Aa

Địa ốc Alibaba: Một mặt trả lại tiền nhận chỗ cho khách hàng, mặt khác dùng “chiêu” mới để bán đất

Thứ Tư, 29/11/2017 - 20:30

Công ty Địa ốc Alibaba dường như đang thể hiện sự mâu thuẫn trong cách làm việc khi vừa có thông báo trả lại tiền nhận chỗ cho khách hàng không đồng ý chuyển cọc nhưng cũng đồng thời có động thái phớt lờ các chỉ đạo, cảnh báo của cơ quan nhà nước để tiếp tục bán đất.

Theo đó, sau cơn “địa chấn dư luận” xuất phát từ việc tự nhận là chủ đầu tư, nhận đặt cọc và cam kết pháp lý cho dự án thuộc Khu đô thị Tây Bắc, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP.HCM, ngày 27/11, Công ty CP Địa ốc Alibaba có thông báo về việc trả lại tiền đặt chỗ dự án Tây Bắc Củ Chi đối với khách hàng không đồng ý chuyển cọc.

Theo thông báo này, thời gian bắt đầu chi trả tiền đặt chỗ từ 9h sáng ngày 28/11/2017. Khách hàng khi đến nhận tiền mang theo: Phiếu thu, Phiếu biên nhận đặt chỗ, CMND, Giấy ủy quyền nếu khách hàng ủy quyền cho người khác nhận tiền thay.

Alibaba điều chỉnh thông tin chủ đầu tư sau khi bị phanh phui tự xưng chủ đầu tư dự án Tây bắc Củ Chi để bán hàng

Alibaba điều chỉnh thông tin chủ đầu tư sau khi bị phanh phui tự xưng chủ đầu tư dự án Tây bắc Củ Chi để bán hàng

Lẽ thường, trước những cảnh báo, chỉ đạo dồn dập các cơ quan chức năng và các đơn vị hiệp hội về hoạt động đáng nghi ngờ của doanh nghiệp mình, khi chấp nhận trả lại tiền nhận chỗ cho khách hàng, Địa ốc Alibaba đã nhận ra tính nghiêm trọng của vấn đề cũng như sai phạm của mình.  

Dẫu cho lãnh đạo công ty từng tuyên bố tại buổi lễ mở bán chính thức trước đó rằng sẽ đưa ra được bằng chứng để chứng minh sự “trong sạch” của mình, thì để phục vụ công tác điều tra, trước tiên doanh nghiệp phải tạm dừng các hoạt động được cho là vi phạm.

Tuy nhiên, song song với việc trả lại tiền nhận chỗ cho khách hàng, doanh nghiệp địa ốc này vẫn ngang nhiên tiếp tục rao bán đất nền dự án.

Sau khi bị phanh phui tự xưng là chủ đầu tư dự án, dù chưa “chính chủ” nhưng vẫn mở bán thì nay địa ốc Alibaba đã ghi trong phần giới thiệu về chủ đầu tư dự án Tây Bắc Củ Chi “Chủ đầu tư: Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba đang trong quá trình xin hoàn thiện thủ tục xin làm chủ đầu tư”!

Động thái này của Địa ốc Alibaba chẳng khác nào “huề vốn”, “thả” chỗ này để “bắt” chỗ kia, cố chấp hành động trái luật. Bởi lẽ, dù tự nhận là công ty đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục xin làm chủ đầu tư, thì thực tế vẫn chưa chính thức là chủ đầu tư dự án.

Sự ngang nhiên làm trái pháp luật của Địa ốc Alibaba còn thể hiện ở việc ngày 26/11, công ty này còn tổ chức buổi bán hàng tập trung quy mô lớn, giới thiệu dự án Tân Thành, Bà Rịa – Vũng Tàu dù cho trước đó 10 ngày (tức ngày 16/11), Giám đốc Sở Xây dựng đã chỉ đạo lực lượng thanh tra Sở vào cuộc kiểm tra hoạt động bán đất nền của công ty.  

Cũng thời điểm trên, UBND TP đã có văn bản chỉ đạo giao Sở Xây dựng chủ trì, cùng Sở Tài nguyên môi trường, Ban Quản lý khu đô thị Tây Bắc kiểm tra hoạt động của Công ty Alibaba Tây Bắc TP.HCM về dự án Alibaba Tây Bắc huyện Củ Chi, báo cáo, đề xuất hướng xử lý trình UBND thành phố.

Tại buổi lễ mở bán chính thức, ông Nguyễn Thái Luyện cho rằng nếu công ty không làm chủ đầu tư được dự án sẽ hoàn trả 100% tiền cho khách hàng, kèm theo lãi suất 3%/tháng. Nếu thuận lợi, Alibaba sẽ đem lại lợi nhuận cho người mua nhà 25%/năm.

