Aa

Siết chặt quy định về trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2024 liệu có khả thi?

Thứ Bảy, 16/12/2023 - 06:00

Chỉ còn 2 tuần nữa chiếc “phao cứu sinh” Nghị đinh 08 về TPDN sẽ hết hiệu lực. Trong bối cảnh các doanh nghiệp vẫn đang phải xoay vần với các khoản nợ, Nghị định 65 đã thực sự có thể triển khai từ đầu năm 2024?

Thời gian qua, thị trường trái phiếu đã có những biến động mạnh, theo đó, nhà đầu tư rơi vào trạng thái khủng hoảng niềm tin và yêu cầu doanh nghiệp phải mua lại trái phiếu trước hạn, trong khi doanh nghiệp liên tục gặp khó khăn khi phát hành trái phiếu mới. Ngoài ra, nền kinh tế vĩ mô và thị trường tài chính trong, ngoài nước có diễn biến phức tạp, lãi suất tăng, thanh khoản của nền kinh tế gặp khó khăn.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ ban hành đã Nghị định 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại Nghị định số 65/2022/NĐ-CP (Nghị định 65) đến hết ngày 31/12/2023 để bình ổn lợi ích doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư mua trái phiếu. Trong đó, nổi bật là quy định giúp doanh nghiệp có cơ sở pháp lý để đàm phán với nhà đầu tư và cơ cấu lại các khoản nợ trái phiếu, giảm áp lực trả nợ. Từ đó, doanh nghiệp có thời gian để điều chỉnh quy mô hoạt động, khôi phục sản xuất kinh doanh để tạo ra dòng tiền trả nợ.

Tuy nhiên, đến hết ngày 31/12/2023, 3 nội dung quy định tại Nghị định 65 sẽ có hiệu lực trở lại gồm: Xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, xếp hạng tín nhiệm bắt buộc và giảm thời gian phân phối trái phiếu. Điều này dẫn đến việc chiếc “phao cứu sinh” tạm thời của doanh nghiệp sắp không còn nữa, trong khi các doanh nghiệp vẫn phải liên tục xoay vần nhiều cách để đưa khoản nợ trái phiếu ngắn hạn về không, hoặc vẫn đang chậm thanh toán với nhà đầu tư.

"Triển khai Nghị định 65 trong năm 2024 khó đem lại kết quả tốt do chưa thực sự phù hợp với thực tiễn"

Trao đổi với phóng viên, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng các quy định của Nghị định 65 rất chặt chẽ, dẫn đến việc thị trường bất động sản cuối năm 2022, đầu năm 2023 gần như chững lại, khiến nhiều doanh nghiệp không thể phát hành trái phiếu. 

“Sự chặt chẽ quá mức của Nghị định 65 khiến cả người mua và người bán đều gặp khó khăn. Tôi cho rằng trong khi Nghị định 08 sắp hết hiệu lực thì việc triển khai Nghị định 65 trong năm 2024 cũng khó lòng đem lại được kết quả tốt do chưa thực sự phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế. (Ảnh: Reatimes)

Trong đó, chuyên gia kinh tế phân tích, trong bối cảnh hiện nay, việc yêu cầu doanh nghiệp bắt buộc phải có xếp hạng tín nhiệm mới được phát hành trái phiếu là điều kiện quá ngặt nghèo, dẫn đến hệ luỵ nhiều doanh nghiệp không thể phát hành trái phiếu và phá sản. 

Chẳng hạn, Singapore không bắt buộc doanh nghiệp phải xếp hạng tín nhiệm, mà chỉ khuyến khích các doanh nghiệp phát hành có xếp hạng tín nhiệm. Nếu đặt doanh nghiệp vào tình thế bắt buộc thì sẽ gây nhiều khó khăn và hệ luỵ cho thị trường. Hay thị trường phát triển như Nhật Bản cũng như vậy, nhà đầu tư phải là người biết đọc báo cáo tài chính, có thể đưa ra phân tích rủi ro lãi suất để đưa ra lựa chọn đầu tư an toàn và chịu trách nhiệm hoàn toàn với quyết định đầu tư của mình.

