Aa

Kỳ 4: Đối thoại với “Bộ óc thông minh nhất Hoa Kỳ”

Thứ Sáu, 16/03/2018 - 06:01

Trong cuộc đàm đạo ấy, ngoài việc trao đổi về vai trò của khái niệm lãnh đạo trong đời sống toàn cầu - một khái niệm mà ông Bạt nghiền ngẫm mấy chục năm nay cùng với vai trò của toàn cầu hoá về văn hoá, ông cũng không quên kể lại chuyện suýt thì không cưới được vợ chỉ vì hâm mộ Kissinger. Ông Kissinger nghe và cười một cách thích thú.

Xem loạt bài "Ký hoạ Nguyễn Trần Bạt"

Kỳ 1: “Một con sói trong nghề khai thác chất xám!”

Kỳ 2: Từ lý tưởng đến khởi nghiệp

Kỳ 3: Người hành nghề “phiên dịch xuyên... chính thể”

Một thời, cứ cầm tờ báo Phụ Nữ Việt Nam lên tay, là người ta vội lần giở ngay đến mục trả lời thư của chị Thanh Tâm. Những người trưởng thành thời kỳ ấy, trong đó có tôi, đều mê chuyên mục này. Chuyên mục nổi tiếng đến mức người ta coi Thanh Tâm là một thứ giáo sư biết tuốt về những chuyện liên quan đến trái tim, nên hễ có khúc mắc gì lại tìm cách hỏi Thanh Tâm, hoặc mách nhau viết thư hỏi chị. Nhiều người rất sợ một hôm nào đó không thấy chị Thanh Tâm xuất hiện.

Khoảng năm 2006, tôi được ông Bạt mời vào thăm tư gia ở thành phố Hồ Chí Minh. Ông có khoảng hơn chục căn biệt thự, chủ yếu cho thuê. Riêng “căn nhà đẹp nhất tôi dành để cho vợ ở, một ngôi nhà mà nếu ngay cả thủ tướng ở thì cũng có quyền tự hào” như có lần ông hãnh diện khoe trước các bạn trẻ tò mò về gia đình ông. Đó là căn biệt thự theo phong cách Pháp, tường sơn trắng, nổi bật lên giữa một không gian khá yên bình, nhìn thẳng ra kênh Nhiêu Lộc. Tại đó, lần đầu tiên tôi gặp vợ ông Bạt và thật bất ngờ cũng lại chính là thần tượng của mình hồi trẻ: Chị Thanh Tâm. Vâng, vợ của ông Nguyễn Trần Bạt chính là chị Thanh Tâm của tôi (Thực ra - cũng lần đầu tôi biết - "Chị Thanh Tâm" là một chuyên mục, nhiều người tham gia, nhưng vợ của ông Bạt là một trong những người đảm nhận chính). Tiện thể giới thiệu, ông vui vẻ kể lại một kỷ niệm vô cùng đáng nhớ với vợ chồng ông và rồi thì bạn sẽ thấy, nó cũng vô cùng thú vị liên quan đến cuộc gặp hai mươi hai năm sau của ông với con người được mệnh danh là “bộ óc thông minh nhất Hoa Kỳ”.

Năm 1972, khi đó Nguyễn Trần Bạt đón người vợ sắp cưới, là chị “Thanh Tâm” mà tôi gặp sau này, về Hà Nội để chuẩn bị các thủ tục cưới và khi vượt qua sông Hồng thì gặp máy bay ném bom. Khi sang được bờ bên này, đã chắc chắn thoát chết, để xua đi nỗi ám ảnh về tai họa, ông bèn bảo với vợ sắp cưới rằng: “Em lấy anh rồi nay mai đẻ cho anh một thằng con trai thông minh như Kissinger”. Rõ ràng là ông nói đùa, nhưng vợ ông lại nổi giận, bởi thời ấy chiến tranh xảy ra ác liệt, Hà Nội liên tục bị ném bom mà Kissinger là một trong những tác giả của thế trận ác liệt ấy. Thế là xén chút nữa ông Bạt không cưới được vợ vì câu nói liên quan đến Kissinger.

