"Những gì chúng ta biết... mới chỉ trên giấy"
Mặc dù các doanh nghiệp đã có nhiều hành động nhằm chủ động đối phó với ảnh hưởng tiêu cực của Covid-19 nhưng nếu dịch bệnh tiếp tục lan rộng và kéo dài, nhiều nguy cơ xấu có thể xảy ra.
Cụ thể, theo “Báo cáo tác động của Covid-19 đến nền kinh tế” của Trường Đại học Kinh tế quốc dân, nếu dịch Covid-19 kéo dài đến hết tháng 4/2020, 49,2% doanh nghiệp vẫn duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh; 31,9% cắt giảm quy mô sản xuất; có 18,1% phải tạm dừng hoạt động; và 0,8% có khả năng phá sản. Tuy nhiên, nếu dịch kéo dài đến hết tháng 6/2020, tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn khi chỉ còn 14,9% doanh nghiệp duy trì được hoạt động; 46,6% doanh nghiệp tiếp tục cắt giảm quy mô; 32,4% sẽ tạm dừng hoạt động và 6,1% doanh nghiệp đứng trên bờ vực phá sản. Tỷ lệ doanh nghiệp có khả năng phá sản sẽ tăng cao, đến mức 19,3% nếu dịch kéo dài đến hết tháng 9/2020 và 39,3% nếu dịch kéo dài đến hết năm nay.
Số liệu từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho thấy, nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, thì gần 30% số doanh nghiệp chỉ có thể duy trì hoạt động được không quá 3 tháng; 50% doanh nghiệp chỉ trụ được nửa năm; trên 75% số doanh nghiệp sẽ phải thu hẹp quy mô lao động và có tới gần 10% số doanh nghiệp phải giảm quy mô lao động tới 50% so với hiện nay. Chỉ có chưa đầy 1% số doanh nghiệp gia tăng lao động. Hệ lụy của xu hướng này sẽ là hàng triệu lao động sẽ có nguy cơ mất việc làm trong những tháng tới đây.
"Chúng ta đã làm rất tốt việc chống dịch Covid -19, lúc nào cũng sôi sùng sục và nhận được sự đồng lòng quyết liệt từ Chính phủ đến người dân.
Thế nhưng, trong công tác cứu doanh nghiệp, chúng ta hình như đang chậm mất một bước. Chính phủ quyết liệt, nhưng bên dưới, tinh thần cứu nền kinh tế chưa bằng tinh thần chống dịch. Theo tôi, tinh thần của Thủ tướng đề ra ban đầu liên quan đến kinh tế không khác gì tinh thần chỉ đạo phòng chống dịch", chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.
Trước tình hình này, người đứng đầu Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo và đưa ra hàng loạt chỉ thị, chính sách nhằm kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Chỉ thị 11 về giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh ứng phó dịch Covid-19 đã sớm được ban hành.
Trong các giải pháp đó có 2 gói hỗ trợ quan trọng là gói tín dụng 250.000 tỷ đồng và gói tài khóa 30.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Nghị định 41 về gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất, Nghị quyết về gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng cũng đã được thông qua. Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương trong cả nước tổ chức mới đây với các quyết sách đồng bộ được đưa ra cũng thực sự mang ý nghĩa tổng động viên các nguồn lực của xã hội cho mặt trận chống suy thoái kinh tế, duy trì tăng trưởng.
Tuy nhiên, các giải pháp “mở ngân sách”, “nới tiền tệ” nói trên theo phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp và các hiệp hội, vẫn còn chậm đi vào thực tế. Đã gần ba tháng trôi qua, doanh nghiệp vẫn chưa thực sự tiếp cận được những chính sách ưu đãi hay hỗ trợ như các tuyên bố.
Tại tọa đàm "Công bố Báo cáo Kinh tế Vĩ mô Quý I năm 2020" do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức mới đây, TS. Phạm Sỹ Thành khẳng định, các chương trình của Chính phủ đang được thực hiện quá chậm chạp.