Bên cạnh đó, chuyên gia cho rằng nếu quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân phải đảm bảo danh mục nắm giữ có giá trị trung bình từ 2 tỷ đồng tối thiểu trong vòng 180 ngày bằng tài sản của nhà đầu tư, không bao gồm tiền vay chưa thật sự hợp lý. Bởi, theo vị chuyên gia này, việc nắm giữ trái phiếu lâu dài với số vốn lớn có thể chưa phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp. Nhà đầu tư chuyên nghiệp phải là người có hiểu biết về thị trường và nắm được bản chất của trái phiếu, cổ phiếu, có khả năng đánh giá, phân tích,  đưa ra các cái quyết định đầu tư và tự chịu trách nhiệm trước quyết định đó.

“Trong thời gian tới, khi Nghị định 08 hết hiệu lực, do doanh nghiệp rơi vào hoàn cảnh khó khăn do không thể phát hành trái phiếu, không trả được nợ, rất có thể thị trường bất động sản sẽ thêm trì trệ kéo dài, thậm chí rơi vào khủng hoảng. Do đó, tôi cho rằng, chúng ta nên tiếp tục gia hạn Nghị định 08 lâu hơn để điều hoà thị trường ổn định”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh khẳng định.

Ở một góc nhìn khác, chuyên gia kinh tế Trần Nguyên Đán - Giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng mặc dù việc tạm hoãn thực thi một số quy định trong Nghị định 65 để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị, thế nhưng điều đó cũng phản ánh thị trường trái phiếu tại Việt Nam chưa chuẩn như chúng ta nghĩ hay mong đợi.

Thực tế, thị trường và niềm tin của nhà đầu tư đã chịu những ảnh hưởng nhất định sau rất nhiều vụ việc lừa dối khách hàng khi huy động vốn và sử dụng sai mục đích. Có thể kể đến vụ việc điển hình của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh, Ngân hàng SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát,... 

“Thực chất, việc huy động vốn mà không sử dụng đúng mục đích đã đủ để cấu thành tội lừa dối khách hàng trong Bộ Luật Hình sự. Nhưng chưa có ai bị xử theo đúng tội đó, dãn đến việc cuối năm 2022 đã có một loạt doanh nghiệp xin được thu mua sớm trái phiếu tức là tất toán sớm. Tôi cho rằng lý do hầu hết nằm ở việc doanh nghiệp đều có dấu hiệu hết lừa dối khách hàng”, chuyên gia kinh tế Trần Nguyên Đán phân tích.

Chuyên gia khẳng định, dưới góc nhìn của nhà tạo lập thị trường, việc tạm hoãn một số quy định trong Nghị định 65 để doanh nghiệp được “giãn nợ” và có nhiều thời gian chuẩn bị là giải pháp tạm thời, thế nhưng, dưới góc nhìn của luật pháp, điều này đang để lại nhiều rủi ro và hệ luỵ khác. 

Chuyên gia kinh tế Trần Nguyên Đán - Giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM.

Chuyên gia kinh tế Trần Nguyên Đán nhấn mạnh: “Doanh nghiệp cần công khai đúng mục đích sử dụng, khi đã hứa thì cần phải thực hiện đúng như vậy, nếu đến thời hạn nhưng không trả được thì chấp nhận phá sản, trừ phi đạt được sự thống nhất của phần lớn các trái chủ (65%). Tuy nhiên, lại chưa có khung pháp lý để hỗ trợ cho những trái chủ nhỏ lẻ khác.

Ngoài ra, việc cho phép doanh nghiệp được hoàn trả bằng tài sản đó là một phần thỏa thuận dân sự mà phải có sự đồng thuận của trên 65% trái chủ. Như vậy, đây vẫn là thoả thuận giữa chủ nợ và con nợ. Cho nên, tôi cho rằng, so với Nghị định 08, đây không phải là bước tiến mới giúp đem lại sự thay đổi so với trước đó”.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia kinh tế này cho rằng, việc doanh nghiệp cần xếp hạng tín nhiệm là bắt buộc, cần thiết để bảo vệ nhà đầu tư. “Hiện Việt Nam chỉ còn 2 công ty hoạt động để cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm. Tôi cho rằng nên phát triển thị trường của các công ty xếp hạng tín nhiệm chứ không chỉ phụ thuộc vào 2 công ty này. Thực chất, chúng ta vẫn đang thiếu một đơn vị thực sự có trình độ chuyên môn cao để xếp hạng tín nhiệm nhằm phát triển thị trường minh bạch, hiệu quả”, chuyên gia nêu quan điểm.

