Aa

Đà Nẵng: "Thu 1 phải trả 8" nên khó đòi lại Sân vận động Chi Lăng

Thứ Năm, 21/03/2024 - 11:30

TP. Đà Nẵng bày tỏ nguyện vọng hoàn trả số tiền 1.251 tỷ đồng mà Tập đoàn Thiên Thanh đã nộp vào ngân sách để chuộc lại "chảo lửa" Chi Lăng nhưng Ngân hàng Xây dựng "nói không" và đưa ra con số 8.408 tỷ đồng. Số tiền phải trả rất lớn nếu muốn đòi lại Sân vận động Chi Lăng, trong khi đây cũng là tài sản thi hành án...

Sân vận động (SVĐ) Chi Lăng có diện tích hơn 5,5ha được bao quanh bởi các tuyến đường Lê Duẩn - Ngô Gia Tự - Hùng Vương - Chi Lăng (thuộc Q. Hải Châu, TP. Đà Nẵng). Đây là khu "đất vàng" nằm ngay giữa trung tâm thành phố nhưng do dính đến vụ án Phạm Công Danh, Tập đoàn Thiên Thanh nên suốt nhiều năm qua, khu đất này bị "xẻ" nhỏ cho các dịch vụ đỗ xe, tập gym...

Đà Nẵng: "Thu 1 phải trả 8" nên khó đòi lại Sân vận động Chi Lăng- Ảnh 1.

Sân vận động Chi Lăng được UBND TP. Đà Nẵng bán cho Tập đoàn Thiên Thanh từ năm 2010. (Ảnh: Huy Hoàng)

"Đất vàng" bị mắc kẹt

Theo đó, vào năm 2010, TP. Đà Nẵng đã bán SVĐ Chi Lăng cho Tập đoàn Thiên Thanh để xây dựng Khu phức hợp thương mại và dịch vụ cao tầng. Thay vì triển khai dự án, không hiểu bằng cách nào, SVĐ này lại được chia thành 14 lô và đã cấp 10 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 10 công ty thành viên của Tập đoàn Thiên Thanh.

Đến năm 2013, 2014, các công ty này thế chấp các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để vay vốn ngân hàng. Tháng 7/2014, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng thương mại cổ phần Xây dựng Việt Nam (VNCB), Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh cùng một số lãnh đạo VNCB và Tập đoàn này bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

Theo bản án số 30 ngày 24/1/2017 của TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh, nhiều tài sản là bất động sản của Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh bị kê biên để đảm bảo thi hành án, trong đó có SVĐ Chi Lăng. Tiếp đó, Cục Thi hành án dân sự TP. Hồ Chí Minh ủy thác cho Cục Thi hành án dân sự TP. Đà Nẵng thi hành bản án của Phạm Công Danh và đồng phạm, xử lý tài sản thế chấp là các lô đất thuộc khu vực SVĐ Chi Lăng. Tuy nhiên, việc thi hành án đối với SVĐ Chi Lăng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về mặt pháp lý.

Đà Nẵng: "Thu 1 phải trả 8" nên khó đòi lại Sân vận động Chi Lăng- Ảnh 2.

Sân vận động Chi Lăng là khu "đất vàng" hơn 5,5ha nằm ngay trung tâm thành phố được bao quanh bởi các tuyến đường Lê Duẩn - Ngô Gia Tự - Hùng Vương - Chi Lăng (thuộc Q. Hải Châu, TP. Đà Nẵng). (Ảnh: HX)

Nguyên nhân là vì tài sản thế chấp là 10 lô đất trong Khu phức hợp SVĐ Chi Lăng. Nhưng theo Luật Đất đai 2003, Khu phức hợp này thuộc diện đất sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nên thời hạn sử dụng đất có thời hạn.

Trong khi đó, 10 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất tại dự án này được cấp năm 2011 với thời hạn sử dụng đất lâu dài là vi phạm pháp luật đất đai về thời hạn sử dụng đất. Căn cứ kết luận của Thanh tra Chính phủ, TP. Đà Nẵng phải thu hồi những "sổ hồng" này để điều chỉnh thời hạn sử dụng đất phù hợp với quy định…

Đà Nẵng: "Thu 1 phải trả 8" nên khó đòi lại Sân vận động Chi Lăng- Ảnh 3.

