Aa

Người mua nhà đang lơ là… pháp lý

Thứ Ba, 18/09/2018 - 14:07

Người mua nhà đang lơ là… pháp lý; Hệ thống quản lý “dễ thương” ở chỗ nào?; Thanh Hóa "ưu ái" hàng vạn mét vuông đất vàng cho Vietinbank bỏ không cả thập kỷ?; Sau thời lướt sóng, dòng tiền "dài hơi" âm thầm đổ vào thị trường Phú Quốc?;... là một số tin tức nổi bật trên thị trường bất động sản 24h qua.

Người mua nhà đang lơ là… pháp lý

Dù là một trong những yếu tố quan trọng nhất khi giao dịch bất động sản nhưng nhiều người mua nhà vẫn chưa quan tâm đúng mực đến các vấn đề pháp lý.

Theo một khảo sát của Batdongsan.com.vn gần đây, với các đối tượng người mua không phải dân đầu tư chuyên nghiệp, yếu tố pháp lý thường bị xem nhẹ và hầu như được hiểu khá mù mờ. Nhóm người mua trẻ dưới 30 tuổi thường chỉ quan tâm các yếu tố về giá bán, vị trí, tiện ích. Khi được hỏi về pháp lý, hầu hết họ đều cho là rất quan trọng nhưng lại không nắm được các loại hợp đồng hay giấy tờ gì cần làm khi mua nhà.

Với nhóm người mua từ 30 - 40 tuổi, tuy có quan tâm đến pháp lý nhưng hầu hết không biết các cơ quan nào sẽ cung cấp thông tin về dự án cũng như các vấn đề pháp lý của dự án phải tìm kiếm ở đâu. Họ đều chọn cách mua sản phẩm từ các chủ đầu tư lớn hoặc chấp nhận liều lĩnh làm giàu.

Xem chi tiết tại đây

Đất có vị trí đẹp, giá rẻ hơn khu vực xung quanh tiềm ẩn rủi ro về pháp lý

Đất có vị trí đẹp, giá rẻ hơn khu vực xung quanh tiềm ẩn rủi ro về pháp lý

Cuối năm 2018: “Thời điểm vàng” đầu tư vào bất động sản?

Sẽ không quá nếu nói rằng thị trường bất động sản năm 2018 đã chứng kiến diễn biến lúc "nóng" lúc "lạnh" cùng những cú dịch chuyển khiến ngay cả nhà đầu tư cũng bất ngờ. Trong bối cảnh đó, liệu thời điểm từ nay đến đầu năm 2019 có còn là "khoảng thời gian vàng" để đầu tư bất động sản không?

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Tập đoàn Think Big, Chủ tịch Công ty Bất động sản Lộc Sơn Hà, thị trường bất động sản đã và đang bước vào chu kỳ phục hồi, từ năm 2014 – 2018 sau giai đoạn trầm lắng. Trong giai đoạn chuyển dịch khởi sắc, một số phân khúc bất động sản có sự quay trở lại rất ngoạn mục như bất động sản nhà ở, bất động sản nghỉ dưỡng.

Từ đầu năm 2018, thị trường bất động sản đang có sự chững lại, đi vào quỹ đạo ổn định sau khoảng thời gian bùng nổ mạnh mẽ. Nguyên nhân là do tác động của những chính sách về tài chính, ngân hàng khiến việc cho vay bất động sản trở nên khó khăn hơn.

Xem chi tiết tại đây

Thanh Hóa "ưu ái" hàng vạn mét vuông đất vàng cho Vietinbank bỏ không cả thập kỷ?

Năm 2009, VietinBank - chi nhánh Sầm Sơn được tỉnh Thanh Hóa giao hơn 7.600m2 tại trung tâm thành phố để xây dựng trung tâm đa chức năng. Tới giữa năm 2012, đơn vị này đề nghị tỉnh gia hạn thời gian sử dụng đất. Tuy nhiên, đến năm 2013, VietinBank vẫn chưa hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh dự án, chưa thực hiện dự án theo chỉ đạo của tỉnh. Theo đó, sau khi cân nhắc, tháng 2/2018, tỉnh Thanh Hóa đã cho phép nhà băng này gia hạn thêm 24 tháng để hoàn thành dự án.