Đồng thời, chuyên gia cũng khẳng định việc Nghị định 65 yêu cầu các nhà phát hành trái phiếu phải công bố các thông tin và cập nhật thông tin cho nhà đầu tư là hoàn toàn chuẩn xác và rất quan trọng cho thị trường.

Doanh nghiệp cần chủ động tái cấu trúc

Chuyên gia kinh tế Trần Nguyên Đán đánh giá: “Nghị định 65 đã cho thấy Chính phủ đang cố gắng bảo vệ nhà đầu tư, tuy nhiên, chúng ta còn cần hướng tới một việc nữa là làm sao để sàn giao dịch trái phiếu đạt được tính thanh khoản cao, khiến nhà đầu tư yên tâm và giảm thiểu rủi ro khi đầu tư”

Theo vị chuyên gia này, một vấn đề không được đề cập đến trong Nghị định là việc có ngân hàng giám sát để giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư. Khi đó, đơn vị này sẽ giám sát các khoản tiền của các trái chủ đưa vào công ty, doanh nghiệp phát hành trái phiếu đúng mục đích, công khai, minh bạch, tránh việc doanh nghiệp dùng “vốn chỗ này, đắp chỗ nọ”. 

Ngoài ra, chuyên gia kinh tế Trần Nguyên Đán nhận định, mục đích hàng đầu của Nghị định 65 là cần bảo vệ nhà đầu tư và phát triển thị trường trái phiếu một cách bền vững, còn không nằm ở việc “giải cứu” các công ty bất động sản. 

“Điều đó là không hợp lý. Thị trường bất động sản giai đoạn vừa qua đã phát triển lệch hướng và chúng ta cần điều chỉnh lại. Chúng ta không thể nào cứu một nhà phát triển thị trường méo mó bằng cách bắt cả thị đường méo mó theo. Chúng ta phải hướng tới sự minh bạch, công tâm. Nếu chúng ta không thể phát triển một thị trường trái phiếu ổn định, bền vững và minh bạch thì chúng ta không thể tính đến những câu chuyện xa xôi hơn về phát triển kinh tế”, chuyên gia chia sẻ.

Ảnh minh hoạ. (Ảnh: Thu Thu)

Dưới góc độ doanh nghiệp, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, đầu tiên, các doanh nghiệp bất động sản cần phải tự tái cấu trúc và tự tìm giải pháp cứu mình. Thay vì việc phát triển dàn trải với nhiều dự án dẫn đến khó khăn, thách thức về vốn, doanh nghiệp đánh giá và chọn lựa một số dự án nổi bật và phù hợp với thị trường để thúc đẩy dòng tiền quay trở lại doanh nghiệp.

Thứ hai, doanh nghiệp cần “liệu cơm gắp mắm” và xem xét giảm giá bất động sản phù hợp với thị trường, từ đó mới có các giao dịch mua-bán, và để dòng tiền quay trở lại. “Nếu doanh nghiệp cứ liên tục giữ mức giá cao với hy vọng thu được lợi nhuận tốt thì dường như trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp đã bỏ qua cơ hội thu hồi vốn và sẽ phải tiếp tục đối diện với các khó khăn”, chuyên gia cho biết thêm

Thứ ba, Nhà nước đã cho doanh nghiệp “phao cứu sinh” để doanh nghiệp có thể xem xét tái cấu trúc, nếu đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp vẫn đang loay hoay, không chịu thay đổi và chờ đợi sự giúp đỡ tiếp tù Nhà nước là điều bất hợp lý. Trước khi mong cầu sự vào cuộc của Nhà nước, thì doanh nghiệp cần phải tự lực, chấp nhận thích ứng với quy luật của thị trường và chấp nhận việc không ai khác có thể cứu được doanh nghiệp ngoài việc doanh nghiệp cần tự cứu chính mình./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top