Sân vận động Chi Lăng là tài sản được kê biên để đảm bảo thi hành án bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án Nhân dân cấp cao tại TP.HCM liên quan đến Tập đoàn Thiên Thanh và Phạm Công Danh. (Ảnh: Huy Hoàng)

Theo ghi nhận của PV Reatimes, hơn 10 năm kể từ khi được bán cho Tập đoàn Thiên Thanh, hiện trạng "chảo lửa" Chi Lăng một thời giờ quá hoang tàn, nhếch nhác. Dẫu phía trong sân vẫn có các đội bóng phong trào và người dân tập luyện, thi đấu. Do bị bỏ hoang quá lâu nên tất cả các hạng mục đều xuống cấp. Tại khu vực khán đài A, hệ thống khung sắt mái che rỉ rét, nằm trơ trọi giữa bầu trời, các dãy ghế rêu phong bao phủ hết. Khu vực khán đài B cỏ mọc um tùm, hàng cây bồ đề tỏa khắp nơi, nhìn không khác khu rừng. Khuôn viên ngoài sân bóng được làm bãi đậu xe.

Đà Nẵng: "Thu 1 phải trả 8" nên khó đòi lại Sân vận động Chi Lăng- Ảnh 4.

Do bị bỏ hoang quá lâu nên tất cả các hạng mục của sân Chi Lăng đều xuống cấp. (Ảnh: Huy Hoàng)

Trong khi đó, mặt bằng khu vực phía trước SVĐ có phần thông thoáng hơn khi cơ quan chức năng tiến hành tháo dỡ các công trình, nhà ở xung quanh để trả mặt bằng cho đơn vị thi hành án. Tuy nhiên, vẫn còn một số ngôi nhà chưa tháo dỡ, người dân vẫn tận dụng để kinh doanh, buôn bán.

Nỗ lực "bất thành" với con số hoàn trả lên đến 8.408 tỷ đồng

Đến nay, TP. Đà Nẵng vẫn giữ nguyên quan điểm muốn giữ lại "chảo lửa" Chi Lăng. Bằng chứng là Đà Nẵng nhiều lần bày tỏ mong muốn chuộc lại SVĐ để phục vụ hoạt động thể dục thể thao hay tạo không gian phát triển mới cho khu trung tâm thành phố.

Đơn cử như từ năm 2018, UBND TP. Đà Nẵng đã có công văn số 9227/UBND-STP gửi Thủ tướng Chính phủ để báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo xử lý các khó khăn, vướng mắc liên quan đến quyền sử dụng đất tại khu phức hợp SVĐ Chi Lăng.

Đà Nẵng: "Thu 1 phải trả 8" nên khó đòi lại Sân vận động Chi Lăng- Ảnh 5.

Trên khán đài B, sắc áo cam một thời của người hâm mộ bóng đá sông Hàn giờ đây cây cỏ mọc cao um tùm. (Ảnh: Huy Hoàng)

Đà Nẵng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chính quyền địa phương được giữ lại toàn bộ diện tích đất tại SVĐ Chi Lăng thông qua thi hành án bằng cách tự nguyện, thỏa thuận với bên được thi hành án. Đổi lại, Đà Nẵng sẽ chuyển trả toàn bộ tiền sử dụng đất mà các doanh nghiệp thực nộp vào ngân sách khi được giao khu đất nói trên để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán của người sử dụng đất có đất đang bị thế chấp. Số tiền sử dụng đất Đà Nẵng thực tế thu nộp ngân sách nhà nước khi giao quyền sử dụng đất là 1.251 tỷ đồng.

Tuy nhiên, gần 6 năm qua, kế hoạch chuộc lại SVĐ Chi Lăng của Đà Nẵng vẫn chưa thể thực hiện do vướng các quy định pháp luật liên quan. Người dân vẫn không khỏi xót xa khi nhìn "chảo lửa" một thời này hoang phế, đổ nát.

Đà Nẵng: "Thu 1 phải trả 8" nên khó đòi lại Sân vận động Chi Lăng- Ảnh 6.

Hàng cây bồ đề như rừng ở khán đàn B sân Chi Lăng. (Ảnh: Huy Hoàng)

Liên quan đến vấn đề này, Phó giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TP. Đà Nẵng Võ Nguyên Chương, cho biết sau khi thành phố có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ nêu rõ nguyện vọng xin phép giữ lại SVĐ Chi Lăng vào năm 2018, Tổng cục Thi hành án thuộc Bộ Tư pháp đã tổ chức phiên làm việc. Tuy nhiên, tại phiên làm việc, thành phố và Ngân hàng Xây dựng "không gặp nhau" trong quan điểm, có những xung đột về mặt lợi ích kinh tế nên việc thương lượng không thành.

Đà Nẵng: "Thu 1 phải trả 8" nên khó đòi lại Sân vận động Chi Lăng- Ảnh 7.