Tuy nhiên được biết, nếu sau 30/9/2018, VietinBank – chi nhánh Sầm Sơn vẫn chưa khởi công xây dựng công trình thì Sở TN&MT lập hồ sơ, trình UBND tỉnh quyết định thu hồi đất và không bồi hoàn bất cứ khoản kinh phí nào.

Không chỉ với dự án hơn 7.600m2 đất làm trung tâm đa chức năng, VietinBank cũng có hơn 3.000m2 dự định để xây dựng Tòa nhà VietinBank Bỉm Sơn nhưng bất thành. Cụ thể, mới đây, VietinBank Bỉm Sơn có thông báo đấu giá tài sản thông qua Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản Thanh Hóa.

Xem chi tiết tại đây

Trung tâm hành chính tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Trung tâm hành chính tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Bà Rịa - Vũng Tàu: Hàng chục trụ sở cũ chưa bán đấu giá, đang cho thuê

Tháng 4/2012, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chính thức đưa vào hoạt động Trung tâm hành chính tập trung tại phường Phước Trung, TP. Bà Rịa. Trung tâm hành chính mới gồm 7 cụm toà nhà văn phòng, mỗi cụm cao 6 tầng, phục vụ cho tất cả các khối nghiệp vụ hành chính.

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, số tiền này được lấy từ ngân sách tỉnh, sau đó sẽ bán trụ sở hành chính cũ của các sở, ngành để bù đắp lại.

Được biết, sau khi rời về trụ sở hành chính mới, ngoài trụ sở UBND tỉnh cũ tại TP. Vũng Tàu được quy hoạch phá đi làm công viên, thì tỉnh còn hơn 50 trụ sở hành chính cũ với diện tích lên tới 182.917,8 m2 đất và 60.093,1 m2 nhà được quy hoạch bán đấu giá để thu hồi vốn ngân sách.

Tuy nhiên, đến nay, các trụ sở cũ đang được cho thuê hoặc bỏ trống. Đơn cử, trụ sở Nhà văn hóa thiếu nhi tỉnh tại số 30, đường Quang Trung đang được cho thuê làm quán ăn và quán cà phê.

Trụ sở của Sở Y tế thì đang được cho một trung tâm thẩm mỹ làm văn phòng. Khu đất 1.000 m2 của Văn phòng Tỉnh ủy tại số 68 - Trương Định thì bị bỏ hoang…

Xem chi tiết tại đây

Xử lý nhà “siêu mỏng, siêu méo”: Gỡ mãi vẫn rối như tơ vò

UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Văn bản 1758/UBND-ĐT xử lý các trường hợp không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng phát sinh khi thực hiện dự án mở đường trước năm 2005. Dư luận hy vọng với những chế tài đủ mạnh cùng tinh thần quyết tâm của chính quyền và các cơ quan chức năng, tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo tồn tại trên địa bàn Thủ đô nhiều năm qua sẽ sớm được “xóa sổ”.

Phương án là vậy, song, theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng, việc xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo vẫn không dễ dàng. Bởi lẽ, sau khi giải phóng mặt bằng, giá đất tại các tuyến đường, phố mới mở đều tăng gấp hàng chục lần những ngôi nhà trong ngõ trước đây. Các hộ dân vì lợi ích của mình không thể tìm được tiếng nói chung trong quá trình thỏa thuận, hầu hết đều quay sang ép giá nhau.

Nhìn nhận thẳng thắn vấn đề, GS. Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, giá đất sau khi GPMB tăng cao hàng chục lần nên người dân cố tình không chấp hành pháp luật. Chủ trương hợp khối cũng rất khó. Khi GPMB các hộ xin thỏa thuận hợp khối, GPMB xong không thể hợp khối được vì các hộ quay ra ép giá nhau, chính quyền vì thế lúng túng quản lý. Thế mới có câu chuyện bi hài “bức tường 1,7m2" có giá... 1 tỷ đồng.

Xem chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top