Aa

Quản lý đất đai và câu chuyện "sổ trắng" ở Đà Nẵng - Kỳ 3: Hợp thức hóa quyền của người dân

Chủ Nhật, 10/03/2024 - 08:00

Về cơ bản, khái niệm "sổ trắng" này chính là các giấy tờ tạm, giấy tờ lưu cữu từ các giai đoạn quản lý cũ và không có giá trị pháp lý chính thức trong việc công nhận quyền sử dụng đất và nhà ở.

LTS: Đà Nẵng bắt đầu tách khỏi đơn vị hành chính cũ - tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng từ năm 1997. Chỉ hai năm sau đó, địa phương này vượt lên thành đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương, với tốc độ tăng trưởng đô thị diễn tiến hàng tuần.

Ấn tượng nhất của Đà Nẵng, là đến năm 2000, địa phương cơ bản hoàn tất việc đăng ký quyền sở hữu đất đai của người dân trên địa bàn, vấn đề mà nhiều tỉnh, thành khác khó làm được. Vậy Đà Nẵng đã làm thế nào, thật sự là câu chuyện đáng quan tâm, nhất là trong bối cảnh hiện nay, Luật Đất đai sửa đổi được áp dụng, yêu cầu kiểm soát dữ liệu quản lý đất đai của các tỉnh, thành được đặt ra.

Trên tinh thần nghiên cứu nhằm khơi dậy những cách làm hay, sáng tạo, dám nghĩ dám làm vì mục tiêu phát triển thành phố… của cán bộ, công chức ở Đà Nẵng thời bấy giờ, Reatimes khởi đăng loạt bài "Quản lý đất đai và câu chuyện "sổ trắng" ở Đà Nẵng" của nhà báo Nguyên Đức viết riêng cho độc giả Reatimes.

Quản lý đất đai và câu chuyện

Đô thị Đà Nẵng trên đường phát triển

Thực tế trong quan niệm của người dân, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ lâu đã được "mặc định" một số tên gọi thông qua màu sắc giấy tờ, như sổ đỏ, sổ hồng. Trong đó, khái niệm "sổ trắng" được dùng để chỉ một số giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định ở Luật Đất đai năm 2013 và theo một số văn bản hướng dẫn, như các văn tự mua bán trao đổi nhà đất có chứng nhận của cơ quan thuộc chế độ cũ, bằng khoán điền thổ, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời cấp trước ngày 15/10/1993. Về cơ bản, khái niệm "sổ trắng" này chính là các giấy tờ tạm, giấy tờ lưu cữu từ các giai đoạn quản lý cũ và không có giá trị pháp lý chính thức trong việc công nhận quyền sử dụng đất và nhà ở.

Sáng kiến của riêng TP. Đà Nẵng giai đoạn sau năm 1999, là đưa ra mẫu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời, cũng được người dân gọi là "sổ trắng". Đây là giấy tờ được chính quyền Đà Nẵng chính thức ban hành, có giá trị chứng nhận quyền sử dụng đất hợp pháp của người dân, ghi rõ: "Giấy chứng nhận tạm thời quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở (không có giá trị thực hiện việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, thế chấp và góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất)".

Quản lý đất đai và câu chuyện

"Sổ trắng" - sáng kiến hợp lòng dân TP. Đà Nẵng giai đoạn đầu thực hiện chỉnh trang đô thị. (Ảnh: N.Đ)

Ông Nguyễn Điểu, nguyên Giám đốc Sở Địa chính Đà Nẵng từng nhìn nhận, ý kiến ban hành mẫu giấy chứng nhận tạm thời này đã được các cơ quan quản lý địa phương đưa ra, bàn bạc rất kỹ trong giai đoạn có nhiều chuyển biến và đột phá phát triển của thành phố. Ông Nguyễn Bá Thanh, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng lúc đó xác định đây là giải pháp cần thiết để thực hiện công tác quản lý đất đai trên địa bàn, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân về quyền sở hữu nhà ở và sử dụng đất ở theo Nghị định 60-CP ban hành ngày 5/7/1994. Việc cấp giấy chứng nhận tạm thời, được vận dụng cho mọi hộ gia đình có nhà và đất ở thực thụ, có đủ các điều kiện pháp lý theo quy định của pháp luật, không có tranh chấp đất đai với người khác cũng như không nằm trong các diện đất bị thu hồi, thuộc các dự án chỉnh trang đô thị Đà Nẵng…

Quan trọng hơn, để thực hiện được nghiêm công tác quản lý giấy tờ đất đai, Đà Nẵng triển khai việc cấp giấy chứng nhận sử dụng đất cho người dân không chỉ với những hộ dân có nhu cầu. Quyết định số 80 của UBND TP. Đà Nẵng ghi rõ: "Tất cả tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang sở hữu, sử dụng nhà ở, sử dụng đất ở mà chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở (sau đây gọi chung là giấy chứng nhận) theo Nghị định 60-CP phải có trách nhiệm kê khai, đăng ký tại UBND xã, phường sở tại để được xét cấp giấy chứng nhận theo quy định này".

Như vậy, việc cấp giấy tạm thời cho người dân Đà Nẵng được tiến hành, vừa đảm bảo quyền lợi người dân, vừa là trách nhiệm thực thi của người dân với công tác quản lý Nhà nước địa phương. Chính chỉ đạo chủ động đưa ra yêu cầu này của lãnh đạo địa phương, đã tạo nên một động lực lớn cho Đà Nẵng, chỉ sau một thời gian ngắn, hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân trên toàn địa bàn.

Quản lý đất đai và câu chuyện

Thi công xây dựng cầu Rồng. (Ảnh: N.P)

Số liệu của địa phương cho thấy, nếu đến giữa năm 1999, Đà Nẵng chỉ mới cấp được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho khoảng 40% số hộ dân trên địa bàn, tập trung chính ở quận Hải Châu, Thanh Khê và huyện Hòa Vang, thì cuối năm 2001, xem như 100% số hộ dân Đà Nẵng đã lưu trú ổn định, hội đủ các điều kiện pháp lý theo quy định, được nhận giấy chứng nhận sử dụng đất tạm thời. Phạm vi cấp giấy này, còn lan tỏa ra những khu vực mới đô thị hóa, đang tiến hành chỉnh trang đô thị tại quận Liên Chiểu, Sơn Trà và hầu hết ở huyện Hòa Vang. Một điểm đáng lưu ý là tại các dự án đầu tư chỉnh trang đô thị và phát triển mới, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời phát huy hiệu quả rất rõ ràng, khi người dân chưa có đủ điều kiện làm tròn các nghĩa vụ thuế đều được "cho ghi nợ tiền sử dụng đất".

Có thể nói, trong giai đoạn từ sau năm 2001, con số hàng ngàn "sổ trắng" được ban hành tại Đà Nẵng, là đồng nghĩa với hàng ngàn hộ dân Đà Nẵng được công nhận quyền sử dụng nhà và đất ở hợp pháp, được tham gia đóng đầy đủ thuế đất đai hằng năm về sau. Người dân không còn lúng túng vì không được xác định quyền sở hữu hợp pháp; còn chính quyền đạt được mục tiêu kiểm soát, quản lý đăng ký được quyền sử dụng đất toàn dân. Đồng thời, chính quyền và người dân Đà Nẵng còn phối hợp thực hiện được trách nhiệm nghĩa vụ thuế đất trong dân, tăng rõ rệt nguồn thu thuế đất đai hằng năm vốn bị thất thu nếu người dân vẫn không được chứng nhận quyền sử dụng đất đai theo luật định./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top