Rác thải nằm khắp nơi trong sân Chi Lăng. (Ảnh: Huy Hoàng)

"Quan điểm của thành phố là xin giữ lại sân Chi Lăng và hoàn trả số tiền mà Tập đoàn Thiên Thanh đã nộp vào ngân sách là 1.251 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại thời điểm thương lượng, Ngân hàng Xây dựng yêu cầu trả 8.408 tỷ đồng, trong đó cả tiền gốc và lãi phát sinh. Ngoài ra, trong 10 giấy chứng nhận đó thì có 1 giấy chứng nhận cũng đã được thế chấp tại Ngân hàng Xây dựng với tổng số tiền cả gốc lẫn lãi tính đến thời điểm thương lượng là 317 tỷ đồng. Như vậy, mức đưa ra của thành phố và số tiền Phạm Công Danh vay thể hiện trên hồ sơ vay của ngân hàng không có điểm gặp nhau", ông Võ Nguyên Chương, nói.

Đà Nẵng: "Thu 1 phải trả 8" nên khó đòi lại Sân vận động Chi Lăng- Ảnh 8.

Thanh tra Chính phủ kết luận dự án Khu phức hợp thương mại và dịch vụ cao tầng tại sân vận động Chi Lăng có nhiều sai phạm. (Ảnh: Huy Hoàng)

Đà Nẵng: "Thu 1 phải trả 8" nên khó đòi lại Sân vận động Chi Lăng- Ảnh 9.

Đường Chi Lăng phía ngoài dự án đang là chỗ đậu đỗ xe tự phát, cùng nhiều hàng quán lấn chiếm vỉa hè. (Ảnh: Huy Hoàng)

Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng, SVĐ Chi Lăng là tài sản thi hành án nên thành phố không thể sử dụng quyền của Nhà nước để can thiệp, xử lý vấn đề có liên quan. Mặt khác, Đà Nẵng cũng là một trong những đối tượng phải chấp hành theo các bản án đã hiệu lực. Kết luận của Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra, đối với SVĐ Chi Lăng và một số dự án khác, việc thành phố áp dụng giảm 10% tiền sử dụng đất là chưa phù hợp quy định của pháp luật, với tổng số tiền 139,3 tỷ đồng. Số tiền này phải thu hồi, nộp vào ngân sách Nhà nước.

Đà Nẵng: "Thu 1 phải trả 8" nên khó đòi lại Sân vận động Chi Lăng- Ảnh 10.

Cảnh quan và môi trường bị ảnh hưởng từ việc tháo dỡ nhà kéo dài. (Ảnh: Huy Hoàng)

Đà Nẵng: "Thu 1 phải trả 8" nên khó đòi lại Sân vận động Chi Lăng- Ảnh 11.

Xà bần chất đống trong quá trình tháo dở. (Ảnh: Huy Hoàng)

"Với người dân Đà Nẵng, SVĐ Chi Lăng có một ý nghĩa đặc biệt, bởi địa danh lịch sử này gắn liền với đời sống tinh thần của họ suốt nhiều thập kỷ qua. Đến thời điểm này, quan điểm của TP. Đà Nẵng vẫn giữ nguyên đó là muốn giữ lại SVĐ Chi Lăng", ông Võ Nguyên Chương, khẳng định.

Cũng theo ông Chương, sau quá trình giải tỏa bốn mặt tiền SVĐ Chi Lăng, còn 8 hộ và 2 doanh nghiệp còn ở trên đất. Bên cạnh đó, dự án trên vẫn chưa có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, mà quy hoạch là quyền của Nhà nước.

Đà Nẵng: "Thu 1 phải trả 8" nên khó đòi lại Sân vận động Chi Lăng- Ảnh 12.

Tòa nhà cao tầng ngay góc sân đường Ngô Gia Tự chưa được tháo dỡ. (Ảnh: Huy Hoàng)

Đà Nẵng: "Thu 1 phải trả 8" nên khó đòi lại Sân vận động Chi Lăng- Ảnh 13.

Ở góc đường Hùng Vương cũng còn nhiều ngôi nhà chưa giải tỏa. (Ảnh: Huy Hoàng)

Ông Lê Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng thông tin rằng kiến nghị về SVĐ Chi Lăng của thành phố đang vướng trong việc thực hiện Kết luận thanh tra, Kết luận bản án và các đối tượng điều tra. Hiện hồ sơ đã được trình Bộ Chính trị xin ý kiến.

"Được biết, Bộ Chính trị đã xem xét và sẽ có văn bản trả lời sớm cho Chính phủ để hướng dẫn địa phương. Sau khi có thông tin chính thức, thành phố sẽ công bố rộng rãi", ông Lê Quang Nam, nói thêm về tình cảnh của SVĐ Chi Lăng tính tới thời điểm 20/3/2024.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top