Áp lực đáo hạn vẫn "bủa vây" doanh nghiệp bất động sản
Dữ liệu Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ HNX và SSC cho thấy, tính đến ngày công bố thông tin 01/12/2023, đã có 35 đợt phát hành riêng lẻ trong tháng 11 với tổng giá trị hơn 29.331 tỷ đồng. Các đợt phát hành này có lãi suất trung bình 8,2%/năm, kỳ hạn trung bình 6 năm.
Lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận là 249.454 tỷ đồng, với 28 đợt phát hành ra công chúng trị giá 27.070 tỷ đồng (chiếm 10.9% tổng giá trị phát hành) và 217 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 222.384 tỷ đồng (chiếm 89,1% tổng số).
VBMA cũng cho biết, trong tháng 11, các doanh nghiệp đã mua lại 10.664 tỷ đồng trái phiếu. Tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 11 đạt 210.003 tỷ đồng, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm 2022 và tương đương 84,2% giá trị phát hành. Trong đó, Ngân hàng vẫn là nhóm ngành dẫn đầu, chiếm 47,9% tổng giá trị mua lại trước hạn (tương ứng 100.490 tỷ đồng).
Được biết, trong thời gian tới, có 02 lô trái phiếu đã được lên kế hoạch phát hành thuộc về Công ty Cổ phần Vinhomes và Công ty Cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa.
Trong đó, HĐQT Công ty Cổ phần Vinhomes đã thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ với tổng giá trị tối đa 2,000 tỷ đồng. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo, mệnh giá là 100 triệu VND/trái phiếu, kỳ hạn tối đa 24 tháng. Lãi suất cố định, thả nổi hoặc kết hợp tùy theo điều kiện thị trường.
Cùng với đó, HĐQT Công ty Cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa cũng đã thông qua phương án phát hành trái phiếu với tổng giá trị phát hành tối đa 500 tỷ đồng, kỳ hạn tối đa 36 tháng.
Những ngày còn lại của năm 2023, tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn là 26.761 tỷ đồng. Trong đó, 46% giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm Bất động sản với hơn 12.372 tỷ đồng, theo sau là nhóm Ngân hàng với 4.030 tỷ đồng (chiếm 15%).
Liên quan đến số trái phiếu doanh nghiệp bất động sản đáo hạn trong tháng cuối năm, theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), doanh nghiệp có dư nợ trái phiếu lớn nhất đến hạn trả trong tháng cuối năm 2023 là Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Du lịch Phú Quốc với 2.400 tỷ đồng trái phiếu phải tất toán. Cùng với đó, doanh nghiệp có lô trái phiếu đến hạn trả lớn thứ hai trong tháng cuối năm nay là Công ty Cổ phần Đầu tư Quang Thuận với 1.500 tỷ đồng.
Ngoài ra, nhóm công ty liên quan đến Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland; mã chứng khoán: NVL) là nhóm có dư nợ trái phiếu đến hạn lớn nhất với tổng dư nợ 3.780 tỷ đồng. Cụ thể: Công ty TNHH Phát triển bất động sản An Khang (1.480 tỷ đồng); Công ty TNHH Bất động sản Đà Lạt Valley (1.100 tỷ đồng); Công ty Cổ phần Kinh doanh bất động sản Thái Bình (500 tỷ đồng) và Công ty TNHH Bất động sản Vĩnh Xuân có 2 lô trái phiếu với tổng giá trị 700 tỷ đồng.
Có thể thấy, chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là hết năm 2023 nhưng áp lực trả nợ trái phiếu của các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp bất động sản nói riêng vẫn rất nặng nề.
Những "tia sáng" cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Trước những bất cập và khó khăn của thị trường trái phiếu, ngày 23/11 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện 1177/CĐ-TTg với mục tiêu tiếp tục quyết liệt thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản, với sự chú trọng đến hiệu quả, an toàn, lành mạnh và bền vững.
Theo Công điện 1177, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản mặc dù đã được cải thiện nhưng chưa đạt như kỳ vọng; tăng trưởng tín dụng thấp, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế tiếp tục khó khăn, nợ xấu có xu hướng gia tăng.
Do đó, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, cụ thể khả năng thanh toán, chi trả của các tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhất là các trái phiếu đến hạn thanh toán trong cuối năm 2023 và năm 2024; đồng thời, khẩn trương rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 08/2023/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2023 và các văn bản có liên quan quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Tại tọa đàm: "Thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiệu quả, an toàn, bền vững", ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và các tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) nhận định, từ sau các vụ việc trên thị trường tài chính tháng 10/2022, cùng với diễn biến xấu trên thị trường tài chính trong và ngoài nước, thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị tác động nặng nề, nhà đầu tư mất niềm tin, doanh nghiệp bị áp lực phải mua lại trái phiếu đã phát hành cũng như không phát hành được trái phiếu mới để huy động nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có rất nhiều chỉ đạo quyết liệt trong các lĩnh vực có liên quan đến thị trường này, từ việc hoàn thiện khung khổ pháp lý đến duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh cũng như các thị trường có liên quan tới thị trường trái phiếu.
Ông Phan Đức Hiếu, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho rằng, Công điện 1177/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã xác định đúng vấn đề, đưa ra các giải pháp rõ ràng cả hai chiều: Một là thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp bền vững; Hai là xử lý vấn đề còn tồn tại của thị trường.
