Aa

Doanh nghiệp “méo mặt” vì quy định trái khoáy của Ngân hàng Nhà nước

Thứ Hai, 04/12/2023 - 05:59

Nền kinh tế Việt Nam vẫn đang đối diện với muôn vàn khó khăn, nhiều doanh nghiệp tiếp tục có nguy cơ “tắc vốn” vì những quy định bất hợp lý của Ngân hàng Nhà nước.

Xin được bắt đầu bằng trả lời của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng vào ngày 1/11 vừa qua tại Quốc hội khi mà các đại biểu nêu thực trạng gói vay 40 nghìn tỷ đồng (giảm lãi suất 2%) triển khai từ năm 2022, kết thúc cuối năm 2023, nhưng vì sao quá chậm cho tới nay mới giải ngân được khoảng 873 tỷ đồng, một con số quá khiêm tốn và chắc chắn là không đạt được mục tiêu đề ra?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã trả lời rất thật, nêu rõ một trong những nguyên nhân là do thiết kế chương trình của rất thận trọng, quy định đối với những dự án "có khả năng phục hồi", từ này dẫn đến người cho vay, các doanh nghiệp cho vay, đơn vị cho vay và các doanh nghiệp đi vay cũng rất ngại trong việc hiểu thế nào là doanh nghiệp "có khả năng phục hồi".

Vì không biết thế nào là “có khả năng phục hồi” nên cả ngân hàng và doanh nghiệp đều ngại tham gia vào gói này, vì lo sợ một ngày nào đó có thể bỗng dưng gặp tai họa. Và kết quả là ý tưởng tốt đẹp hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh không thành công như mục tiêu ban đầu.

Trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khiến cho nhiều người nghĩ tới câu chuyện không ít doanh nghiệp và nhà đầu tư rơi vào cảnh bế tắc suốt mấy tháng qua chưa tìm ra lối thoát, đó là Thông tư 06/2023/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 1/9 vừa qua. Kiểu quy định của Ngân hàng Nhà nước cũng “thòng” thêm “cái đuôi” khiến cho cả ngân hàng và doanh nghiệp đều “méo mặt” vì sợ bất ngờ một ngày nào đó sẽ vướng vào vòng lao lý.

Cụ thể hơn, tại khoản 2 điều 22 Thông tư 06 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2016/TT-NHNN) yêu cầu với các tổ chức tín dụng: “Trường hợp cho vay để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án, có biện pháp kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình tài chính, nguồn trả nợ của khách hàng, đảm bảo khả năng thu hồi đầy đủ nợ gốc và lãi tiền vay đúng hạn theo thỏa thuận, kiểm soát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích”.

Cũng tại Thông tư này, khoản 5 điều 26 quy định: “Trường hợp cho vay để thanh toán tiền nhằm bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, tổ chức tín dụng phải phong tỏa số tiền giải ngân vốn cho vay tại tổ chức tín dụng cho vay theo quy định của pháp luật, thỏa thuận của các bên tại thỏa thuận cho vay cho đến khi chấm dứt nghĩa vụ bảo đảm”.

Trao đổi về nội dung này, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, Hiệp hội đã có công văn gửi tới Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đề nghị bãi bỏ một số quy định không còn phù hợp tại Thông tư 06 để thực hiện Công điện 993/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp phát triển thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội).

Theo ông Châu, tổ chức tín dụng gần như không thể thực hiện được trách nhiệm phải “có biện pháp kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình tài chính, nguồn trả nợ của khách hàng, đảm bảo khả năng thu hồi đầy đủ nợ gốc và lãi tiền vay đúng hạn theo thỏa thuận, kiểm soát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích” đối với “trường hợp cho vay để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án”, bởi lẽ người sử dụng vốn vay “cuối cùng” là chủ đầu tư dự án là “bên thứ 3”, không phải là khách hàng trực tiếp vay khoản tín dụng này.

Nhà đầu tư là khách hàng “vay để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án” thì số tiền vay này đã được tổ chức tín dụng chuyển vào tài khoản của chủ đầu tư dự án, có nghĩa là khách hàng vay tín dụng đã sử dụng vốn vay đúng mục đích “vay để thanh toán tiền góp vốn”, nên không cần thiết quy định tổ chức tín dụng phải “kiểm soát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích”.

Tổ chức tín dụng không thể “kiểm soát việc sử dụng vốn vay” đối với chủ đầu tư dự án là “bên thứ 3”sau khi đã nhận “tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án” của nhà đầu tư, trừ trường hợp có hợp đồng vay tín dụng “tay ba” giữa nhà đầu tư (khách hàng vay tín dụng) - tổ chức tín dụng - chủ đầu tư dự án có thỏa thuận về quyền của tổ chức tín dụng được “kiểm tra, giám sát, đánh giá, kiểm soát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích” của chủ đầu tư dự án và không cần thiết quy định nội dung này. 

“Quy định như tại điều 22 làm tăng thêm quy trình, thủ tục, tăng chi phí tuân thủ pháp luật” của tổ chức tín dụng, gây khó cho cả tổ chức tín dụng và chủ đầu tư dự án”, ông Châu bình luận.