Ai ngờ câu chuyện tếu năm nào lại có lúc trở nên thú vị đến thế. Có thể nói là ngoài sức tưởng tượng của bất cứ ai. Vào năm 1994, có lẽ để thăm dò trước quyết định bỏ cấm vận, nước Mỹ đưa Tổng thống Bush (cha) đến Việt Nam. Cuộc thăm viếng theo kiểu “ném đá dò sông” nên cả hai bên đều vô cùng lúng túng. Nguyễn Trần Bạt không vô cớ được mời tham dự cuộc nói chuyện của ông Bush (cha), mà với thời tiết chính trị Việt Nam lúc ấy, còn bị xem là vô cùng nhạy cảm. Tức là lượng khách mời bị hạn chế về số lượng và tất nhiên là phải được chọn lọc kỹ càng về nhân thân.

Mãi sau thì ông Bạt mới biết, sở dĩ ông được mời là do ban tổ chức không muốn để ông Bush (cha) cảm thấy lạc lõng giữa những người sẽ im lặng là chính! Thực ra thì cũng rất khó để có được những câu hỏi mang tính đối đáp thú vị từ phía cử tọa, trong một môi trường còn cảnh giác nhau cao độ. Và sự việc diễn ra đúng như vậy, nghĩa là khá tẻ nhạt. Sau một hồi nói chuyện, Tổng thống Bush (cha) muốn được nghe các câu hỏi từ phía cử tọa. Nhưng hỏi gì ông Tổng thống bây giờ, đó là cả một vấn đề nan giải. Hỏi không khéo, giữ lập trường quá sẽ gây căng thẳng, nhưng bỗ bã, hồn nhiên quá có thể ăn đòn mất lập trường từ người trong nhà! Loáng thoáng cũng đã có người hỏi, nhưng thay vì mang đến sự thân mật, thì lại lập tức tạo ra sự cố. Đó là khi người hỏi vừa cất lời bằng tiếng Anh, thì ông Tổng thống Bush (cha) bèn vẫy tay bảo: “Đề nghị ngài cứ hỏi bằng tiếng Việt” khiến cả hội trường chết lặng.

Đấy là lúc ông Bạt cần xuất hiện. Và đây là câu hỏi của ông dành cho Tổng thống Mỹ lừng danh là cáo già về chính trị:

- Thưa ngài Tổng thống, ngài cảm thấy thế nào về việc ngài đã vượt một khoảng cách chính trị và không gian lớn để đến Việt Nam?

Người Mỹ rất có tài trong việc nhận xét và đánh giá người khác. Chỉ bằng một trao đổi ngắn, họ nhận ra ngay ai là người đáng để đối thoại. Tất nhiên ông Tổng thống sau đó hào hứng trả lời và khá hài lòng.

Duyên nợ của ông Bạt với người Mỹ không chỉ đến đó. Sau một thời gian ông bất ngờ nhận được lời mời của cựu ngoại trưởng Henry Kissinger tham gia một hội thảo về toàn cầu hóa do ông cựu cố vấn chủ trì. Trong bữa ăn tối với Kissinger, ông Bạt hỏi lý do tại sao ông được mời, thì “bộ óc thông minh nhất nước Mỹ” đã trả lời: “Tôi muốn quốc tế hóa cuộc hội thảo này và muốn có sự tham gia của một người Việt Nam. Tôi hỏi Ngân hàng Thế giới và họ đưa ra cái tên của ông”.

Trong cuộc đàm đạo ấy, ngoài việc trao đổi về vai trò của khái niệm lãnh đạo trong đời sống toàn cầu-một khái niệm mà ông Bạt nghiền ngẫm mấy chục năm nay cùng với vai trò của toàn cầu hoá về văn hoá, ông cũng không quên kể lại chuyện suýt thì không cưới được vợ chỉ vì hâm mộ Kissinger. Ông Kissinger nghe và cười một cách thích thú.

Mời quý độc giả đón đọc kỳ 5 loạt bài "Ký hoạ Nguyễn Trần Bạt" trên reatimes.vn!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top