CEO Nguyễn Thái Luyện của Công ty địa ốc Alibaba đưa ra

Tại các lễ mở bán, CEO Nguyễn Thái Luyện của Công ty địa ốc Alibaba đều đưa ra cam kết lợi nhuận để "câu" khách hàng.

Tuy nhiên, trong bản "hợp đồng mẫu" mà nhân viên Công ty Alibaba cung cấp, không hề có bất cứ điều khoản nào liên quan tới việc cam kết lợi nhuận. Thực tế, công ty này sử dụng một bản phụ lục tách rời hợp đồng. Bản phụ lục này có dấu đỏ và chữ ký của ông Nguyễn Thái Lĩnh, với chức vụ Giám đốc công ty.

Trong phụ lục hợp đồng nói trên, chỉ có một số thông tin cơ bản về Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba, người đại diện công ty và nội dung: "Công ty cam kết thu mua lại lợi nhuận 28%/12 tháng trên số tiền đầu tư khi khách hàng đầu tư vào dự án Alibaba Long Phước 5 — Nơi đầu tư chắc ăn".

Theo luật sư Lê Ngô Trung, Đoàn luật sư TP.HCM, về nguyên tắc, phụ lục hợp đồng này không có hiệu lực pháp lý. Bởi một bản phụ lục hợp đồng ít nhất phải thể hiện rõ là phụ lục của hợp đồng nào ("phụ lục số… của hợp đồng số…"), chỉnh sửa hay bổ sung phần nào của hợp đồng đó…

Trước thắc mắc của khách hàng tại sao Alibaba chưa là chủ đầu tư của dự án Tây Bắc Củ Chi mà đã mở bán dự án này, ông Luyện nói đây là thỏa thuận dân sự giữa hai bên, để góp vốn cho dự án và đảm bảo khách hàng sau khi góp vốn sẽ được mua đất với giá ưu đãi.

Tại buổi mở bán này, bất chấp những cảnh báo của cơ quan chức năng, Alibaba vẫn ngang nhiên cho khách hàng đặt cọc giữ chỗ. Trong số này có rất nhiều khách hàng không chỉ đặt cọc 1 nền mà đặt từ 5-7 nền.

Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết: “Công ty CP Địa ốc Alibaba chưa phải là chủ đầu tư nhưng đã rao bán, đặt cọc, như vậy là sai quy định. Trước đó, rất nhiều lần Thanh tra Sở mời làm việc nhưng công ty này không đến”.

Trước đó, vào ngày 22/11, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về Kinh tế và Tham nhũng (C46) Bộ Công an đã mời đại diện Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba lên làm việc xoay quanh nhiều thông tin các dự án mà công ty này rao bán, giữ chỗ ở Củ Chi (TP. HCM) và Long Thành (Đồng Nai).

Theo đó, đại diện của công ty này giải thích đã làm việc với Ban quản lý khu đô thị Tây Bắc và đề nghị hợp tác đầu tư dự án tại đây. Sau đó, Ban quản lý Khu đô thị Tây Bắc đã nộp hồ sơ đề xuất dự án đầu tư kèm theo văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư cho UBND TP. HCM.

“Công ty chỉ cho lập hồ sơ phân lô dự kiến của dự án Alibaba Tây Bắc TP. HCM và phiếu đặt chỗ để nhân viên kinh doanh giao dịch với khách hàng. Số tiền đặt chỗ 50 triệu đồng. Khi công ty mở bán chính thức nếu lúc này khách hàng hủy bỏ giao dịch thì công ty trả lại tiền", đại diện Địa ốc Alibaba nói.

Bên cạnh hoạt động kinh doanh, môi giới bất động sản theo hình thức đa cấp, nhiều nghi vấn cho thấy Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba tăng vốn điều lệ ảo, minh chứng khá rõ là vào tháng 5/2016 Alibaba có vốn điều lệ 1 tỷ đồng nhưng đến tháng 9/2017 đã lên đến 1.600 tỷ đồng.

Rõ ràng, Địa ốc Alibaba không chỉ “dính” một vài sai phạm mà rất nhiều sai phạm. Và chắc chắn, doanh nghiệp này nhận thức được sai phạm đó. Tuy nhiên, việc ra thông báo trả lại tiền nhận chỗ cho khách hàng không đồng ý chuyển cọc, có lẽ chỉ là để trấn an người dân. Và như trong thư xin lỗi của vị CEO “Cùi bắp” Nguyễn Thái Luyện vào ngày 17/11 trước đó, không chỉ thu tiền giữ chỗ mà tất cả những động thái của Địa ốc Alibaba từ trước đến nay, lẽ nào đúng là “chiêu PR đầy táo bạo” mà công ty này đang thực hiện để giữ chân khách hàng?

Theo Nghị định 121, hành vi vi phạm về huy động vốn hoặc mua bán theo hình thức ứng tiền trước với mức phạt 100 - 150 triệu đồng, biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp số lợi bất hợp pháp.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top