Đồng thời, ông Lê Hoàng Châu cho biết về đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét bãi bỏ chi tiết điểm b khoản 2 Điều 22 và khoản 5 Điều 26 , không quy định tổ chức tín dụng “phải có biện pháp phong tỏa số tiền giải ngân vốn cho vay tại tổ chức tín dụng cho vay” đối với “trường hợp cho vay để thanh toán tiền nhằm bảo đảm thực hiện nghĩa vụ”, để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các quy định của Bộ Luật Dân sự 2015 về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ “đặt cọc, thế chấp, bảo lãnh” để bảo đảm “quyền” của “bên nhận đặt cọc, thế chấp, bảo lãnh”, trong đó có trường hợp “đặt cọc” để mua, thuê mua bất động sản, nhà ở hình thành trong tương lai.

“Quy định hiện tại rất bất cập vì chủ đầu tư dự án nhà ở hình thành trong tương lai bị phong tỏa tiền đặt cọc, không được sử dụng tiền đặt cọc là bất hợp lý, không bảo đảm quyền sở hữu của chủ tài sản, trong đó có quyền sử dụng số “tiền đặt cọc” này. Điều này trái với các quy định có liên quan của Bộ Luật Dân sự”, ông Châu chia sẻ.

bất động sản 2023
Những quy định bất hợp lý trong Thông tư 06 của Ngân hàng Nhà nước cần sớm được bãi bỏ để thực hiện hiệu quả Công điện 993/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh minh họa: Bùi Doanh

Bình luận về các nội dung nêu trên, Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật AnVi, trọng tài viên Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam nói thẳng: “Ngân hàng đang vì an toàn của mình, vì sợ trách nhiệm mà đẩy hết cái khó, thậm chí gây bế tắc cho các doanh nghiệp”.

Ông Đức cho rằng, quy định của thông tư không rõ ràng, đồng thời các ngân hàng quá sợ vi phạm nên áp dụng theo kiểu giải thoát mọi trách nhiệm của mình. Trong trường hợp này, phải phải hiểu rằng, việc cho vay để góp vốn không phải là trường hợp cho vay để thanh toán tiền nhằm bảo đảm thực hiện nghĩa vụ” để phải phong tỏa tiền vay. Nếu hiểu theo cách, doanh nghiệp vay tiền nhưng lại không được dùng tiền thì làm sao bên nhận góp vốn có thể triển khai được dự án và hoàn thành nghĩa vụ với bên góp vốn? Hệ lụy không chỉ là giao dịch kinh tế đổ vỡ mà còn gây tác động dây chuyền đến nhiều quan hệ kinh tế, dân sự khác. 

“Ngân hàng Nhà nước cần nhanh chóng giải tỏa cách hiểu và thực hiện không đúng này. Vì nếu hiểu quy định như vậy thì đồng nghĩa với việc phải có tài sản bảo đảm gấp đôi (để ngân hàng cho vay và để ngân hàng giải tỏa số tiền đã giải ngân) cho cùng một khoản vay. Điều này là quá vô lý, gây lãng phí nguồn lực, tăng chi phí, thậm chí là đánh đố doanh nghiệp, nhất là việc siết cả kênh tín dụng và trái phiếu trong thời gian qua đang đẩy họ đến bên bờ vực”, ông Đức nêu quan điểm. 

Vẫn theo Luật sư Trương Thanh Đức, tiền cho vay để thanh toán, trả nợ, đầu tư góp vốn, hợp tác kinh doanh thì vẫn giải ngân bình thường không chịu sự chi phối tại quy định mới của Thông tư 06. Có lẽ 90% số tiền vay của doanh nghiệp là để thực hiện một nghĩa vụ nào đó theo cam kết trong các hợp đồng kinh doanh, thương mại (nên pháp luật quy định phải giải ngân vào tài khoản của người thụ hưởng, chứ không giải ngân vào tài khoản của người vay), nhưng điều đó hoàn toàn khác với việc “nhằm bảo đảm thực hiện nghĩa vụ” theo các hợp đồng bảo đảm. 

Ông Đức phân tích thêm: “Thậm chí, ngay cả trường hợp số tiền vay để nhằm bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thì ngân hàng cũng không được phép tự ý phong tỏa. Vì, theo quy định tại Điều 12 về “Tạm khóa và phong tỏa tài khoản thanh toán” Nghị định số 101/2012/NĐ-CP thì ngân hàng chỉ có quyền phong tỏa tài khoản trong 4 trường hợp (không có trường hợp nào theo Thông tư 06). Trường hợp giải ngân cho vay như đang đề cập thì ngân hàng chỉ được phép ‘tạm khóa (tạm dừng giao dịch) một phần hoặc toàn bộ số tiền trên tài khoản khi chủ tài khoản yêu cầu hoặc theo thỏa thuận trước giữa chủ tài khoản và tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán’. Tức ngân hàng chỉ được quyền ‘đóng băng’ tài khoản khi có yêu cầu hoặc thỏa thuận của chủ tài khoản. Cách làm này vô hình trung biến Thông tư 06 thành một văn bản sai luật, trái thực tế, gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp”.

Còn nhớ tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV diễn ra vào giữa năm 2023 vừa qua, chính Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng 70% khó khăn của thị trường bất động sản là do vướng mắc pháp lý. Và cho tới bây giờ nhiều người chợt nhận ra rằng không chỉ có vướng mắc pháp luật về đất đai, mà lại tồn tại cả những quy định bất hợp lý từ phía Ngân hàng Nhà nước, đã và đang gây ra khó khăn cho cả tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư, xa hơn nữa là có thể gây ảnh hưởng tới sự phát triển chung của nền kinh tế.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top