Theo Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, có 3 điểm nhấn của Công điện 1177, cụ thể: Thứ nhất, Công điện có cách tiếp cận rất hệ thống, không chỉ giải quyết vấn đề của thị trường trái phiếu, mà cả thị trường liên thông với thị trường trái phiếu.
Thứ hai là vấn đề bất động sản, lĩnh vực hấp thụ vốn trái phiếu riêng lẻ.
Thứ ba, vấn đề vốn tín dụng liên thông nhau. Về thời gian, Công điện có các giải pháp ngắn và dài hạn, ví dụ các vấn đề trái phiếu đã phát hành, hay phát hành mới... Về thể chế, giao Bộ Tài chính rà soát các thể chế hiện hành kể cả Nghị định 08 để cần thiết sửa đổi các quy định của luật pháp...
“Có thể nói, cách tiếp cận Công điện 1177 được triển khai quyết liệt, quyết tâm, hệ thống, đồng bộ và toàn diện”, Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu nhấn mạnh.
Do đó, để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển ổn định và bền vững hơn trong thời gian tới, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia đã đề xuất một số giải pháp trọng tâm, cụ thể: Thứ nhất, cần tiếp tục quan tâm hoàn thiện thể chế, chính sách.
TS. Cấn Văn Lực cho rằng, cần phải phân nhóm theo từng lĩnh vực ngành nghề, nhóm nào cần xếp hạng tín nhiệm và nhóm nào không cần xếp hạng tín nhiệm. Ví dụ, đối với nhóm ngân hàng thương mại, không cần xếp hạng tín nhiệm vì họ phát hành mục đích rất rõ là để tăng vốn cấp hai, đồng thời các ngân hàng cũng được quản lý chặt chẽ các hệ số an toàn bởi Nhà nước.
Thứ hai, đa dạng hóa sản phẩm trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Giải pháp thứ ba là đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Giải pháp thứ tư là nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin và dữ liệu.
Cuối cùng, là giải pháp về tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đặc biệt là năng lực, công cụ cho đội ngũ này.
Liên quan tới vai trò của tổ chức phát hành và nhà đầu tư, ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh, cần phải thúc đẩy tinh thần vượt lên trên sự tuân thủ của chính các tổ chức phát hành và các nhà đầu tư.
Theo ĐBQH Phan Đức Hiếu, trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, tinh thần vượt lên trên sự tuân thủ của luật pháp rất quan trọng. Hiện luật pháp chỉ nên dừng lại ở những quy chuẩn tối thiểu, vì nếu tăng quy chuẩn, tăng điều kiện thì kèm theo đó có thể vô hình trung tạo ra rào cản không cân xứng cho những tổ chức phát hành và các nhà đầu tư khác nhau với kế hoạch sản xuất kinh doanh khác nhau.
Vì vậy, ông Phan Đức Hiếu hy vọng, mỗi cá nhân, doanh nghiệp cần thúc đẩy tinh thần vượt lên sự tuân thủ, tức là nếu như không yêu cầu nhưng vì lợi ích của chính mình thì mỗi cá nhân, doanh nghiệp có thể làm tốt hơn luật yêu cầu.
“Chúng ta cần sự hành động của tất cả các bên liên quan tới thị trường này và hành động vì lợi ích của chính chúng ta. Đây cũng là cơ hội để bứt phá và sàng lọc”, ĐBQH Phan Đức Hiếu nhấn mạnh.
Về phía cơ quan quản lý, ông Nguyễn Hoàng Dương khẳng định, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi và đôn đốc các doanh nghiệp có dư nợ trái phiếu và trong năm 2023.
“Vừa rồi, Thủ tướng Chính phủ có ban hành thêm Chỉ thị mới, chúng tôi sẽ căn cứ vào những chỉ đạo trong Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ để triển khai các giải pháp cụ thể. Với tất cả những hành động như vậy, tôi tin tưởng rằng là chúng ta sẽ dần dần lấy lại đà hồi phục của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đồng thời tăng cường tính kỷ luật, kỷ cương trong việc phát triển thị trường”, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và các tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho hay./.
Về thị trường trái phiếu sơ cấp, ngày 29/11, Kho bạc Nhà nước gọi thầu tổng cộng 6.000 tỷ đồng TPCP ở các kỳ hạn 5 năm, 10 năm, 15 năm và 30 năm. Trái phiếu ở kỳ hạn 10 năm, 15 năm và 30 năm trúng thầu toàn bộ. Tỷ lệ trúng thầu của trái phiếu kỳ hạn 5 năm đạt 55%. Tổng giá trị TPCP phát hành từ đầu năm tới nay là 284.0066 tỷ đồng, tương ứng khoảng 71% kế hoạch năm.
Về thị trường trái phiếu thứ cấp, giá trị giao dịch (GTGD) thị trường thứ cấp đạt 37,009 tỷ đồng, trong đó GTGD thông thường (outright) trung bình ngày tăng 2%, GTGD mua bán lại (repo) trung bình ngày tăng 17% so với tuần trước đó. NĐTNN mua ròng 175 tỷ đồng TPCP trong kỳ. Lợi suất TPCP tại phòng giao dịch của VBMA giảm ở hầu hết các kỳ hạn.