“Tính đến thời điểm này, đại dịch đã bước sang tháng thứ 3. Trong chính sách tiền tệ, tất cả những gì Ngân hàng Nhà nước và 23 ngân hàng thương mại đã làm là lên phương án hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp nhưng đến nay chưa có gói nào giải ngân. Chính sách tài khóa, bảo hiểm xã hội cũng vậy. Tất cả những gì chúng ta biết là Bộ Tài chính và các địa phương đang lên dự thảo, tức mới chỉ trên giấy”, ông Thành nói.
Theo phản ánh từ một số doanh nghiệp, thời gian qua Chính phủ yêu cầu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước liên tiếp chỉ đạo triển khai, rất nhiều tuyên bố về cam kết giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ… nhưng mấy hôm nay, khi làm việc với các chi nhánh ngân hàng thì đều được trả lời những câu tương tự như “các sếp nói vậy thôi nhưng chưa có hướng dẫn thì chi nhánh chưa thực hiện được”.
“Ngay khi biết được chủ trương giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ của Ngân hàng Nhà nước và ngân hàng thương mại, trong ngày 9/4, doanh nghiệp đã liên hệ với chi nhánh ngân hàng để được tư vấn hỗ trợ. Tuy nhiên, đại diện chi nhánh ngân hàng này lại cho hay, hiện chưa có cơ chế cho những việc cơ cấu lại nợ, giãn nợ; nếu doanh nghiệp thực hiện giãn nợ, thì sau này xếp hạng tín dụng có thể bị xếp vào danh sách nợ xấu. Những hỗ trợ như vậy là “vô nghĩa”, doanh nghiệp sẽ không dám đánh đổi vận mệnh, uy tín lâu dài để lấy cái lợi ngắn hạn”, đại diện một doanh nghiệp tham dự cuộc họp với VCCI chia sẻ.
Chia sẻ trên báo chí, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định, tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng đã đưa ra rất sớm là khẩn trương cứu doanh nghiệp để sau dịch bệnh, doanh nghiệp còn có thể tồn tại mà gây dựng phát triển lại.
“Chúng ta đã làm rất tốt việc chống dịch Covid -19, lúc nào cũng sôi sùng sục và nhận được sự đồng lòng quyết liệt từ Chính phủ đến người dân.
Thế nhưng, trong công tác cứu doanh nghiệp, chúng ta hình như đang chậm mất một bước. Chính phủ quyết liệt, nhưng bên dưới, tinh thần cứu nền kinh tế chưa bằng tinh thần chống dịch. Theo tôi, tinh thần của Thủ tướng đề ra ban đầu liên quan đến kinh tế không khác gì tinh thần chỉ đạo phòng chống dịch.
Ngay từ giữa tháng 2, tôi nhớ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã lên danh sách và liệt kê những tổn thương trước mắt mà doanh nghiệp gặp phải ngay đầu mùa dịch và đưa ra dự báo. Theo tôi nghĩ, các gói hỗ trợ phải vào cuộc ngay từ tháng 2, chứ không phải đến gần giữa tháng 4 vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp chưa biết mặt mũi gói hỗ trợ cho chính mình là gì”, vị chuyên gia phân trần.
“Sức khỏe” của doanh nghiệp đang tính bằng ngày
Theo các doanh nghiệp, nếu Chính phủ cấp “máy thở” mà không có “oxy” kịp thời từ phía các ngân hàng thì cũng rất khó để cứu doanh nghiệp, trong khi đây cũng được coi là giai đoạn vàng để hỗ trợ, cứu sống doanh nghiệp. Do vậy, việc “cứu” doanh nghiệp phải như “cứu hỏa” và phải tận dụng triệt để các biện pháp hỗ trợ, các gói hỗ trợ mà Chính phủ ban hành.
“Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp gửi hồ sơ xin hỗ trợ, bài toán đặt ra là duyệt thế nào? Dù Thủ tướng Chính phủ đã nói rằng hạn chế “xin - cho” nhưng không có giải pháp căn cơ thì chắc chắn sẽ còn bất cập này. Một doanh nghiệp gửi hồ sơ vay vốn đến một ngân hàng thân thiết chắc chắn sẽ có cơ hội dễ được phê duyệt hơn các doanh nghiệp khác.
Do đó, cần cụ thể hóa chính sách từ Ngân hàng Nhà nước để có những giải pháp hạ lãi suất cơ bản, có cơ chế bù cho các ngân hàng hoặc nới tăng trưởng tín dụng để các ngân hàng kiếm nguồn bù lại khoản đã giảm cho doanh nghiệp… Hơn thế, cần có những mệnh lệnh hành chính như có những ngành hàng nào không tính lãi hoặc chỉ tính lãi bao nhiêu %.
Sức khỏe doanh nghiệp bây giờ tính bằng ngày, không còn tính bằng tháng nữa, nên biện pháp thiết thực nhất là giảm, giãn nợ, những giải pháp này phải nhanh chóng triển khai để áp dụng ngay vào thực tiễn cứu doanh nghiệp”, ông Đặng Hồng Anh - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam kiến nghị.
Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cũng nêu ý kiến: “Chúng tôi kiến nghị tất cả các Chính sách của Chính phủ, ngân hàng và Bộ Tài chính có giúp doanh nghiệp thì phải ra được quyết định và thực hiện ngay. Nếu để chờ lâu quá, thủ tục hành chính rườm rà, để doanh nghiệp rơi vào cảnh muốn cứu cũng không thể cứu được nữa thì rất phí”.
Phát biểu tại hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19, ông Lê Duy Bình – Giám đốc Economica Vietnam nhận định, sự phục hồi của các doanh nghiệp, của nền kinh tế sẽ phụ thuộc nhiều vào những quyết sách được đưa ra trong giai đoạn này. “Do nguồn lực có hạn nên chúng ta cần chắt chiu những cơ hội và nguồn lực để hỗ trợ đúng thời điểm, đúng mục tiêu cho các doanh nghiệp trong và sau dịch”, ông Bình nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, việc tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp sau dịch là rất cấp thiết để “bồi bổ sức khỏe” cho doanh nghiệp và chuẩn bị cho nền kinh tế sẵn sàng bật dậy ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát trên toàn cầu. Theo đó, phải lấy tinh thần cứu doanh nghiệp giống như tinh thần chống dịch thì mới có thể thực thi một cách nhanh chóng và kịp thời.
“Cùng với những chủ trương, chính sách thì việc thúc đẩy thực thi cần phải đặc biệt coi trọng và cũng cần phải được triển khai với tinh thần khẩn trương như chống dịch. Nhanh một ngày là doanh nghiệp có thể phục hồi, chậm một ngày doanh nghiệp có thể bị xóa sổ”, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Tại cuộc họp cho ý kiến về công tác chuẩn bị Hội nghị toàn quốc của Thủ tướng với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong bối cảnh ứng phó dịch bệnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu rõ, việc đầu tiên trong giai đoạn hiện nay là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân, nhưng nhiệm vụ thứ 2 rất quan trọng đối với Chính phủ là bảo vệ lực lượng sản xuất, trước hết là các loại hình doanh nghiệp để kinh tế không bị đổ gãy.
“Chúng ta đã có một số biện pháp hỗ trợ thì chúng ta tiếp tục lắng nghe có những biện pháp trong thời gian tới, những biện pháp như vậy đã bao quát chưa” và “xem sự hỗ trợ của chúng ta đã đến nơi, đến chốn chưa, có gì vướng mắc. Sự chậm trễ, cửa quyền, rườm rà, phức tạp sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh, tinh thần là tìm mọi biện pháp để tháo gỡ, tạo thuận lợi cho mọi loại hình doanh nghiệp vươn lên, làm sao có dòng vốn mới đầu tư vào Việt Nam./.