Chiều 1/11, thay Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày trước Quốc hội, làm rõ và nhấn mạnh một số vấn đề mà các đại biểu quan tâm.
Đối với gói cho vay 40 nghìn tỷ đồng hỗ trợ lãi suất 2% thực hiện theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP chưa đạt được kết quả như dự kiến, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu hai lý do:
Thứ nhất, chủ yếu do nền kinh tế gặp khó khăn, nên nhiều doanh nghiệp có đủ điều kiện vay lại không vay, do đơn hàng, do tình hình sản xuất. Nhưng một số doanh nghiệp muốn vay lại không đủ điều kiện vay.
Thứ hai, do thiết kế chương trình của rất thận trọng, có quy định đối với những dự án "có khả năng phục hồi", từ này dẫn đến người cho vay, các doanh nghiệp cho vay, đơn vị cho vay và các doanh nghiệp đi vay cũng rất ngại trong việc hiểu thế nào là doanh nghiệp "có khả năng phục hồi".
“Đấy là vấn đề chúng tôi cho rằng chưa đạt được kỳ vọng của chương trình đề ra. Hiện nay mới giải ngân được 873 tỷ, gần bằng 2% kế hoạch. Chính phủ đã trình Quốc hội cho phép sẽ thực hiện tiếp chương trình này đến hết năm 2023, nếu không đạt được, chúng ta sẽ hủy dự toán. Đây là khoản chúng ta chưa phát hành, chưa huy động nên không ảnh hưởng gì đến bội chi. Thay vào chính sách hỗ trợ 2% lãi suất này chúng ta sẽ chuyển tiếp sang xin giãn, hoãn thuế giá trị gia tăng cũng như các thuế khác trong thời gian tới để hỗ trợ cho doanh nghiệp”, ông Dũng cho biết.
Về tình hình của năm 2023 - 2024, Bộ trưởng cho biết, tình hình thế giới khó khăn, nhiều phức tạp khó lường và nhanh, chưa có tiền lệ. Việt Nam là một nền kinh tế có quy mô đang còn nhỏ và có một độ mở thị trường lớn, tính chống chịu, thích ứng hay tính tự chủ của chúng ta đang còn hạn chế. Nền kinh tế đang trong chuyển đổi và hội nhập, chịu sự tác động rất nhiều từ bên ngoài nên tất cả những khó khăn bên ngoài sẽ tác động ngay đến nền kinh tế của chúng ta. Mặc dù vậy, kết quả đạt được tuy chưa đạt được so với các kế hoạch đề ra nhưng cũng rất đáng trân trọng và tích cực, trong khi các nước khác như Thái Lan dự báo có tăng trưởng 2,7%, Malaysia 4%, Indonesia 5%, Trung Quốc 5%.
Tất cả những con số này cho thấy với kết quả của chúng ta như thế cũng là một sự nỗ lực rất cao của cả hệ thống chính trị, trong đó có sự lãnh đạo của Đảng, sự ủng hộ, đồng hành rất hiệu quả và kịp thời của Quốc hội và sự chỉ đạo điều hành rất quyết liệt của Chính phủ chúng ta mới đạt được kết quả như vậy.
Tuy nhiên, trong thời gian tới cũng cho thấy tình hình có rất nhiều khó khăn như các đại biểu đã nêu. Ngoài những giải pháp ngắn hạn, Chính phủ cũng đang tập trung kết hợp cả những giải pháp dài hạn, căn cơ và trong tháng 10 vừa qua chúng ta đã thấy bắt đầu có những dấu hiệu tương đối tích cực, như: giải ngân vốn đầu tư công, thu hút FDI, đầu tư tư nhân, xuất khẩu, sức cầu tiêu dùng trong nước… cũng đã có những chuyển biến theo hướng tích cực hơn rất nhiều. Thời gian tới sẽ tiếp tục bám sát vào các chủ trương của Đảng, của Quốc hội, các nghị quyết để đưa ra các giải pháp và thực hiện một cách hiệu quả và quyết liệt hơn.
Về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thực hiện Nghị quyết 43, đây là một chủ trương và quyết sách hết sức đúng đắn, chính xác và kịp thời của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Một số chính sách của Nghị quyết 43 đã hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp, người dân và người lao động. Đã phát huy hiệu quả rất tích cực, góp phần vào đạt kết quả cao trong 9 tháng đầu năm của năm nay.
Bên cạnh các hỗ trợ này, chúng ta cũng đã dành hơn 50% nguồn lực của chương trình cho đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội. Toàn những dự án quan trọng, dự án trọng điểm mang tính chiến lược của quốc gia hiện nay đang triển khai cũng đang rất tích cực. Các dự án này đã dành 176.000/337.000 tỷ đồng của cả chương trình cho đầu tư hạ tầng, bên cạnh việc hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân, người lao động.
Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nêu vấn đề năng suất lao động được nhiều đại biểu quan tâm với hai nguyên nhân:
Thứ nhất, mô hình tăng trưởng của chúng ta chưa có nhiều thay đổi, dịch chuyển cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động giữa các ngành, lĩnh vực còn chậm, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Riêng năm 2023 có một lý do nữa, đó là tăng trưởng kinh tế năm 2023 thấp hơn so với mục tiêu, sản xuất công nghiệp, xây dựng và bất động sản khó khăn, một bộ phận lao động chuyển sang khu vực dịch vụ, chủ yếu là các ngành nghề phi chính thức và có năng suất lao động thấp hơn.
Thứ hai, một bộ phận lao động dịch chuyển việc mới nên cũng cần phải có thời gian học tập và đào tạo lại để thích nghi. Đấy là một số nguyên nhân cơ bản.
Ông Dũng cho biết: “Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng một đề án tăng năng suất lao động dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Thứ hai là giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng một đề án về chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động để thúc đẩy tăng năng suất và nhằm đưa năng suất lao động trở thành một động lực quan trọng cho tăng trưởng nhanh, bền vững, tận dụng được các hiệu quả cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chúng tôi đã trình với Thủ tướng Chính phủ rồi, hy vọng sắp tới sẽ được thông qua.
Ngoài các vấn đề trên Chính phủ đang bám sát các nghị quyết của Trung ương, của Quốc hội để chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ lớn như là tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh nền kinh tế, xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ và đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm quan trọng quốc gia. Trong bối cảnh khó khăn này, chúng tôi cũng rất mong Quốc hội sẽ tiếp tục đồng hành, giám sát và ủng hộ cho các chính sách Chính phủ sẽ tham mưu và trình với Quốc hội hỗ trợ cho nền kinh tế sớm phục hồi và sớm lấy lại đà tăng trưởng đạt được các mục tiêu của năm 2023 cũng như năm 2024 và mục tiêu của 5 năm”.