nhất có thể.
Ngoài ra, chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Việt Thắng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hòa Phát cho biết: "2024 sẽ là năm khởi động của ngành thép sau khi đã chạm đáy vào năm 2023. Thị trường sẽ bắt đầu vào đà phục hồi từ năm 2025. Chúng tôi lên kế hoạch tăng sản lượng thép trong năm nay trên 10% với kỳ vọng tăng trưởng tiêu thụ cũng ở mức tương tự".